Chính trị

Chia sẻ kết nối thông tin, dữ liệu để gia tăng giá trị lưu trữ

Duy Tuấn 22/02/2024 - 13:44

Luật Lưu trữ (sửa đổi) cần có các quy định về việc các cơ quan này định kỳ báo cáo về cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực lưu trữ, kịp thời chia sẻ kết nối thông tin, dữ liệu về cho cơ quản lý nhà nước, để làm gia tăng giá trị tài liệu lưu trữ cũng như tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống lưu trữ quốc gia, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ.

Tiếp tục chương trình làm việc Phiên họp thứ 30 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sáng 22/02, các đại biểu đã cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi).

Phân cấp phân quyền trong hoạt động lưu trữ

Cho ý kiến về dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý, công tác quản lý tài liệu lưu trữ và cơ sở dữ liệu, tài liệu theo hướng phân cấp phân quyền vì đây là chủ trương đúng đắn, “nhưng cần đảm bảo tính tập trung thống nhất trong hoạt động lưu trữ”. Các cơ quan hữu quan cần tiếp tục rà soát nội dung liên quan đến vấn đề trách nhiệm cung cấp thông tin, kết nối, chia sẻ dữ liệu liên quan đến các lưu trữ Đảng, lưu trữ lịch sử của các ngành quốc phòng, công an, ngoại giao từ trung ương đến địa phương.

luutru2.jpeg
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

“Cần có các quy định về việc các cơ quan này định kỳ báo cáo về cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực lưu trữ, kịp thời chia sẻ kết nối thông tin, dữ liệu về cho cơ quản lý nhà nước, để làm gia tăng giá trị tài liệu lưu trữ cũng như tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống lưu trữ quốc gia", Chủ tịch Quốc hội nói.

Về nghiệp vụ lưu trữ tài liệu điện tử, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, việc lưu trữ điện tử có đặc thù riêng. Tuy nhiên, đó cũng là một phần trong hoạt động lưu trữ nói chung, “do vậy trước hết cần có quy định rằng, nghiệp vụ lưu trữ tài liệu điện tử phải được thực hiện theo quy định chung về nghiệp vụ lưu trữ, để đảm bảo các nguyên tắc chuyên môn cơ bản trong lĩnh vực này”.

Quy định kết nối, chia sẻ để phát huy giá trị của các tài liệu lưu trữ

Theo Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường, hiện dự thảo Luật chỉ quy định hoạt động lưu trữ đối với tài liệu của HĐND và UBND mà không có quy định đối với cấp Đảng ủy “thì không thỏa đáng”. Vì các tài liệu lưu trữ của Đảng ủy là những chủ trương để lãnh đạo hoạt động của xã rồi mới thể chế ở HĐND và quy định ở UBND. Do đó, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường đề nghị nguồn tài liệu phải đủ ở cả 3 nguồn lưu trữ đối với cấp Đảng ủy, HĐND và UBND, đồng thời để tương thích. Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị “điểm d khoản 2 Điều 17 cần phải sửa đổi theo nội dung này”.

luutru1.jpeg
Toàn cảnh phiên họp.

Quan tâm đến nhóm chính sách về chuyển đổi số, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy đề nghị bổ sung vào Điều 5 của dự thảo luật cụm từ “khuyến khích chuyển đổi số”, bởi nếu chỉ quy định về lưu lưu trữ Việt Nam hiện đại chưa đủ.

luutru3.jpeg
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng.

Tại Điều 10 của dự thảo luật, bên cạnh xây dựng và cập nhật cơ sở dữ liệu, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy đề nghị nghiên cứu cân nhắc bổ sung thêm thành tố đó là số hóa – đây cũng là nhiệm vụ của lưu trữ. “Vì vậy, cần bổ sung quy định về số hóa việc xây dựng cơ sở dữ liệu vào trong Điều 10; đồng thời cần có quy định về việc kết nối, chia sẻ tư liệu quý giữa các cơ quan để phát huy giá trị của các tài liệu lưu trữ”, ông Huy nói.

Trước đó, trình bày báo cáo một số vấn đề lớn về việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, về lưu trữ tài liệu điện tử, Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng, để phù hợp với thực tế công tác lưu trữ (hiện vẫn chủ yếu là lưu trữ tài liệu giấy, chỉ một số ít tài liệu được lưu trữ điện tử), nhất là khả năng đáp ứng của nguồn lực để bảo đảm tính khả thi, dự thảo Luật được thiết kế theo hướng quy định việc lưu trữ tài liệu giấy song song với lưu trữ tài liệu số và việc chuyển đổi từ lưu trữ tài liệu giấy sang lưu trữ tài liệu số được thực hiện theo lộ trình xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử và định hướng Chính phủ số, chính quyền số.

Về hoạt động dịch vụ lưu trữ, Thường trực Ủy ban Pháp luật và Cơ quan chủ trì soạn thảo đề nghị cho giữ quy định hoạt động dịch vụ lưu trữ là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện như Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6; đồng thời, bổ sung vào dự thảo Luật một số quy định cụ thể về điều kiện đầu tư kinh doanh để bảo đảm minh bạch và giao Chính phủ quy định chi tiết một số điều kiện có tính kỹ thuật, chuyên ngành về lưu trữ như thể hiện tại Điều 50 và Điều 51 của dự thảo Luật.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chia sẻ kết nối thông tin, dữ liệu để gia tăng giá trị lưu trữ