Chảy máu chất xám nhìn từ cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia

Hoài Đan| 04/11/2014 05:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tính cho tới thời điểm này, thì có tới 12/13 quán quân của cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia quyết định hoặc có mong muốn được định cư ở nước mà mình đang theo học.

Chảy máu chất xám nhìn từ cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia

Chương trình Olympia trải qua hơn 1 thập kỷ phát sóng đã tìm ra được 14 nhân tài trên khắp mọi miền đất nước

Chương trình Đường lên đỉnh Olympia là một chương trình tìm kiếm tài năng Việt. Đối tượng mà chương trình hướng tới là học sinh các trường THPT trên cả nước. Sau khi trải qua hơn 1 thập kỷ phát sóng, cho tới nay chương trình đã có 14 quán quân giành được suất học bổng và đi du học tại Úc.

Việc những tài năng trẻ này nhận được phần thưởng đi du học ở một nước có nền giáo dục tiên tiến là điều đáng mừng và vô cùng xứng đáng. Sẽ không có gì đáng nói nếu những nhân tài đất Việt sau khi hoàn thành chương trình du học ở nước Úc xa xôi quay trở về phục vụ đất nước. Nhưng, tính cho tới thời điểm này, có tới 12/13 quán quân của chương trình Đường lên đỉnh Olympia quyết định hoặc có mong muốn được định cư ở nước mà mình đang theo học.

Thông tin này khiến dư luận lo ngại về hiện tượng chảy máu chất xám đang xảy ra phổ biến ở nước ta hiện nay. Còn những người đứng đầu các Bộ, Ngành thì bày tỏ quan ngại rằng, chất xám ở nước ta đang đổ xô ra nước ngoài khi có tới 70% du học sinh Việt Nam định cư ở nước sở tại sau khi đã hoàn thành chương trình học. Vậy, việc đó có phải là thiếu tình yêu, trách nhiệm với quê hương, đất nước hay không?

Xét ở nhiều góc độ, rõ ràng việc những du học sinh chọn một nước có nền văn hóa, kinh tế, giáo dục phát triển là một sự lựa chọn có lợi cho sự nghiệp. Bởi, ở đó họ sẽ được thụ hưởng những chính sách ưu đãi vô cùng lớn nhằm thu hút những tài năng thực sự. Hơn nữa, môi trường làm việc cùng hệ thống cơ sở vật chất hiện đại, tiện nghi sẽ giúp họ phát huy được tất cả những gì được học trong ghế nhà trường.

Trên thực tế, đã có rất nhiều người Việt đạt được những thành tích khiến bạn bè quốc tế phải ngưỡng mộ. Một trong số đó là Giáo sư Ngô Bảo Châu, ông là nhà toán học đầu tiên của Việt Nam dành được giải Fields - giải thưởng toán học cao quý nhất thế giới vào tháng 8/2010.

Chảy máu chất xám nhìn từ cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia

 12/13 quán quân của chương trình Đường lên đỉnh Olympia quyết định hoặc có mong muốn được định cư ở nước ngoài 

Vấn đề đặt ra ở đây là, sau khi đã hoàn thành khóa học ở nước ngoài và có thể đạt được cả những thành tựu trong sự nghiệp, thì những tài năng Việt có tâm huyết muốn quay trở về cống hiến cho đất nước, có được tạo điều kiện hay không vẫn còn là vấn đề gây nhiều tranh cãi.

Khi mà những chính sách ưu đãi để thu hút nhân tài còn rất mơ hồ và chưa đủ tầm thì chừng đó hiện tượng chảy máu chất xám ở nước ta vẫn còn tiếp diễn. Thử hỏi, với mức lương cơ bản ở nước ta hiện nay, liệu có đủ để những tài năng trẻ yên tâm cống hiến hết mình cho sự nghiệp? Hơn nữa, cơ chế xin – cho ở các cơ quan, ban, ngành trong cả nước vẫn còn quá nặng nề.

Theo một thống kê mới nhất của Tổ chức lao động quốc tế (ILO), thanh niên Việt Nam mất trung bình 6 năm để tìm kiếm một công việc ổn định hoặc làm hài lòng. Vậy, những du học sinh khi về nước có được sắp xếp một công việc đúng với khả năng và chuyên môn đào tạo hay không đang là nỗi băn khoăn của không ít người đặc biệt là gia đình và bản thân các du học sinh.

Không ít du học sinh Việt Nam từ chối lời mời làm việc ở nước ngoài để về nước cống hiến. Sau một thời gian họ đã phải xách vali ra nước ngoài, trở lại nơi mà mình đã từ chối một cơ hội công việc trước đó. Đó là chưa kể đến những bất cập trong chạy việc, lo lót, xí chỗ cho con ông cháu cha…

Để xảy ra hiện tượng cháy máu chất xám như hiện nay có quá nhiều yếu tố tác động. Bài toán làm thế nào để giảm thiểu và dần thu hút nhân tài về cho đất nước là đang làm đau đầu các nhà hoạch định chính sách. Mong rằng trong tương lai, những thông tin, con số thống kê về hiện tượng chảy máu chất xám ở nước ta sẽ giảm dần.

 

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chảy máu chất xám nhìn từ cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia