Chầu văn - loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo

Diệu Chi| 16/10/2015 06:26
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Nằm trong những hoạt động đưa tín ngưỡng thờ Mẫu trình UNESCO trở thành Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, vào ngày 1/11, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, các nghệ sĩ 2 miền Bắc - Nam sẽ tổ chức đêm nhạc đặc biệt với chủ đề “Đạo và Đời”.

Một thời gian dài, hát Chầu văn hay còn gọi là hát bóng, hầu đồng có nhiều dấu hiệu biến tướng, phức tạp, nhiều người không còn phân biệt được đâu là nghệ thuật hay đâu là mê tín dị đoan cần loại trừ. Chính vì vậy, việc nâng cao nhận thức của người dân qua nhiều hình thức liên hoan, diễn xướng nghi lễ Chầu văn trong không gian tâm linh là cách làm thiết thực bảo tồn giá trị đặc sắc của nghi lễ Chầu văn.

Mong muốn bảo tồn và tôn vinh nghệ thuật chầu văn, các nghệ sỹ sẽ đưa nghệ thuật hát văn lên sân khấu để một lần nữa khán giả được chiêm ngưỡng thần thái của bộ môn nghệ thuật dân gian độc đáo này, với mong muốn người dân nhận thức đúng về loại hình nghệ thuật nhuốm màu tâm linh này. Từ đó, biết quý trọng, gìn giữ di sản văn hóa truyền thống của dân tộc.

Việt Nam đã làm hồ sơ "Tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt" trình Unseco, để được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Chính vì thế, ngay từ lúc này, việc truyền bá và đưa Đạo Mẫu đến gần hơn với công chúng là điều cần thiết. Đêm nhạc "Đạo và Đời" cũng không nằm ngoài lý do đó.

Xuất hiện trong đêm nhạc "Đạo và Đời" sẽ diễn ra tại Trung tâm Hội nghị quốc gia vào ngày 1/11 tới đây, NSƯT Hoài Linh và các nghệ sĩ khác sẽ biểu diễn nhiều tiết mục hát Chầu văn để giới thiệu với khán giả cả nước về văn hóa trong "Đạo Mẫu".

Chầu văn - loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo

Hoài Linh sẽ biểu diễn nhiều tiết mục hát Chầu văn để giới thiệu với khán giả cả nước về văn hóa trong "Đạo Mẫu".

Theo nghệ nhân dân gian Thanh Long, người tổ chức và cũng là người biểu diễn trong đêm nhạc chia sẻ: "Chúng tôi tổ chức đêm nhạc này không vì mục đích kinh doanh, một phần bán vé sẽ được trích để làm từ thiện. Hơn nữa, chúng tôi tổ chức xen kẽ các tiết mục hát Văn với các ca khúc trữ tình lãng mạn cũng là cách để chúng tôi đưa di sản này tới gần hơn với công chúng".

Theo đó, chương trình sẽ được chia ra làm 2 phần, phần 1 mang chủ đề “Đạo”, sẽ có những màn diễn xướng Chầu Văn được diễn tả bởi các thanh đồng bậc thầy cùng các Cung Văn và dàn nhạc cụ dân tộc.

Phần 2 mang tên “Đời” sẽ có nhiều màn hài kịch đặc sắc, các ca khúc trữ tình sâu lắng ca ngợi vẻ đẹp quê hương đất nước, tình yêu con người…    

Chầu văn - loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo

Đêm nhạc được tổ chức nhằm đưa di sản này tới gần hơn với công chúng

Hát Chầu văn có xuất xứ từ vùng đồng bằng Bắc Bộ là một loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian độc đáo gắn liền với tín ngưỡng thờ Mẫu và thờ Đức Thánh Trần. Sự độc đáo của hát chầu văn không chỉ thể hiện ở sự trầm bổng, nhấn nhá của lối hát, ở sự ứng diễn linh hoạt có sức cuốn hút người nghe mà còn thể hiện ở tay đàn, nhịp phách ăn nhập một cách hài hòa và tinh tế, để vừa đàn vừa hát là cả một quá trình điêu luyện, công phu của các nghệ nhân bằng cả tâm huyết và bề dày năm tháng.

Ngoài những yếu tố tâm linh, hát chầu văn còn là loại hình nghệ thuật kế thừa và phát triển của dân ca. Có lẽ chỉ có hát chầu văn mới có thể thực hiện được sự hòa quyện dân ca ba miền Bắc, Trung, Nam. Trong cùng một giá chầu, người nghệ nhân có thể ứng biến theo hoàn cảnh bằng ngôn ngữ, cử chỉ, bằng tiếng nói, bằng ngữ điệu biểu đạt.

Hiện nay, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa phi vật thể đang là vấn đề được cả xã hội quan tâm, trong đó bảo tồn Nghi lễ hát Văn hầu đồng phát triển đúng hướng là cách bảo tồn tốt nhất để tránh những biến tướng, phức tạp.

Ngoài ra, việc bảo tồn tích cực nhất là đưa Hát văn hầu đồng vào cộng đồng để quần chúng cùng tham gia thưởng thức. Bảo tồn cũng là xã hội hóa, nhân dân có nhận thức, hiểu biết đúng cùng có trách nhiệm kết hợp với nhà nước để phát huy giá trị nghệ thuật và tín ngưỡng ngày càng lành mạnh, chống lại, lên án mạnh mẽ mê tín dị đoan, làm vẩn đục đời sống văn hóa tâm linh tín ngưỡng của chúng ta.

Chầu văn - loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo

Chầu văn có đủ trữ lượng nghệ thuật để trở thành một di sản văn hóa phi vật thể của thế giới.

Có thể nói, việc tổ chức đêm nhạc đặc biệt này cũng là cách để người dân, cũng như những thanh đồng, người hát chầu văn có một cách nhìn đúng về loại hình nghệ thuật đa ngành, hội tụ nhiều giá trị khác nhau. Còn khá nhiều ý kiến và cách nhìn nhận khác nhau về tín ngưỡng này, các liên hoan, hoạt động giao lưu là dịp để cơ quan quản lý văn hóa kiểm kê lại “tài sản” của mình có bao nhiêu, giá trị thế nào, yếu tố nào nguyên gốc, yếu tố nào mới phát sinh để từ đó tìm ra cách quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị phù hợp nhất. Bởi có hiểu đúng về Chầu văn thì mới có thể quý trọng và gìn giữ nó.

Giáo sư-Tiến sỹ Ngô Đức Thịnh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Bảo tồn Chầu văn Việt Nam cho rằng: “Hát Chầu văn có giá trị nghệ thuật cao cần được phổ cập rộng rãi hơn nữa với công chúng trong nước cũng như bạn bè quốc tế để mọi người hiểu biết hơn về di sản văn hóa này, từ đó, có ý thức bảo tồn và phát huy".

Được đánh giá là một loại hình âm nhạc độc lập trong nền âm nhạc cổ truyền, Chầu văn có đủ trữ lượng nghệ thuật để trở thành một di sản văn hóa phi vật thể của thế giới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chầu văn - loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo