Tết dẫu ngày càng hiện đại, với bao nhiêu thứ đắt tiền đến mấy thì gia đình Việt vẫn không quên tắm “tẩy trần” bằng nồi nước đun với lá mùi già của bà, của mẹ trong chiều cuối năm cho cả gia đình.
Bình dị, dân dã thôi nhưng đó là nỗi nhớ, niềm thương và cả sự mong mỏi sum vầy của các thành viên trong gia đình vào ngày cuối cùng của năm.
Không biết tự bao giờ, tục lệ tắm nước lá mùi già trước khi bước sang năm mới hiện hữu trong các gia đình Việt. Thường thì bà hay mẹ sẽ là người chuẩn bị nồi nước này cho cả gia đình. Lần lượt từng thành viên trong gia đình, từ người nhiều tuổi nhất cho đến ít tuổi nhất sẽ thay phiên nhau tắm thứ nước sóng sánh thơm dịu dàng, thanh khiết, nhẹ nhàng mà lưu luyến ấy.
Theo quan niệm của người xưa, tắm nước mùi già vào ngày cuối cùng của năm, con người sẽ được “tẩy rửa” khỏi những điều không may trong năm cũ, sẵn sàng đón chờ một năm mới với nhiều niềm vui và mang theo cả những hy vọng. Mọi cái vận hạn đen đủi của năm cũ dường như được gột bỏ và giữ lại một cảm giác thanh sạch, khoan khoái. Cái mùi hương thanh khiết và sáng trong đến lạ vẫn làm người ta mê mẩn hơn bất cứ thứ nước hoa sang trọng, đắt tiền nào của cuộc sống hiện đại. Một thứ mùi vị đặc trưng của đồng đất quê hương sẽ mãi lưu luyến, vấn vương trong cả năm để nhắc nhở mọi người về cội nguồn, gốc rễ.
Người ta cẩn thận chọn từng cây mùi già để có một nồi nước tắm đậm đà hương thơm cho các thành viên trong gia đình. Phải là những cây mùi đã già, cho ra những chùm quả nhỏ màu xanh lấm tấm, lác đác vài bông hoa trắng muốt bé xinh xinh, thân cây đã chuyển từ màu xanh sang nâu tía được nhổ cả rễ, rửa sạch, không để nát lá rồi cho vào nồi nước đun. Và khi đun lên, một mùi thơm ngan ngát, cay cay, rất riêng biệt. Không cần cho quá nhiều rau mùi, nồi nước tắm vẫn có một mùi hương nhẹ nhàng, dễ chịu. Điều đặc biệt nhất là toàn bộ cây mùi già, từ lá, hoa cho đến cả thân đều cho hương thơm rất sâu và đọng lại rất lâu trong gió. Khi tắm xong, cả nhà thơm hương mùi ấm áp, phảng phất hương đến vài ba ngày Tết mới bay hết mùi.
Mùi là loại rau của mùa đông. Thường vào cữ cuối đông, người ta đem hạt mùi ra gieo vài luống, rồi như một sự vô tình lãng ý của giá rét, chỉ khoảng một hai tháng sau, đã thấy mùi lên tươi tốt, phất phơ hoa trắng và quả nhỏ li ti, thân lá thì xanh sẫm lại. Ấy là lúc cắt mùi đến tận gốc, dồn lại thành từng bó mà mang ra chợ bán. Trong những gánh hàng đem ra chợ ngày Tết, thấp thoáng những bó mùi già với những bông hoa nhỏ trắng xinh. Đi đến đâu, hương thơm được giữ lại và để lâu đến đó, khiến người đi chợ Tết thấy xốn xang, thấy nhớ nồi nước tắm mùi già của bà, của mẹ.
Có đào, có quất, có violet tím mà chưa có hương mùi già, Xuân hình như còn thiếu và Tết dường như vẫn chưa về. Dù công việc có bận rộn đến mấy, Tết có đầy đủ đến mấy thì tục tắm nước lá mùi già vào ngày 30 Tết không thể thay thế. Dù ở thành thị hay ở nông thôn, gia đình sang giàu hay nghèo khó đều giữ nếp tắm lá mùi ngày Tết. Từ nhà ra ngõ, từ phố này sang phố khác, chiều 30 Tết nghi ngút nồi nước tắm lá mùi ngan ngát hương bay trong gió. Cứ ngửi thấy là đã mê mẩn cả người. Tắm xong rồi thì thư thái đến lạ. Thế hệ cao niên trong gia đình luôn nhắc con, cháu mua lá mùi già về, nấu nước tắm vào mỗi dịp Tết cổ truyền.
Bất cứ ai đã từng được tắm nước lá mùi già vào chiều cuối năm ấy, chắc hẳn đều nhớ da diết, nhớ đến cồn cào hình ảnh của bà, của mẹ lui cụi trong bếp với một nồi nước to có khói bốc lên nghi ngút. Với tôi, cái mùi hương nhẹ nhàng lan tỏa từ thứ nước sóng sánh ấy đong đầy hoài niệm về một tuổi thơ gian khó nhưng đầy ắp yêu thương của bà, của mẹ. Tôi nhớ như in, cứ đến chiều 30 Tết, bà đun một nồi nước thật to có lá mùi già cho cả gia đình. Bà móm mém cười bảo: “Tắm nước mùi già để xua đuổi những điều không hay của năm cũ, cơ thể sạch sẽ, thơm tho đón chào năm mới với hy vọng năm mới an lành, gặp nhiều may mắn. Bà không còn nữa nhưng hương mùi già mỗi chiều cuối năm như nhắc nhớ tôi hình ảnh bà hiền từ, cặm cụi trong bếp, bên nồi nước mùi già để tắm cho chúng tôi.