Khi Quốc ca Việt Nam vang lên tại khu vực lễ đón trong sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất, các đại biểu và cán bộ, nhân viên Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 1 (BVDC2.1) của Việt Nam tràn dâng niềm xúc động, thiêng liêng khó tả.
Trở về sau khi hoàn thành nhiệm vụ một năm tại Phái bộ Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc (GGHB LHQ) tại Nam Sudan, trên gương mặt cán bộ, nhân viên BVDC2.1 đều ánh lên những nụ cười hạnh phúc và tự hào.
Xúc động ngày trở về
Tối 21/11/2019, máy bay vận tải C-17 đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất chở theo 31 “sứ giả” hòa bình từ Nam Sudan trở về Tổ quốc. Đây là đợt một di chuyển thành viên BVDC2.1 trở về Việt Nam. Từ đầu giờ chiều cùng ngày, vợ con, cha mẹ các y bác sĩ đã có mặt bên đường băng chờ gặp người thân.
Những nữ quân y - những sứ giả hòa bình - niềm tự hào của Quân đội nhân dân Việt Nam. Ảnh: Trung Trực
Đặt chiếc ba lô cồng kềnh xuống, bác sĩ Tường lấy ra con thú bông tặng con gái 4 tuổi đang hào hứng đón bố. Bé Ngân Khánh ríu rít ôm chầm bố cùng món quà nhỏ khi hội ngộ. Con thú bông nhiều màu sắc được Thượng úy, bác sĩ Nguyễn Quang Tường mua khi quá cảnh tại đảo Seychelles, châu Phi trên hành trình từ Nam Sudan về Việt Nam sau một năm làm nhiệm vụ quốc tế.
Chế ngự nỗi nhớ gia đình và muôn vàn khó khăn ở đất nước nội chiến, bác sĩ Tường cùng y bác sĩ Bệnh viện dã chiến Việt Nam đã điều trị gần 1.800 bệnh nhân, trong đó nhiều ca nghiêm trọng được phẫu thuật thành công. "Điều đọng lại sâu sắc trong trái tim tôi, từ khi bước chân vào bệnh viện dã chiến đến khi hoàn thành nhiệm vụ là niềm tự hào được góp phần nhỏ công sức phục vụ hòa bình thế giới", bác sĩ hồi sức Bệnh viện Quân y 175 nói.
Là một trong số 10 nữ quân nhân của BVDC2.1, Thiếu úy Phạm Thị Thùy không giấu được niềm tự hào khi đã cùng đồng đội hoàn thành sứ mệnh cao cả mà Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân tin tưởng giao phó. Thiếu úy Phạm Thị Thùy chia sẻ: "Đặt chân xuống mảnh đất thân yêu của Tổ quốc, ai cũng rưng rưng xúc động. Được chào cờ, hát Quốc ca trên mảnh đất quê hương sau một năm thực hiện nhiệm vụ quốc tế thật sự quá đỗi tự hào, thiêng liêng khó tả".
Còn với Thiếu úy Phan Thị Vân Huyền (26 tuổi), bước xuống sân bay trong vòng tay chào đón của người em trai và đồng đội tại Bệnh viện Quân y 175. Sau những cái bắt tay, lời hỏi thăm, Huyền tranh thủ trò chuyện với bố mẹ ở Hải Dương qua điện thoại do bố mẹ không vào được.
"Đó là một năm thanh xuân tươi đẹp, không dễ gì có được", Thiếu uý Huyền xúc động khi nhắc lại khoảng thời gian với nhiều trải nghiệm quý giá. Vừa muốn sớm hoàn thành nhiệm vụ để về nước, Huyền vừa lưu luyến khi rời vùng đất vừa in dấu nhiều kỷ niệm. Nữ kỹ thuật viên vật lý trị liệu thấy mình "trưởng thành hơn rất nhiều", hạnh phúc vì được sống trong đất nước hoà bình, thương người dân vùng nội chiến với nhiều gian truân trên mảnh đất khí hậu khắc nghiệt. Khoảnh khắc trên máy bay chuẩn bị đặt chân xuống đất, Huyền xúc động mạnh. "Đó là cảm giác nhẹ lòng, hạnh phúc khi hoàn thành nhiệm vụ lớn. Đó còn là những dâng trào không thể nói thành lời với những gì mình may mắn có cơ hội được trải qua. Chúng tôi đã đoàn kết, vượt qua mọi khó khăn, không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn, mà còn quảng bá nét văn hóa truyền thống của Việt Nam ra thế giới, nhất là bản lĩnh, ý chí, tài năng của người phụ nữ, nữ quân nhân Quân đội nhân dân Việt Nam“, Huyền nói.
