Chi NSNN 10 tháng ước đạt 72,4% dự toán; ước cả năm đạt 102,6% dự toán, trong đó các khoản chi thường xuyên, chi trả nợ lãi bám sát dự toán.
Thu NSNN luỹ kế 10 tháng đạt xấp xỉ 85% dự toán
Năm 2018, nhiệm vụ tài chính - NSNN được triển khai trong bối cảnh tình hình kinh tế trong nước và ngoài nước khá tích cực. Kinh tế thế giới duy trì đà phục hồi; trong khi ở trong nước, kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng kinh tế 9 tháng cao hơn kế hoạch (GDP 9 tháng ước tăng 6,98% so cùng kỳ; kế hoạch là 6,5-6,7%).
Tuy nhiên, vẫn còn tiềm ẩn nhiều khó khăn, thách thức; trong đó, đáng chú ý là chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch gia tăng, căng thẳng trong quan hệ thương mại giữa các nền kinh tế lớn. Ở trong nước, quá trình tái cơ cấu lại nền kinh tế còn chậm, áp lực lạm phát gia tăng; giải ngân vốn đầu tư công chậm; tình hình thiên tai, bão lũ, dịch bệnh diễn biến khó lường,.. tác động đến việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội và tài chính NSNN năm 2018.
Ông Võ Thành Hưng, Vụ trưởng Vụ Ngân sách Nhà nước
Ông Võ Thành Hưng, Vụ trưởng Vụ Ngân sách Nhà nước (Bộ Tài chính) cho biết tổng thu NSNN luỹ kế 10 tháng đạt xấp xỉ 85% dự toán, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm 2017, ước cả năm vượt 3% so dự toán, trong đó cả thu nội địa, thu dầu thô và thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đều vượt dự toán.
Chính phủ đang chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương quyết liệt phấn đấu thu cao hơn mức ước thực hiện nêu trên, giảm tối thiểu số địa phương hụt thu, trong đó có cả những địa phương là những trọng điểm tăng trưởng kinh tế, đồng thời cũng là trọng điểm thu, có đóng góp lớn cho NSNN nói chung và NSTW nói riêng.
Về chi NSNN, 10 tháng ước đạt 72,4% dự toán; ước cả năm đạt 102,6% dự toán, trong đó các khoản chi thường xuyên, chi trả nợ lãi bám sát dự toán.
Chi đầu tư phát triển giải ngân chậm, 10 tháng đạt 55,4% dự toán (cùng kỳ năm 2017 đạt 53,7% dự toán); ước cả năm chỉ đạt khoảng 88,2% dự toán. Trong thời gian còn lại của năm, các bộ, ngành, địa phương phải tiếp tục tập trung chỉ đạo quyết liệt các chủ đầu tư, ban quản lý dự án đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn của các công trình, dự án.
Bội chi, kiểm soát trong phạm vi dự toán Quốc hội quyết định cả số tuyệt đối và tỷ lệ so GDP (dự toán 3,7%GDP, ước thực hiện 3,67%GDP).
Nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc được kiểm soát trong phạm vi Quốc hội quyết định, đảm bảo toàn, an ninh tài chính (nợ công dự toán 63,9%, ước thực hiện khoảng 61,4%GDP).
Chi ngân sách phải đảm bảo chặt chẽ
Nói về chi ngân sách, ông Võ Thành Hưng cho biết, chi ngân sách tức là chi tiêu tiền thuế đóng góp của dân, của doanh nghiệp. Vì vậy, quan điểm chỉ đạo, yêu cầu xuyên suốt của Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ là phải đảm bảo chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả; hỗ trợ tốt nhất cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội; hướng tới mục tiêu cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, phát triển đất nước.
Theo ông Hưng, trong bối cảnh cụ thể hiện nay, hai vấn đề lớn trong chi ngân sách là : thứ nhất kỷ luật, kỷ cương và hiệu quả trong chi tiêu ngân sách; và thứ hai là vấn đề cơ cấu lại ngân sách đảm bảo tính bền vững của nền tài chính quốc gia.
Về kỷ luật, kỷ cương và hiệu quả trong chi tiêu ngân sách, đúng là còn những bất cập nhất định. Còn tình trạng phê duyệt các chương trình, dự án khi chưa cân đối được nguồn; phân bổ dàn trải, giải ngân không đạt kế hoạch, số chuyển nguồn lớn và kéo dài..., đội chi phí lên cao; việc tách bạch chi đầu tư-thường xuyên khó bảo đảm các định mức kinh tế-kỹ thuật, giảm hiệu quả, tuổi thọ của công trình, dự án đầu tư; hiệu quả đầu tư công thấp...
Về cơ cấu lại chi NSNN thời gian qua đã thực hiện tích cực và bước đầu đã đạt được các kết quả nhất định. Đã giảm tỷ trọng chi thường xuyên thực hiện xuống 63% (mục tiêu là dưới 64%), tăng tỷ trọng chi đầu tư thực hiện lên 26-27% (mục tiêu là 25-26%); trong khi vẫn điều chỉnh tiền lương bình quân 7%/năm, cùng với triển khai chính sách nghèo đa chiều, ASXH, đảm bảo an ninh - quốc phòng,...
Tuy nhiên, việc cơ cấu lại chi giữa chi thường xuyên - chi đầu tư, giữa các lĩnh vực chi và trong từng lĩnh vực chi, giữa chi cho con người và chi cho các hoạt động khác còn khó khăn do chi thường xuyên chủ yếu là chi con người (khoảng 60-70%) nên việc điều chỉnh, cơ cấu phụ thuộc nhiều vào kết quả thực hiện tinh giản biên chế và đổi mới khu vực sự nghiệp công. Trong khi đó các nội dung này thời gian qua thực hiện có tích cực nhưng vẫn chưa đạt mục tiêu theo các chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước; từ đó, hạn chế việc thực hiện các mục tiêu về cơ cấu lại NSNN theo các Nghị quyết của Bộ Chính trị, của Quốc hội.
Vụ trưởng Vụ Ngân sách Nhà nước cho hay, trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục chú trọng thực hiện các giải pháp sau để tăng cường kỷ cương kỷ luật NSNN. Theo đó, Bộ Tài chính sẽ thường xuyên rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành theo quy định của pháp luật các cơ chế, chính sách quản lý tài chính - ngân sách, định mức phân bổ, định mức chi tiêu ngân sách không còn phù hợp thực tiễn; bãi bỏ các cơ chế, chính sách ban hành trái thẩm quyền hoặc trái với quy định của cấp trên.
Quản lý chặt chẽ chi NSNN; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kiểm toán, thanh tra, kiểm soát chi NSNN để đảm bảo chi đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức; xử lý nghiêm các sai phạm về quản lý tài chính ngân sách và quản lý tài sản của Nhà nước; thu hồi đầy đủ vào NSNN đối với các khoản chi sai chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi.
Bên cạnh đó, sẽ tăng cường công tác kiểm tra, kiểm toán, thanh tra; xử lý nghiêm các sai phạm về quản lý tài chính – ngân sách và tài sản của Nhà nước; thu hồi đầy đủ vào NSNN đối với các khoản chi sai chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi. Công khai, minh bạch hoạt động tài chính – NSNN; nâng cao trách nhiệm giải trình của các cơ quan, đơn vị. Tăng cường sự kiểm tra, giám sát của Đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp; tăng cường giám sát của cộng đồng.