Ngày 12/10, tại Hà Nội, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình đã tiếp ông Katsuyuki Nishikawa, Viện trưởng Viện công tố tối cao Nhật Bản.
Cùng tham dự buổi tiếp còn có đại điện Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam và đại diện Văn phòng Dự án JICA Việt Nam.
Trao đổi với Viện trưởng Viện công tố tối cao Nhật Bản, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình đánh giá cao mối quan hệ hợp tác giữa VKSNDTC Việt Nam và Viện công tố tối cao Nhật Bản trong đấu tranh phòng, chống tội phạm; tiếp nhận, thực hiện các yêu cầu tương trợ tư pháp về hình sự, qua đó góp phần giải quyết nhanh chóng nhiều vụ án liên quan đến công dân hai nước.
Về hợp tác trong khuôn khổ Dự án JICA, từ năm 1999, VKSNDTC Việt Nam đã tham gia hợp tác pháp luật với đối tác Nhật Bản (JICA) thông qua Dự án “Cải cách hệ thống pháp luật và tư pháp tại Việt Nam”, Dự án “Hài hòa hóa pháp luật hiện hành và thống nhất áp dụng pháp luật hướng tới năm 2020” trong khuôn khổ chương trình hợp tác với JICA.
Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình nhiệt liệt chào đón ông Katsuyuki Nishikawa
Đối với TANDTC Việt Nam, Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản đã hỗ trợ xây dựng, sửa đổi các Luật, bộ Luật; tăng cường đào tạo tư pháp và phát triển án lệ; hỗ trợ sửa đổi BLTTDS, BLTTHS, Luật TTHC, Luật Tổ chức TAND, Luật phá sản. Ngoài ra, JICA còn gúp Việt Nam xây dựng thủ tục rút gọn, mô hình Tòa án đơn giản; tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ; xây dựng sổ tay viết bản án; xuất bản sách tham khảo về đảm bảo tranh tụng trong xét xử và các tội phạm vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ...
Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình (bên phải) tiếp Viện trưởng Viện công tố tối cao Nhật Bản Katsuyuki Nishikawa
Về hoạt động hợp tác giữa TANDTC Việt Nam và TATC Nhật Bản, hai bên thường xuyên có các chuyến thăm chính thức lẫn nhau nhằm trao đổi, thảo luận về các thông tin liên quan đến chức năng, tổ chức và hoạt động của Tòa án, hoạt động đào tạo của Tòa án. Hiện nay, TATC Nhật Bản tiếp tục giúp TANDTC Việt Nam trong việc thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 thông qua hỗ trợ tăng cường năng lực giải quyết án dân sự, hình sự vả hành chính; phát triển án lệ; nghiên cứu chuyên sâu về mô hình Tòa sở hữu trí tuệ...
Quang cảnh buổi tiếp Viện trưởng Viện công tố tối cao Nhật Bản
Cảm ơn sự đón tiếp trọng thị và chu đáo của Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình, ông Katsuyuki Nishikawa, Viện trưởng Viện công tố tối cao Nhật Bản khẳng định mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước ngày càng toàn diện và hiệu quả. Đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật, phía Nhật Bản đã hỗ trợ Việt Nam thực hiện có hiệu quả Dự án hỗ trợ kỹ thuật tăng cường năng lực cho cán bộ kiểm sát trong việc xây dựng và thực thi pháp luật. Dự án đã hỗ trợ nguồn lực đáng kể trong việc xây dựng BLTTHS (sửa đổi), Luật Tổ chức VKSND (sửa đổi) thông qua việc tổ chức các hội thảo, tọa đàm, khảo sát thực tiễn; xây dựng các báo cáo nghiên cứu; tổ chức một số chuyến thăm quan, khảo sát về các vấn đề pháp luật và công tác kiểm sát tại Nhật Bản; mời các chuyên gia Nhật Bản đến Việt Nam làm việc. Trong hoạt động nghiên cứu tội phạm học, Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam nghiên cứu Đề án xây dựng Sách trắng về tội phạm thông qua việc tổ chức các hội thảo, tọa đàm, xây dựng các báo cáo nghiên cứu về tình hình tội phạm ở Việt Nam; hỗ trợ các VKSND địa phương nâng cao kỹ năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp…
Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình tặng quà lưu niệm cho ông Katsuyuki Nishikawa
Về phương hướng hợp tác trong thời gian tới, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình mong muốn Nhật Bản tiếp tục hỗ trợ Việt Nam thực hiện công cuộc cải cách pháp luật thông qua Dự án JICA; đẩy mạnh thực hiện Chương trình trao đổi chuyên gia hàng năm giữa các cơ quan tư pháp; tiếp tục phối hợp trong đấu tranh chống tội phạm thông qua kênh tương trợ tư pháp; thúc đẩy khả năng đàm phán và ký kết Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự giữa hai nước; ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn đa phương về lĩnh vực pháp luật và tư pháp.
Ông Katsuyuki Nishikawa, Viện trưởng Viện công tố tối cao Nhật Bản cam kết sẽ tiếp tục cử các chuyên gia pháp luật sang giúp đỡ Việt Nam để hoàn thiện hệ thống pháp luật, tư pháp, nhất là đào tạo cán bộ nhằm nâng cao năng lực giải quyết các tranh chấp quốc tế và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong Tòa án, đặc biệt là mô hình Tòa án điện tử.
Các đại biểu chụp ảnh kỷ niệm sau buổi làm việc