Tự hào cống hiến
Tháng 10/2018, BVDC2.1 lên đường làm nhiệm vụ GGHB LHQ tại Nam Sudan. Sau một năm thực hiện nhiệm vụ, các cán bộ, nhân viên BVDC2.1 đã hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo đảm y tế, chăm sóc sức khỏe cho lực lượng GGHB LHQ và nhân dân tại địa phương. Ngoài những lúc làm nhiệm vụ, các cán bộ, chiến sĩ, y bác sĩ BVDC2.1 còn tích cực tham gia các hoạt động giao lưu văn hóa, thể thao; hay như trồng cây, hoa, rau để tạo thêm mảng xanh cho vùng đất cằn cỗi, khói bụi Bentiu… góp phần tạo nên hình ảnh tốt đẹp về người chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam trong cộng đồng quốc tế.
Trong quá trình hoạt động, BVDC2.1 thực hiện nghiêm những quy định của Phái bộ, luật pháp quốc gia sở tại, giữ nghiêm kỷ luật quân đội, bảo đảm an toàn… BVDC2.1 đã vinh dự được trao tặng Huy chương Vì sự nghiệp GGHB Liên hợp quốc.
Thiếu tá chuyên nghiệp Bùi Thị Xoa trong một buổi huấn luyện
Đánh giá cao sự đóng góp của lực lượng GGHB Việt Nam trong thời gian qua, ông Kalman Malhora, Điều phối viên thường trú LHQ tại Việt Nam khẳng định, Việt Nam đã làm rất tốt nhiệm vụ ở Nam Sudan và LHQ mong muốn Việt Nam tiếp tục cử đại đội công binh thứ hai sang Nam Sudan trong thời gian tới. “LHQ rất cần những đơn vị như bệnh viện dã chiến và đại đội công binh của Việt Nam cho các hoạt động của LHQ trong 5-10 năm tới”, ông Kalman Malhora khẳng định.
Tham gia trong BVDC có rất nhiều binh sĩ, bác sĩ là nữ. Thiếu tá Bùi Thị Xoa (43 tuổi), một trong 10 nữ quân y có mặt tại Nam Sudan nhớ lại: “Cảnh đầu tiên tôi nhìn thấy đó là sự hoang tàn, âm u. Chiến tranh đã tàn phá đất nước này một cách kinh khủng. Khi nhận nhiệm vụ tham gia lực lượng GGHB quốc tế, được trao quyết định, bản thân tôi đã sẵn sàng cho những hiểm nguy mà mình có thể đối mặt. Nhưng nhìn cảnh người dân nơi đây, tôi vẫn không cầm nổi nước mắt. Tôi vẫn còn nhớ như in hình ảnh Trưởng căn cứ Bentiu UNMISS, bà Hiroko Hirahara khi ra tận sân bay đón chúng tôi và nói: “Chúng tôi đợi các bạn từ lâu rồi. Cuối cùng các bạn cũng đã tới”. Thực sự là cảm kích và thấy tự hào là quân nhân đại diện cho quân đội nhân dân Việt Nam tham gia làm nhiệm vụ quốc tế. Mỗi lần nhìn lên lá cờ đỏ sao vàng tung bay cùng với cờ LHQ, Nam Sudan, Mông Cổ, Ghana, Ấn Độ, Campuchia và Anh tại phái bộ UNMISS tại Bentiu, tôi lại tự nhủ mình phải nỗ lực hơn nữa”.
Cũng theo Thiếu tá Bùi Thị Xoa thì trước khi sang Nam Sudan, chị và đồng đội đã được học ngoại ngữ (tiếng Anh), được huấn luyện đầy đủ các kỹ năng về khả năng sinh tồn, các kỹ thuật cấp cứu chuyên sâu và đặc biệt được huấn luyện trên bộ trang thiết bị do Mỹ tài trợ. “Chúng tôi phải trải qua nhiều bài kiểm tra về chuyên môn và cả tiếng Anh để đảm bảo thực hiện tốt những gì được yêu cầu. Bản thân tôi cũng đã thực hành thuần thục những bài học và vượt qua những bài kiểm tra của LHQ”, Thiếu tá Bùi Thị Xoa cho biết.
Những ca cấp cứu đặc biệt
Đêm 5/8/2019, chiếc máy bay chở bệnh nhân cùng các bác sĩ Việt Nam từ Bentiu trực chỉ hướng thủ đô Juba (Nam Sudan). Đây là chuyến bay chưa có tiền lệ. "Ở khu vực phức tạp nên các chuyến bay chỉ được cất cánh vào ban ngày để đảm bảo an toàn. Phái bộ LHQ chưa bao giờ cho phép bay đêm", Trung tá Bùi Đức Thành, Giám đốc BVDC2.1 tại Nam Sudan nói.
