Thôn Lũng Ót, xã Yên Lạc, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng nằm trên đỉnh ngọn núi Tham Hon cao hơn 1.500m. 13 hộ gia đình với gần trăm nhân khẩu sống quây quần bao đời nay, bất chấp mọi khó khăn gian khổ.
Để lên được Lũng Ót, từ UBND xã Yên Lạc, chúng tôi phải đi khoảng 25km ngược lên đỉnh núi. Do đường sạt lở nhiều nên chỉ xe bán tải là có thể đi được. Ngoại trừ những chỗ đường nham nhở đất đá chưa kịp dọn hết thì cung đường này rất đáng để đi, bởi cảnh đẹp đến nao lòng. Rừng trúc hai bên đường khiến chúng tôi có cảm giác như mình đang lạc vào bối cảnh một bộ phim cổ trang. Có những đoạn lại đẹp rực rỡ bởi rất nhiều loại hoa rừng đua nhau khoe sắc.
Xe bán tải không thể đưa chúng tôi lên đến đỉnh Tham Hon, bởi còn khoảng hơn 5km đường chỉ là lối mòn nhỏ vừa đủ một chiếc xe máy lên xuống. Chủ tịch xã Yên Lạc, Hoàng Chàn Mình cùng vài thanh niên lấy xe máy chở chúng tôi và hàng hoá lên Lũng Ót. Con đường nhỏ men theo sườn núi, đầy những mỏm đá tai mèo lởm chởm. Một nửa cung đường đã được tỉnh đoàn vận động thanh niên ủng hộ đổ bê tông, nên dù hẹp thì vẫn khá dễ đi. Một nửa còn lại lót đá cấp phối mấp mô, đôi chỗ sình lầy trơn trợt.
Ngồi sau xe Hoàng Chàn Mình tôi có cảm giác mình đang tham dự một cuộc đua địa hình. Có những lúc cả người tôi đổ hết ra sau bởi phải vượt những đoạn dốc đứng, hai tay bám chặt yên xe để đảm bảo không rớt khỏi xe. Có những lúc lại đổ chúi về phía trước, cả túi quà mang lên cho bà con cũng trượt dài. Hoàng Chàn Mình là một tay lái cừ. Tôi có cảm giác, không đoạn đường nào làm khó được anh. Vừa chạy, Mình vừa kể cho tôi nghe về cuộc sống của người dân nơi đây, về con đường mà chúng tôi đang đi và cả về những ngọn núi.
Người dân Lũng Ót chính là những kiến trúc sư thực tế cừ khôi. Tất cả những con đường lên núi đều do chính những người dân ở đây tự làm, lên xuống, uốn lượn, men theo vách đá hay băng ngang rừng trúc đều rất hợp lý.
Vừa qua hết rừng trúc, cảnh vật trước mắt khiến tôi có cảm giác mình đang lạc bước vào chốn bồng lai tiên cảnh. Hai nóc nhà nhỏ nằm tựa lưng núi với những tán cây rừng xanh mướt mắt, phía trước là một thung lũng nhỏ, đàn heo bản thủng thỉnh ủi đất tìm đồ ăn, tiếng gà vịt lao xao, tiếng trẻ con ríu rít. Đây cũng là điểm đầu tiên của thôn Lũng Ót và cũng là điểm cuối cùng xe máy có thể đi. Để vào được những hộ dân còn lại sống rải rác quanh đỉnh núi chỉ có thể đi bộ, nhà xa nhất phải đi thêm khoảng 2km.
Thấy người lạ vào, mấy đứa trẻ đang chơi chạy vội về bậu cửa, bíu chân mẹ lấp ló nhìn ra. Một anh chàng còn rất trẻ chạy vội ra đon đả mời chúng tôi vào nhà, lăng xăng lấy ghế. Đặng Tòn Sếnh khá đẹp trai, gương mặt sáng sủa và có nụ cười rất tươi. Sinh năm 1998, Sếnh giờ này đã là người đàn ông trụ cột của gia đình với vợ và 3 đứa con. Vợ Sếnh là Đặng Mùi Pu, sinh năm 2003, mới 21 tuổi nhưng con lớn đã 7 tuổi, đứa kế 4 tuổi và một đứa 2 tuổi đang bế trên tay. Pu đẹp, vẻ đẹp mộc mạc của một bông hoa rừng. Hai vợ chồng giống nhau, luôn cười. Có vẻ như, mọi khó khăn của cuộc sống không làm ảnh hưởng gì đến tinh thần của họ.
Ngay bên cạnh nhà Sếnh là nhà chị gái Đặng Mùi Pham, 28 tuổi, có chồng là Đặng Tòn Khe, 26 tuổi. Vợ chồng Pham có hai con, đều đang học nội trú ngoài xã, thứ 2 đi, thứ 6 về. Hai hộ gia đình với 9 nhân khẩu trông chờ vào vạt ngô tỉa xen trong đá ngay vạt đất trước nhà. Trên này không có nước, nên mỗi năm chỉ trồng được một vụ ngô, còn thì chẳng trồng thêm được cây lương thực nào khác. Mảnh đất nhỏ ngoài vụ ngô thì chỉ có thể trồng thêm vài dây bí và một ít rau, khoai sọ để đắp đổi qua ngày. Bí là lương thực của họ và cũng là thức ăn cho cả lợn, gà. Dưới sàn ngôi nhà tối om om, đống bí được chất đầy, một con lợn con đang nhai ngon lành một quả bí, mấy chú gà cũng nhao nhác tìm vào giành ăn.
