PGS. TS. Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC đã có trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Công lý xung quanh tính ưu việt của cơ chế hòa giải, đối thoại tại Tòa án.
Thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng về đa dạng hóa các phương thức giải quyết tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính thông qua việc xây dựng cơ chế pháp lý về hòa giải, đối thoại tại Tòa án; thực hiện Kết luận của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương; trên cơ sở hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý, TANDTC đang xây dựng và hoàn thiện Dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.
Dự án Luật này khi được Quốc hội thông qua sẽ là giải pháp hữu hiệu, là một trong những chế định ưu việt; sẽ tạo thêm một cơ chế để các bên tự nguyện hòa giải, đối thoại nhằm giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp dân sự, hành chính hiệu quả hơn.
Để hiểu rõ hơn về tính ưu việt của cơ chế hòa giải, đối thoại tại Tòa án, phóng viên Báo Công lý đã có cuộc phỏng vấn PGS. TS. Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC.
PV: Thưa Chánh án TANDTC, ông có nhận xét gì về các quy định của pháp luật đối với hòa giải, đối thoại ở nước ta?
Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình: Ở nước ta, chế định hòa giải, đối thoại đã được quy định trong các đạo luật; đóng vai trò đặc biệt quan trọng, là nhu cầu và đòi hỏi của xã hội để giải quyết các tranh chấp phát sinh trong đời sống. Với cách thức thân thiện, đồng thuận trên nguyên tắc chia sẻ, cảm thông, cao thượng, “hai bên cùng thắng”, hòa giải, đối thoại góp phần hàn gắn những mâu thuẫn, rạn nứt, nâng cao ý thức pháp luật của người dân, ngăn ngừa các tranh chấp trong tương lai, tạo sự đồng thuận và xây dựng khối đoàn kết trong nhân dân.
Trong suốt chiều dài lịch sử, phương thức hòa giải luôn tồn tại với các cộng đồng người Việt và trở thành một trong những thiết chế truyền thống trong giải quyết các tranh chấp. Ngay từ thời phong kiến, với đặc điểm của quốc gia thuần nông, các quy định về hòa giải đã bắt đầu hình thành, điển hình là trong Quốc triều Hình luật (Bộ luật Hồng Đức). Điều 672 của Bộ luật này quy định ở cấp xã, xã quan xử những vụ tranh chấp nhỏ nhặt trong làng xã với mục đích nhằm hòa giải giữa các đương sự, giảm bớt các vụ kiện tụng, loại bớt gánh nặng cho các quan chức cấp trên. Trong Bộ luật Gia Long (thời Nguyễn) cũng quy định buộc cấp xã giải quyết các vụ việc nhỏ, các tranh chấp xích mích giữa các thành viên trong cộng đồng. Bên cạnh các quy định của triều đình về hòa giải, còn có lệ làng, hương ước với nhiều quy định phù hợp với tâm lý, tình cảm người Việt. Như vậy, hòa giải, với tư cách là một phương thức giải quyết tranh chấp ngoài tố tụng tư pháp đã hình thành ngay từ thời phong kiến ở Việt Nam.
Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình chủ trì phiên họp Ban chỉ đạo thí điểm hòa giải, đối thoại tại Tòa án
Tại Nghị quyết 48-NQ/TW ngày 2/12/2002 về Chiến lược hoàn thiện pháp luật và Nghị quyết 49-NQ/TW ngày 2/6/2005 về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 của Bộ Chính trị đều hướng tới mục tiêu nâng cao hiệu quả của các hình thức giải quyết tranh chấp bằng hoà giải, đối thoại nhằm góp phần xử lý đúng và nhanh chóng những tranh chấp, khiếu kiện, giảm nhẹ công việc cho Toà án. Bộ luật TTDS năm 2015 quy định hòa giải là một nguyên tắc cơ bản của TTDS. Luật TTHC năm 2015 cũng quy định đối thoại trong giải quyết các khiếu kiện hành chính là nguyên tắc cơ bản của tố tụng hành chính, Tòa án có trách nhiệm tổ chức đối thoại và tạo điều kiện thuận lợi cho các đương sự đối thoại.
PV: Vậy thực tiễn hòa giải, đối thoại trong quá trình giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính theo các quy định của pháp luật ở nước ta thời gian qua, thưa Chánh án?
Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình: Bám sát các quy định của pháp luật, TAND các cấp đã tích cực tổ chức công tác hòa giải, đối thoại. Về hòa giải, đối thoại trong tố tụng, theo thống kê của TANDTC cho thấy các vụ việc dân sự, vụ án hành chính mà Tòa án giải quyết tăng dần qua từng năm; tuy nhiên, số các vụ việc hòa giải thành, đối thoại thành chiếm tỷ lệ thấp, chưa đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn. Về hòa giải ngoài tố tụng, ngoài Tòa án, việc hòa giải của Hòa giải viên tiến hành theo Luật Hòa giải ở cơ sở trên thực tế đã đạt những kết quả nhất định, nhưng công tác hòa giải theo Luật này chủ yếu được tiến hành đối với những mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ, tính chuyên nghiệp không cao, hiệu quả giải quyết còn hạn chế.
