Chạy chọt khen thưởng?

Bảo Dân| 07/10/2016 06:20
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Lần đầu tiên một người đứng đầu chính quyền địa phương lên tiếng về tình trạng mà ông gọi là chạy chọt khen thưởng gây chú ý trong dư luận.

Đây là ý kiến của ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng tại cuộc làm việc với Đoàn kiểm tra, giám sát Hội đồng thi đua - Khen thưởng Trung ương mới đây. Theo ý kiến của Chủ tịch UBND Đà Nẵng, hiện nay, tình trạng khen không đúng rất nhiều dẫn đến việc khen thưởng thụt lùi và đi trái với bản chất. Nhiều người có xu hướng, tâm lý là cứ làm thủ tục cho tốt thì được khen thưởng chứ không phải làm việc tốt là được khen.

Ông Thơ nhấn mạnh: “Anh làm tốt mà anh không nói năng gì, không được ai giúp đỡ, không được dìu dắt thì không được khen. Có anh làm vừa vừa thôi nhưng lại làm thủ tục đầy đủ là được khen thưởng. Có nhiều anh làm xoàng xoàng thôi, lãnh đạo TP cũng chưa khen, nhưng cứ lù lù ở dưới, làm đầy đủ hết trình lên bàn là được. Mà được từ cái nhỏ là giấy khen, bằng khen, chiến sĩ thi đua cấp cơ sở cho đến Trung ương rồi được Huân chương Lao động hạng Ba".

Theo ông Thơ, tồn tại của vấn đề là khen không đúng với tinh thần của khen thưởng là nhằm tạo ra một sự cọ xát, so sánh và tạo ra sự hưng phấn cho người làm việc. Do vậy, ông Thơ cho rằng cần phải chấn chỉnh lại từng bước tình trạng này.

Chẳng hạn việc khen thưởng các sáng kiến có giá trị, ông Thơ cho biết: "Chúng tôi yêu cầu sáng kiến phải có giá trị khi áp dụng vào thực tiễn, đưa vào áp dụng từ 3-6 tháng xem có làm được hay không. Chứ bây giờ vẽ một sáng kiến rất dễ để trình lên hội đồng khoa học. Nhưng thông qua rồi xong, biến mất, chẳng ai áp dụng… Những cơ quan áp dụng sáng kiến phải đánh giá được sáng kiến đó có giá trị, hiệu quả hay không thì mới công nhận".

Đồng tình với ý kiến của Chủ tịch Đà Nẵng, ông Nguyễn Thiện Nhân - Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhận định, công tác nhân rộng điển hình tiên tiến là “việc làm thì rất hay nhưng thực hiện vẫn còn nhiều hạn chế”.

Đúng như các chuyên gia nhận định, có nhiều thứ đặc quyền, đặc lợi. Trong nhiều thứ hưởng lợi ấy có một thứ rất “đặc biệt”, đó là Huân chương và những phần thưởng khác.

Lâu nay trong dư luận bàn tán nhiều về việc khen thưởng ở ta. Rằng khen thưởng vốn là điều rất nên làm. Có câu “mười đồng tiền công không bằng một đồng tiền thưởng” nhưng khen thưởng đúng người, đúng công mới có ý nghĩa. Ai lại toàn “trên khen trên” cho các quan chức vô hình trung là một thứ đặc quyền đặc lợi. Bài học cay đắng về việc ông cựu Bí thư Tỉnh ủy nọ bị tước danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang vì man khai thành tích thành tiếng xấu để đời về lòng tham vô tận của con người cùng với những thiếu sót trong công tác thi đua khen thưởng.

Người dân đều nhớ rằng Bác Hồ khi sinh thời chưa từng nhận bất cứ tấm Huân chương nào. Bây giờ những người nhận Bằng khen của Thủ tướng, nhận Kỷ niệm chương của các bộ, ngành, Huân chương các loại, các hạng chủ yếu là... quan chức. Có anh nhà báo có tên trong ban biên tập báo nọ trong 10 năm cuối trước khi nghỉ hưu nhận tới gần 30 Kỷ niệm chương của các bộ ngành, tổ chức quần chúng, đựng đầy một bát ô tô.

Có thể chống thứ đặc quyền đặc lợi này không? Được chứ! Cần sớm sửa đổi, bổ sung Luật Thi đua - Khen thưởng và sửa tư duy, ý thức trách nhiệm của người lãnh đạo, của mọi cán bộ, đảng viên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chạy chọt khen thưởng?