Bác sĩ Tường hội ngộ vợ con tối 21/11 với thú bông mang về từ châu Phi cho con gái nhỏ sau một năm xa nhà
Trung tá Thành cho biết, người nằm trên chuyến bay đặc biệt đó là một bệnh nhân nhập viện vào sáng 5/8. "Đó là quân nhân 30 tuổi người Mông Cổ, bị đau bụng từ 5 ngày trước. Khi chúng tôi tiếp nhận, bệnh nhân này đã rối loạn nhịp tim và huyết áp thấp".
Nhận định đây là ca bệnh nặng, BVDC của Việt Nam đã tổ chức hội chẩn khẩn cấp, kết luận chẩn đoán viêm túi mật cấp hoại tử, biến chứng nhiễm khuẩn huyết có tổn thương đa cơ quan như tim, thận, gan, tụy và hệ thống đông máu, tiên lượng rất nặng. Ngay sau đó, bệnh viện triển khai các biện pháp điều trị tích cực; báo cáo Trưởng y tế phái bộ xin ý kiến chỉ đạo và đề nghị cấp phép một chuyến bay khẩn cấp chuyển bệnh nhân lên tuyến trên.
Theo Giám đốc BVDC, bệnh nhân sau khi được xử trí, tình trạng huyết động cơ bản ổn định, nhưng bệnh lý nặng cần được đưa lên tuyến trên càng sớm càng tốt. Vì vậy, một chuyến bay đặc biệt được triển khai ngay trong đêm, đưa bệnh nhân tới thủ đô Juba lúc 23giờ.
Trong hơn 9 tháng làm nhiệm vụ GGHB tại Bentiu (Nam Sudan), BVDC2.1 của Việt Nam đã khám và điều trị cho 1.300 lượt bệnh nhân, mổ 60 ca trong đó có 20 ca trung và đại phẫu, vận chuyển bằng đường không về tuyến sau 6 trường hợp bệnh nhân nặng.
Không chỉ làm nhiệm vụ cứu chữa cho quân nhân và nhân viên của phái bộ LHQ, các bác sĩ mũ nồi xanh Việt Nam cũng từng tiếp nhận nhiều bệnh nhân là người dân địa phương. Bệnh nhân đặc biệt và đáng nhớ nhất là vợ của Thống đốc bang Bentiu. Khi được đưa đến BVDC, bà này đang có thai tuần thứ 32, mệt mỏi, sốt cao (trên 39 độ), đau âm ỉ vùng bụng dưới. Sau khi làm xét nghiệm, bác sĩ phát hiện bệnh nhân nhiễm ký sinh trùng sốt rét (malaria) và vi khuẩn thương hàn, thiếu máu; siêu âm thai có biểu hiện thiếu ối, nghi ngờ suy dinh dưỡng bào thai.
Sau hội chẩn, bệnh nhân được chỉ định chuyển lên tuyến y tế cao hơn nhưng các bác sĩ Việt Nam nhận định, do tình trạng bệnh nặng đã kéo dài nhiều ngày nên bà này cần phải được điều trị ngay.
Nhờ điều trị kịp thời, tình trạng bệnh nhân và thai nhi đã cải thiện và được chuyển lên tuyến trên. Thống đốc bang Bentiu sau đó thông báo vợ ông đã sinh một bé gái khỏe mạnh và gửi lời cảm ơn tới bệnh viện dã chiến của Việt Nam, mong muốn gửi tặng các bác sĩ một con bò.Ngoài thành công trong cấp cứu và điều trị các bệnh nhân nội trú, các bệnh nhân đến khám và điều trị ngoại trú tại BVDC của Việt Nam cũng đạt số lượng cao hơn so với các BVDC cùng cấp tại phái bộ Nam Sudan.
Ngày 13/11/2019, tại Hà Nội, Bộ Quốc phòng tổ chức trọng thể Lễ xuất quân Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 2 (BVDC 2.2) tham gia hoạt động GGHB LHQ tại CH Nam Sudan. Tại lễ xuất quân, BVDC 2.2 vinh dự được Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổ trưởng Tổ công tác liên ngành, Trưởng ban chỉ đạo Bộ Quốc phòng về Việt Nam tham gia hoạt động GGHB LHQ, trao Quyết định của Chủ tịch nước cử BVDC 2.2 sang thay thế BVDC 2.1 đã hoàn thành nhiệm vụ ở Phái bộ GGHB LHQ. Trung tướng Nguyễn Tân Cương, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam đã hạ lệnh xuất quân BVDC 2.2 đi thực hiện nhiệm vụ GGHB LHQ. Phát biểu giao nhiệm vụ, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh khẳng định, đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh khốc liệt, nên hơn ai hết, Việt Nam hiểu rõ giá trị của hòa bình và do đó, càng có động lực, quyết tâm mạnh mẽ và nhất quán trong việc đóng góp, tham gia ngày càng sâu rộng vào hoạt động GGHB LHQ. |