Những năm qua, các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính vẫn không ngừng tăng lên tỷ lệ thuận với quy mô tăng dân số và tăng trưởng của nền kinh tế. Tòa án luôn trong tình trạng quá tải; nhiều vụ án dân sự, hành chính phải xét xử qua nhiều cấp trong nhiều năm; bản án, quyết định của Tòa có hiệu lực pháp luật nhưng chậm được thi hành đã ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân, ảnh hưởng đến niềm tin của người dân đối với Tòa án.
PV: Thưa Chánh án, trước thực trạng trên, TAND các cấp đã triển khai giải pháp gì để nâng cao hiệu quả hòa giải, đối thoại?
Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình: Để nâng cao hơn nữa chất lượng giải quyết các loại án, TANDTC đã đề ra 14 giải pháp đột phá; trong đó nội dung trọng tâm là đổi mới, tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác hòa giải trong giải quyết các vụ việc dân sự, đối thoại trong giải quyết các khiếu kiện hành chính. Bên cạnh đó, TANDTC đã học hỏi kinh nghiệm quốc tế; dịch và tham khảo Luật về hòa giải của 6 quốc gia gồm: Luật Hòa giải tư pháp tranh chấp dân sự Hàn Quốc, Luật Điều đình dân sự Nhật Bản, Luật Hòa giải nhân dân Trung Quốc, Luật về thống nhất hòa giải Hoa Kỳ, Luật về hòa giải và trọng tài Ấn Độ, Luật Hòa giải của Đức; tiếp cận và bước đầu tham khảo Luật về hòa giải của hơn 60 quốc gia khác, gồm: In-đô-nê-xi-a, Thái Lan, Xinh-ga-po, Ma-lai-xi-a, Ca-na-đa, Áo, Bỉ, Cộng hòa Séc, Lúc-xăm-bua, Hà Lan, Pháp...) để thí điểm nâng cao công tác hòa giải, đối thoại.
Các hòa giải viên trao đổi kỹ năng giải quyết tranh chấp dân sự
Được sự đồng ý của Chủ tịch nước và Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương, TANDTC đã triển khai thí điểm về đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại TAND TP. Hải Phòng và 9 TAND cấp huyện của Hải Phòng. Quá trình triển khai thực hiện, hoạt động thí điểm tại Hải Phòng đã thu được hiệu quả rất cao. Hòa giải thành, đối thoại thành giúp giải quyết triệt để, hiệu quả các tranh chấp mà không phải mở phiên tòa xét xử; kết quả hòa giải thành, đối thoại thành phần lớn được các bên tự nguyện thi hành; vụ việc không phải trải qua thủ tục sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm theo quy định của các luật tố tụng; tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức của các bên liên quan và Nhà nước; hạn chế tranh chấp, khiếu kiện kéo dài, gây bức xúc trong dư luận.
Từ thành công bước đầu của thí điểm hòa giải, đối thoại tại Tòa án với phương châm “hai bên cùng thắng”, TANDTC tiếp tục thí điểm tại TAND TP. Hải Phòng và 15 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong toàn quốc. Với cách tổ chức chặt chẽ và khoa học nên các Trung tâm hòa giải, đối thoại hoạt động rất hiệu quả, góp phần giảm tải khối lượng công việc Toà án phải giải quyết, xóa bỏ tình trạng tồn đọng án, đẩy nhanh quá trình giải quyết tranh chấp.
Các hòa giải viên Trung tâm Hòa giải, đối thoại tại TAND TP. Hà Nội trao đổi với đương sự
Tại Hội nghị triển khai công tác Tòa án năm 2019, đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đánh giá cao việc TANDTC đã triển khai thực hiện Tòa án mở rộng thí điểm hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính.
PV: Chánh án đánh giá như thế nào về Dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án?
Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình: Hiện nay, TANDTC đang xây dựng và hoàn thiện Dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án đảm bảo phù hợp với các chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng về cải cách tư pháp, cải cách hành chính. Phạm vi hòa giải, đối thoại theo quy định của Luật này được thực hiện đối với các tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, khiếu kiện hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo quy định của Bộ luật TTDS, Luật TTHC khi có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu Tòa án giải quyết vụ việc dân sự, vụ án hành chính và các bên đồng ý hòa giải, đối thoại tại Tòa án trước khi Tòa án thụ lý, giải quyết vụ việc. Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án không điều chỉnh các hoạt động hòa giải, đối thoại đã được luật khác quy định.
Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án khi được Quốc hội thông qua sẽ là giải pháp hữu hiệu, là một trong những ưu việt của chế định hòa giải, đối thoại, mang lại nhiều lợi ích về văn hóa, pháp lý, sự ổn định của các quan hệ xã hội, tài chính của Nhà nước, người dân và xã hội. Các bên không mất nhiều thời gian, công sức để được công nhận hòa giải thành, đối thoại thành; bảo đảm hiệu lực thi hành thỏa thuận của các bên bằng quyền lực của Nhà nước; tạo niềm tin, động lực cho các bên lựa chọn hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án cũng đáp ứng được các yêu cầu đặt ra trong việc hoàn thiện thể chế pháp luật và cải cách tư pháp theo chủ trương của Đảng, Nhà nước nhằm bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ XHCN, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, mang lại nhiều lợi ích về văn hóa, pháp lý, sự ổn định của các quan hệ xã hội.
PV: Trân trọng cảm ơn Chánh án đã trả lời phỏng vấn Báo Công lý.