Chỉ số chính phủ điện tử Việt Nam tăng vượt bậc

Trang Nhi| 12/11/2021 09:50
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Theo đánh giá của Liên Hợp Quốc năm 2020, xếp hạng Chính phủ điện tử của Việt Nam (EGDI) tăng 2 bậc, xếp hạng 86/193 quốc gia, 23/47 châu Á và 6/11 Đông Nam Á.

Tại Hội thảo chuyên đề số 6 trong chuỗi sự kiện thuộc Diễn đàn cấp cao thường niên lần thứ ba về công nghiệp 4.0, với chủ đề "Xây dựng Chính phủ điện tử tiến tới Chính phủ số trong tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045", TS. Nguyễn Thành Phong, Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương cho biết, Chính phủ số bản chất là chính phủ điện tử, nhưng cách triển khai mới nhờ vào sự phát triển của công nghệ số. Chính phủ số bao hàm chính phủ điện tử.

nguyen-thanh-phong.jpg

Chính phủ điện tử đặc trưng bởi "4 không", họp không gặp mặt, xử lý văn bản không giấy, giải quyết thủ tục hành chính không tiếp xúc và thanh toán không dùng tiền mặt.

Chính phủ số thêm "4 có", có hành động an toàn trên môi trường số, có khả năng cung cấp dịch vụ mới nhanh chóng, có khả năng sử dụng nguồn lực tối ưu và có khả năng kiến tạo phát triển, dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia, giải quyết hiệu quả những vấn đề lớn trong phát triển và quản lý kinh tế - xã hội.

Theo đánh giá của Liên Hợp Quốc năm 2020, xếp hạng Chính phủ điện tử của Việt Nam (EGDI) tăng 2 bậc, xếp hạng 86/193 quốc gia, 23/47 châu Á và 6/11 Đông Nam Á. Chỉ số tổng hợp của Việt Nam cao hơn chỉ số trung bình thế giới và khu vực, thuộc nhóm quốc gia ở mức cao.

Cụ thể, trong năm 2020, chỉ số hạ tầng viễn thông TII được đánh giá tăng vượt bậc, tăng 31 bậc; đồng thời, chỉ số nhân lực HCI trong năm 2020 của Việt Nam cũng tăng 3 bậc.

Ông Vũ Kiêm Văn, Phó Tổng thư ký Hội Truyền thông số Việt Nam cho biết, để đạt được mục tiêu đưa Việt Nam thuộc nhóm 70 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử (EGDI) theo Quyết định số 749/QĐ-TTg của Thủ tướng, Việt Nam cần phải cải thiện một số khía cạnh liên quan đến dịch vụ trực tuyến.

Theo đó, Việt Nam cần lựa chọn các dịch vụ công nhiều người quan tâm, mức độ truy cập tiềm năng nhiều. Ngoài ra, cũng cần lựa chọn phát triển các dịch vụ trực tuyến phù hợp với đặc thù của từng địa phương, hoặc phân loại dịch vụ hướng tới từng đối tượng người dân. Bên cạnh đó, các dịch vụ trực tuyến cần được xây dựng với mục tiêu dễ sử dụng.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần phải xây dựng chiến lược ngắn, trung và dài hạn trong việc đảm bảo sự phát triển nhân lực trong ngành công nghệ thông tin trong đại dịch Covid-19.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chỉ số chính phủ điện tử Việt Nam tăng vượt bậc