“Chiến công kép” từ sự nhạy bén, chủ động

Binh Nhất| 26/06/2021 16:46
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, nhờ sự chủ động, nhạy bén trong nắm bắt, đánh giá tình hình… Bộ đội Biên phòng cả nước đã thực hiện tốt nhiệm vụ kép, đấu tranh thành công nhiều chuyên án ma tuý lớn, bảo đảm phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả.

Nóng cả nội biên lẫn ngoại biên

Hơn một năm qua, đại dịch Covid-19 hoành hành trên toàn thế giới, gây ra cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, làm đảo lộn cuộc sống của toàn nhân loại, tác động sâu sắc đến tình hình kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội… Mặc dù vậy, tình hình tội phạm ma túy trên thế giới, khu vực và trong nước vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, nghiêm trọng và tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường với phương thức, thủ đoạn rất mới, thường xuyên thay đổi.

21a_qnjg_thumb.jpg
Gần 350kg ma tuý được thu giữ trong Chuyên án mang bí số A121.p.  

Thông tin từ cơ quan chức năng cho biết, ở ngoại biên, nhiều đường dây vận chuyển ma tuý với số lượng rất lớn từ khu vực “Tam giác vàng” qua các tỉnh Bắc Lào về tập kết tại Viêng Chăn, sau đó chuyển đến các tụ điểm sát biên giới Việt Nam, chờ thời cơ, lợi dụng địa hình, đêm tối, thuê người cắt rừng vận chuyển qua biên giới; hoặc cất giấu, ngụy trang trong các phương tiện, hàng hóa đưa qua cửa khẩu vào nội địa Việt Nam tiêu thụ và chuyển đi nước thứ ba.

Tại Campuchia, hoạt động mua bán, vận chuyển ma túy nhất là ma túy tổng hợp diễn biến phức tạp. Nguồn ma túy chủ yếu từ Lào qua các tỉnh phía Bắc của Campuchia về tập kết tại Phnôm Pênh, sau đó vận chuyển vào Việt Nam qua khu vực biên giới các tỉnh Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, An Giang.

Ở nội biên, hoạt động của tội phạm ma tuý diễn biến rất phức tạp, lượng ma tuý mua bán bán vận chuyển trong từng vụ rất lớn, đặc biệt là ma túy tổng hợp. Trong khi hoạt động vận chuyển ma túy sang Trung Quốc qua biên giới các tỉnh Lào Cai, Cao Bằng có dấu hiệu gia tăng thì hoạt động vận chuyển ma tuý từ Lào vào Việt Nam có sự chuyển hướng sang địa bàn các tỉnh Bắc miền Trung, Tây Nguyên và qua Campuchia vào TP Hồ Chí Minh, các tỉnh nội địa tiêu thụ hoặc tiếp tục đi nước thứ 3.

Tại các tỉnh Bắc miền Trung và Sơn La, hoạt động vận chuyển ma tuý số lượng lớn, có vũ khí nóng có xu hướng phức tạp. Đối với tuyến biên giới biển, hoạt động tổ chức sử dụng ma tuý diễn ra tại nhiều địa bàn, như Hải Phòng, Thừa Thiên – Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bạc Liêu, Trà Vinh, Cà Mau... Riêng khu vực cảng biển còn tiềm ẩn hoạt động vận chuyển ma túy với số lượng lớn của các tổ chức tội phạm ma tuý quốc tế…

Những “trận đánh” lớn

Chỉ là một huấn luyện viên “phọt phẹt”, với thù lao 3 triệu đồng/tháng, nhưng Huỳnh Quốc Đạt (SN 1992, trú tại phường 11, TP Hồ Chí Minh) lại có cuộc sống khá dư giả ở thành phố phồn hoa bậc nhất cả nước; còn Nguyễn Tấn Dũng (SN 1978, trú tại phường 9, quận 5, TP Hồ Chí Minh) là lái xe dịch vụ, nhưng không có xe ô tô, mỗi khi có khách lại thuê xe để hành nghề…

1-w1986-h1244.jpg
Tang vật là ma túy thu giữ trong Chuyên án A3-121.2. tại bến phà Hồng Ngự.