Chẳng có bất cứ món đồ điện, điện tử nào trong căn nhà của họ. Chỉ vài cái ghế nhựa, vài cái xô nhựa, thùng nhựa là dấu vết của hiện đại hiện diện ở đây. Họ không có điện, không có nguồn nước sạch, và đương nhiên cũng chẳng biết đến tivi, điện thoại, bởi sóng viễn thông là một cái gì đó xa vời ở đây. Một thôn bản toàn không, không đường, không trường, không trạm, không điện, không nước, không thông tin liên lạc. Cuộc sống của họ năm 2024 vẫn như hàng trăm năm trước, như cha, như ông, như các cụ tiên tổ.
Đi bộ vượt thêm mấy con dốc, chúng tôi qua một cụm nhà khác của thôn Lũng Ót. Một người phụ nữ đang chẻ trúc làm hàng rào, chị cũng chẳng buồn ngửng mặt lên nhìn xem ai vừa vào xóm nhà mình. Không một tiếng nói, chỉ có tiếng dao bổ vào thân trúc, tiếng thân trúc bị dao xẻ ra nghe lách tách, tiếng thớ trúc xé rin rít. Người phụ nữ cần mẫn rào mảnh vườn của mình, nơi đó có dàn su su xanh mướt, dàn bí đã gần tàn và những cây tía tô đã trổ hoa. Khi tôi lại gần bắt chuyện, khác với vẻ ngoài lạnh lùng, người phụ nữ ấy cười rất tươi và nhiệt tình trả lời các câu hỏi của tôi. Chị là Đặng Mùi Siết, 40 tuổi. 2 đứa con đi học ở trường, nhà chỉ còn 2 vợ chồng. Chồng đang lên rừng chặt trúc về bán hay đi đâu chị cũng không rõ, chị ở nhà chăm chút mảnh vườn con con đầy sỏi đá của mình, bởi đó cũng chính là nguồn thực phẩm của gia đình họ.
Ngay cạnh nhà Siết là nhà cha chị, ông Đặng Chòi Cán. Người đàn ông 63 tuổi, dáng vẻ gầy gò nhưng nhanh nhẹn, thấy chúng tôi đi cùng chủ tịch xã, ông nhất quyết kéo vào nhà. Trên bếp lửa giữa nhà, một nồi khoai sọ đã được luộc chín. Chòi Cán tất tả đi lấy cái chậu nhựa nhỏ đổ khoai ra mời chúng tôi, lại tất tả múc ra tô rượu ngô đã ủ ngấu, đổ thêm ít nước sôi đang đun trên bếp, một bát rượu ngô ngọt nóng hổi được bưng ra, nhất định mời chúng tôi uống. Củ khoai nhỏ dẻo bùi, bát rượu ngô nóng ngọt mềm môi, nếu không phải xuống núi, chắc tôi đã say bên bếp lửa nhà Chòi Cán.
Không nói được tiếng kinh, cả cuộc đời Chòi Cán gắn với nếp nhà này. Trước đây, đời cha mẹ ông chỉ là căn nhà sàn lụp xụp. Đến đời ông và đời con ông, kinh tế cũng không khá hơn được bao nhiêu, nhưng nhờ sự quan tâm của chính quyền địa phương, ông đã có được căn nhà rộng rãi khang trang hơn, giờ chỉ còn làm để lo bữa ăn hàng ngày.
Dân ở cái thôn này, cuộc sống khó khăn quanh năm. Đất canh tác không có, chỉ vài rẻo đất nhỏ trồng ngô, nuôi vài con gà con lợn, mỗi nhà được một vài con bò. Thời tiết thuận lợi nó sinh con đẻ cái thì còn có vài đồng mà tiêu pha mua sắm, gặp năm ẩm ương, bò lợn lăn ra chết thì kể như năm đó trắng tay, lại trông chờ vào trợ cấp của chính quyền.
Tôi hỏi Hoàng Chàn Mình, sao chính quyền không tính chuyện di dời bà con xuống dưới thấp hơn cho đỡ khổ, chứ ở đây, lúc khoẻ không sao, lúc ốm đau bệnh tật, phụ nữ chửa đẻ, đưa được người xuống núi có khi cũng muộn mất. Trẻ con đi học, người lớn đi làm, tất cả đều quá khó khăn. Mình phân trần với tôi, biết là thế, nhưng xã không có quỹ đất. Muốn dời bà con xuống phải có đất cho bà con làm nhà, phải có đất cho họ canh tác. Cả cái xã này, núi nhiều hơn đất. Có mấy khoảnh đất bằng thì đều đã có chủ, đều đã canh tác hết rồi, đưa bà con xuống thì biết cho ở đâu ? Mình nói, anh chỉ mong có được kinh phí, đổ bê tông con đường mòn cho bà con để đi lại cho đỡ vất vả. Có đường, ắt cuộc sống sẽ đỡ khổ hơn. Nếu được đầu tư hệ thống điện năng lượng mặt trời nữa thì bà con nơi đây không mong gì hơn.
Chúng tôi xuống núi khi bóng mặt trời đã bắt đầu đổ nghiêng, trải dài. Chiếc xe không còn hàng đổ dốc nảy tưng tưng. Những ngôi nhà cheo leo trên sườn núi dần ở lại phía sau. Những mảnh đời ở Lũng Ót vẫn cheo leo nơi đỉnh núi Tham Hon.