"Chết oan" vì kênh nhiễm độc

Huy Hùng| 24/10/2014 07:02
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trước tình trạng ngày càng nhiều người chết vì căn bệnh ung thư đã khiến cho các hộ dân Sơn Đồng (huyện Hoài Đức, Hà Nội) luôn sống trong nỗi hoang mang, lo sợ.

“Kênh chết” trong khu dân cư

Xã Sơn Đồng, huyện Hoài Đức xưa nay nổi tiếng với nghề tạc tượng và làm đồ sơn thếp truyền thống. Thế nhưng, do địa hình trũng thấp, nên quanh năm phải sống chung với ô nhiễm, do các loại nước thải từ những xã có nghề chế biến nông sản, như Minh Khai, Cát Quế, Dương Liễu… đổ về. Đặc biệt con kênh T2 chảy qua địa phận xa Sơn Đồng đã hàng chục năm nay không một ngày nào là “không thối”.

Con kênh dài 6km chảy qua địa phận xã Sơn Đồng, bị ô nhiễm nghiêm trọng 

Hơn 8000 nhân khẩu tại xã Sơn Đồng luôn phải sống trong tình trạng “ra đường bịt mũi, về nhà bịt khăn” khi mà có con kênh T2 chảy qua. Một đoạn dài mặt kênh T2 chảy qua xã bị lớp váng dày màu đen bao phủ, rác thải, xác động vật ngổn ngang, mùi xú uế bốc lên nồng nặc.

Người dân xã Sơn Đồng cho biết, khúc kênh (trước gọi là sông) bị ô nhiễm của xã Sơn Đồng dài 6km. Trước đây, nước sông rất trong và xanh, trẻ con trong làng thường xuyên ra đó bơi lội, tắm rửa, còn người dân thì dùng nước để giặt quần áo, rửa rau.

Nhưng khoảng 10 năm trở lại đây, do nước thải của các làng nghề bên cạnh, nước sông trở nên đen ngòm, sủi bọt, bốc mùi hôi thối. Những xóm ven sông như xóm Rô, xóm Dành, xóm Xa… là những xóm chịu ảnh hưởng trực tiếp sự ô nhiễm đó.

Theo Phòng TN&MT huyện Hoài Đức, nguyên nhân chính khiến kênh T2 chảy qua địa phận xã Sơn Đồng bị ô nhiễm nghiêm trọng nhiều năm qua chính là bởi việc xả trực tiếp chất thải nông sản, thực phẩm ra con kênh T2 của một số cơ sở sản xuất nông phẩm làm miến rong, mạch nha, bún… ở xã Dương Liễu, Minh Khai, Cát Quế  nằm ở thượng nguồn con kênh.

Nước trong kênh là nguồn nước thải có chứa tinh bột lẫn với các loại bã củ dong riềng, củ sắn và một số hóa chất dùng để tẩy trắng bột, chảy theo các tuyến kênh mương dẫn nước về địa phận xã Sơn Đồng (hệ thống kênh T2) thì bắt đầu phân hủy, kết tủa trên diện rộng làm tắc nghẽn dòng chảy. Nhiều chỗ, mặt kênh đã đóng thành từng mảng váng đặc sệt, có màu đen kịt, bốc mùi hôi thối, lan tỏa trên diện rộng, rất khó chịu.

Theo như các hộ dân cho biết thì trước đây, kinh khủng nhất là vào mùa khô, mặt kênh sủi bọt, khi trời nắng to, bọt trên mặt kênh khô cứng đóng váng, mùa mưa mặt váng bị phá vỡ, nước trong kênh không thoát kịp tràn lênh láng vào nhà dân rất mất vệ sinh.

 Người khó sống”

Trước tình trạng ô nhiễm nơi đây, hàng ngày, hàng giờ người dân sống trong nỗi hoang mang, lo sợ không biết căn bệnh ung sẽ “gõ cửa” gia đình mình vào lúc nào. Cũng bởi từ thực tế, 10 năm trở lại đây trong xã có quá nhiều người cả trẻ lẫn già lĩnh “án tử” vì căn bệnh hiểm nghèo này.

Theo như cô Xuân sống ở đây cho biết “Trước đây xã Sơn Đồng rất hiếm khi có người chết vì bệnh ung thư nhưng những năm trở lại đây số người chết do ung thư ngày càng nhiều. Không biết nguyên nhân tại sao nhưng có những nhà có đến cả 4 người phải “ra đi” vì căn bệnh quái ác này”.