Những biểu hiện bất minh cùng những mối quan hệ phức tạp đã không thể qua mắt được sự sắc sảo, nhạy bén của các trinh sát Cục Phòng chống ma tuý và tội phạm, Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng. Một đường dây ma tuý cực lớn xuyên biên giới dần hé lộ, Chuyên án mang bí số A3-121.2. được xác lập. Tới ngày 30/1/2021, “trận đánh” kết thúc sau 2 giai đoạn, Cục Phòng chống ma tuý và tội phạm đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị chức năng cất lưới, bắt giữ 6 đối tượng, thu giữ tang vật 111,9kg ma túy.

Đó là Huỳnh Quốc Đạt, Nguyễn Tấn Dũng, Lê Nguyễn Thúy Vi (1983, trú tại Tiền Giang), Lê Tài Linh (SN 1996, trú tại thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang) Trần Quốc Khánh (SN 1993, trú tại Hồng Liêm, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận và Huỷnh Phi Diệp (SN 1969, trú tại phường 11, quận 5, TP Hồ Chí Minh).

“Trận đánh” với hàng trăm kilogam ma tuý được thu giữ đã gây trấn động trong giới, thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận cả nước. Song so với Chuyên án A121.p do Cục Phòng chống ma tuý và tội phạm và C04 Bộ Công an đồng chủ trì, kết thúc đấu tranh sau đó ít tháng, Chuyên án A3-121.2 vẫn chưa là gì.

Theo hồ sơ, “trận đánh” A121.p được mở đầu vào ngày 21/1/2021, tại huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Lực lượng đánh án đã bắt giữ Vàng Seo Sử (SN 1996, trú tại Tả Ngải Chồ, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai) khi đang vận chuyển trái phép ma túy từ Nghệ An đi Lào Cai để đưa sang Trung Quốc tiêu thụ, thu 115 kg ma túy tổng hợp.

Thực hiện giai đoạn 2 của chuyên án, ngày 20/3/2021 tại xã Thanh Thủy, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An, lực lượng đánh án bắt giữ Đinh Quang Tuấn (SN 1971) và Hoàng Chương (SN 1978), cùng trú tại Bùi Xá, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh khi đang vận chuyển trái phép 17.600 viên ma tuý tổng hợp từ Lào vào Việt Nam. Ngày 4/4/2021, tại địa bàn xã Quỳnh Thiện, thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An, tiếp tục bắt giữ Tráng Xuân Năng (SN 1992, trú tại thôn Tẩn Chư, xã Tả Van Chư, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai), thu giữ 227,5 kg ma túy.

Kết thúc “trận đánh” A121p, lực lượng chức năng đã bắt giữ tổng 4 đối tượng, thu giữ 344,44kg ma túy tổng hợp, 03 xe ô tô và 01 xe máy.

Ngoài ra, trong 6 tháng đầu năm 2021, lực lượng Biên phòng cả nước đã chủ trì, đấu tranh thành công nhiều chuyên án ma tuý lớn khác, như Chuyên án A2-221 (bắt giữ 2 đối tượng, thu giữ 13kg và 07 viên ma tuý tổng hợp), Chuyên án NA221 (bắt giữ 1 đối tượng, thu giữ 8 bánh heroin), Chuyên án TH421 (bắt giữ 2 đối tượng, thu giữ 16kg thuốc phiện, 1 bánh heroin)….

Theo báo cáo của Cục Phòng chống ma tuý và tội phạm, từ ngày 16/12/2020 đến ngày 30/5/2021, các đơn vị Bộ đôi Biên phòng đã xác lập, đấu tranh thành công 48 chuyên án ma tuý, 9 mua bán người, 5 buôn lậu, 19 xuất nhập cảnh trái phép. Chủ trì, phối hợp bắt giữ 7.629 vụ/28.215 đối tượng. Trong đó, tội phạm ma tuý 511 vụ/710 đối tượng với tổng số ma tuý thu giữ các loại lên tới 928,47kg; tội phạm mua bán người 16 vụ/18 đối tượng, giải cứu, tiếp nhận, hỗ trợ 30 nạn nhân…

Kết quả trên có được không chỉ nhờ sự quán triệt thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chỉnh phủ, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng… mà còn nhờ sự chủ động, nhạy bén trong nắm, đánh giá tình hình, vụ việc, kịp thời tham mưu chỉ đạo đổi mới phương thức đấu tranh phù hợp với thực hiện nhiệm vụ kép vừa phòng chống tội phạm vừa phòng, chống dịch Covid-19 đạt hiệu quả.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Chiến công kép” từ sự nhạy bén, chủ động