Điển hình như chị Doãn Thị Hương (trú tại xóm Rô, xã Sơn Đồng) trong gia đình có tới 4 người chết vì bệnh ung thư khi tuổi đời còn rất trẻ. Chị ngậm ngùi chia sẻ “Đầu tiên là chị gái chồng tôi mất vì ung thư dạ dày khi mới tròn 32 tuổi. Năm 2006, chồng tôi cũng được chẩn đoán mắc bệnh ung thư não và mất sau đó 2 năm. Lúc đó anh cũng mới 45 tuổi. Một năm sau, đến lượt em chồng tôi phát bệnh ở tuổi 36. Cô ấy bị ung thư gan, từ khi phát bệnh đến khi mất chỉ vỏn vẹn 20 ngày”.

Chưa có con số thống kê cụ thể tỷ lệ người dân mắc bệnh viêm đường hô hấp, do hít thở phải mùi khí độc, ô nhiễm nhưng những năm gần đây số người dân chết do các bệnh nan y... trên địa bàn xã cứ ngày một tăng khiến ai ai cũng bất an.

Chị Nguyễn Thị Hòa (Trạm trưởng trạm y tế xã Sơn Đồng) cho biết, theo thống kê trong 10 tháng đầu năm thì đã có 11 ca tử vong vì ung thư, số người này chiếm gần 20% số người chết trong xã. Với con số người chết vì ung thư không phải là nhỏ đã một phần nào nói lên được thực tế đáng lo ngại tại đây.

Hầu hết người dân ở đây đều khẳng định rằng, nguyên nhân dẫn đến căn bệnh ung thư là do nguồn nước bị nhiễm độc, cụ thể do chất thải của các làng nghề ở các xã lân cận đổ dồn ra con kênh, chảy qua xã lâu năm ngấm sâu vào đất, khiến nguồn nước sinh hoạt của xã bị ô nhiễm, dẫn đến nhiều người bị mắc bệnh ung thư.

Ô nhiễm của kênh T2 không những ảnh hưởng đến trồng trọt, thu hoạch của hàng trăm hécta cây trồng chủ yếu là lúa và hoa màu bị dang dở, kém năng suất,  hệ quả của việc sử dụng nguồn nước tưới bị ô nhiễm mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn nước trong khu dân cư bởi trên địa bàn, 100% các hộ dân chưa có nước máy mà phải sử dụng nước giếng khoan.

Ông Nguyễn Trung Đa (Phó chủ tịch UBND xã Sơn Đồng) xác nhận việc dòng sông chảy qua xã Sơn Đồng bị ô nhiễm do chất thải của các làng nghề  các xã lân cận chảy qua xã gây ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như đời sống của nhân dân là có thật. Đầu tháng 3/2014, đoàn kiểm tra của huyện Hoài Đức đã về xã lấy mẫu nước sinh hoạt tại một số hộ dân ven kênh kiểm tra thì được kết quả rất đáng lo ngại khi nồng độ ô nhiễm thấp nhất là từ 30 – 40% và cao nhất lên tới 100 – 150%. 

Được biết, trước đó UBND huyện Hoài Đức đã dành ngân sách 2,4 tỷ đồng để làm công tác môi trường trên địa bàn, khơi thông cống rãnh, bơm nước thau rửa kênh mương, dọn dẹp rác thải nhằm cải thiện môi trường nước cho các làng nghề. Tuy nhiên phương án mới chỉ dừng lại ở khắc phục, chỉ được một thời gian ngắn, hiện tượng nước thải kết tủa, đóng váng, hôi thối lại tái diễn, thậm chí mức độ ô nhiễm còn lớn hơn trước. Và như thế, tình trạng người dân đang sống chung với hôi thối và các nguy cơ bệnh tật tiềm ẩn ngày càng trở nên nghiêm trọng. 

Đến nay Thành phố đã chấp thuận địa điểm nghiên cứu và thực hiện dự án đầu tư xây dựng hệ thống cung cấp nước sạch cho các nhà máy xử lý nước thải cụm làng nghề tại xã Dương Liễu (huyện Hoài Đức), công suất khoảng 13.000m3/ngày đêm; nhà máy xử lý nước thải tại xã Vân Canh (huyện Hoài Đức), công suất dự kiến 8.000m3/ngày đêm; nhà máy xử lý nước thải tại xã Sơn Đồng (huyện Hoài Đức), công suất dự kiến 4.000m3/ngày đêm...

Tuy nhiên, trong khi các trạm xử lý nước thải chưa được xây dựng, người dân xã Sơn Đồng vẫn phải sống trong cảnh ô nhiễm và chỉ còn biết làm mọi cách để tự bảo vệ mình trước vấn đề ô nhiễm nguồn nước bằng cách xây bể hứng nước mưa, lọc nước bằng máy, đá cuội, thạch anh…Đây chỉ là những biện pháp để giải quyết tạm thời vấn đề trước mắt còn về lâu về dài các cơ quan chức năng cần có biện pháp xử lý nguồn nước thải ngay từ các làng nghề chế biến nông sản.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
"Chết oan" vì kênh nhiễm độc