Chánh án TANDTC giải trình một số nội dung Luật đối thoại, hòa giải tại Tòa án

Mai Thoa| 14/09/2019 19:23
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình đã có phần giải trình về dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án trong phiên họp UBTVQH sáng 14/9.

Không thu phí trong 5 năm đầu tiên

Liên quan đến lệ phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án, hiện có hai quan điểm khác nhau. Quan điểm thứ nhất cho rằng, Nhà nước có trách nhiệm bảo đảm kinh phí cho hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án, do đó không thu lệ phí đối với hoạt động này. Quan điểm thứ 2 cho rằng cần quy định thu với một số trường hợp cụ thể với mức thu hợp lý để chia sẻ gánh nặng với ngân sách nhà nước.

Theo Tờ trình, TANDTC tán thành với quan điểm thứ nhất, vì điều đó thể hiện bản chất ưu việt của chế độ, trách nhiệm của Nhà nước trong việc giải quyết những vấn đề bức xúc của xã hội. Qua thí điểm hòa giải, đối thoại thấy rằng đã giảm khoảng 80% chi phí so với mức chi để xét xử một vụ việc theo thủ tục sơ thẩm.

Chánh án TANDTC giải trình một số nội dung Luật đối thoại, hòa giải tại Tòa án

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên họp

Nhiều ý kiến trong UBTP cho rằng, xuất phát từ những lợi ích mà hòa giải, đối thoại tại Tòa án mang lại, việc Nhà nước có chính sách hỗ trợ hoạt động này là cần thiết, một mặt, thể hiện trách nhiệm của Nhà nước trong giải quyết các vấn đề bức xúc của xã hội. Mặt khác, khuyến khích người dân sử dụng cơ chế mới này để giải quyết nhanh chóng các tranh chấp, mâu thuẫn.

Việc ngày càng có nhiều người dân lựa chọn cơ chế hòa giải, đối thoại tại Tòa án sẽ giúp giải quyết hiệu quả các tranh chấp, khiếu kiện; hạn chế các vụ việc phải đưa ra xét xử; kết quả đạt được các bên tự nguyện thi hành sẽ giúp tiết kiệm một khoản kinh phí rất lớn mà hàng năm ngân sách phải đầu tư cho công tác xét xử và công tác thi hành án dân sự.

Tuy nhiên, xuất phát từ tính chất của một số loại tranh chấp, cũng như chủ thể khởi kiện, nhằm giảm bớt kinh phí hỗ trợ từ ngân sách, cần thiết quy định thu một khoản tiền đối với 02 trường hợp sau đây: Pháp nhân nộp đơn khởi kiện các vụ tranh chấp dân sự, kinh doanh, thương mại, lao động, hành chính; Cá nhân nộp đơn khởi kiện yêu cầu giải quyết tranh chấp về kinh doanh, thương mại.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu, Điều 6 dự thảo Luật quy định: “Kinh phí cho công tác hòa giải, đối thoại do nhà nước đảm bảo. Nếu thế, theo tôi không có Điều 7, không có điều thu phí gì. Nếu có Điều 7 thì không nên có Điều 6 vì 2 điều này mâu thuẫn nhau.

Ông cho biết "Ủng hộ quan điểm tờ trình của Chánh án TANDTC, nếu như việc này không quá lớn trong điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của chúng ta, chúng ta đi theo hướng tích cực. Quy định không thu lệ phí hòa giải tại Tòa án, không chỉ thể hiện bản chất ưu việt của chế độ, trách nhiệm của Nhà nước trong việc giải quyết những vấn đề bức xúc của xã hội mà còn giảm chi phí rất nhiều".

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, nên dùng từ “phí”, vì sẽ mang tính chất phục vụ, còn “lệ phí” thì cũng có tính chất phục vụ nhưng tính chất bắt buộc cao hơn. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay vấn đề hòa giải là một hoạt động rất tốt, nó không những làm giảm chi phí cho ngân sách, cho Tòa án, mà còn giảm được chi phí cho xã hội cho nên cần phải khuyến khích. Chúng ta chưa nên đặt ra vấn đề thu phí và tất cả những hoạt động đó thì ngân sách nhà nước đài thọ.

Chánh án TANDTC giải trình một số nội dung Luật đối thoại, hòa giải tại Tòa án

Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình giải trình một số nội dung của dự thảo luật

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, xét về bản chất hoạt động hòa giải hay đối thoại tại Tòa không phải là một dịch vụ công và không phục vụ cho công việc quản lý nhà nước, do đó những khoản thu này không thể gọi là lệ phí hay phí. Chúng ta nên theo hướng để khuyến khích người dân tìm đến cơ chế hòa giải, đối thoại, giảm bớt thời gian công sức tiền bạc của Tòa án. Do đó đồng ý với quan điểm của Tòa án là không thu phí, nhưng có thể là không thu giai đoạn đầu thực hiện.

Liên quan đến điều kiện đối với Hòa giải viên, Đối thoại viên (HGV/ĐTV) Chủ tịch Quốc hội băn khoăn về quy định tiêu chuẩn, độ tuổi (phải dưới 70), hay quy định “phải có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải của Tòa án” đối với những người thực hiện nhiệm vụ này.

HGV rất cần người có kinh nghiệm, có uy tín, có quá trình công tác ở các cơ quan pháp luật. Do đó, cũng không nên quá chú trọng tới tuổi và cũng cần đặt trong sự tương quan giữa những quy định này với các chức danh của luật sư, công chứng viên. Có người trên 70 tuổi nhưng rất có uy tín và hòa giải hiệu quả, thành công. Vì vậy nên cân  nhắc vấn đề này.

Giải trình thêm một số vấn đề, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cho hay, những nội dung mà các ĐB nêu TANDTC sẽ cùng với UBTP xem xét và tiếp thu đầy đủ, hoàn thiện dự thảo Luật để trình Quốc hội.

Về kinh phí hòa giải nếu theo hướng là Nhà nước sẽ chi phí trong thời hạn nhất định sẽ rất có lợi cho người dân, nên rất mong UBTVQH ủng hộ phương án mà UBTP đã đồng tình. Qua thảo luận, các ý kiến trong nước và quốc tế cũng cho rằng sẽ không công bằng nếu giải quyết các tranh chấp về kinh tế, kinh doanh thương mại qua con đường trọng tài sẽ phải mất kinh phí, nhưng theo con đường Tòa án thì không.

UBTVQH cũng đã có ý kiến đồng tình là không thu phí trong 5 năm đầu tiên để tạo điều kiện cho người dân và lựa chọn phương án 1. 

"TANDTC cũng đã có phương án 2 tính phí trong 1 số trường hợp. Nếu có đóng phí trong tương lai chỉ là các pháp nhân thương mại, các cá nhân mà khiếu kiện về kinh tế có tính chất sinh lời", Chánh án cho biết.

Cơ chế mềm dẻo, linh hoạt, hiệu quả

Theo Chánh án Nguyễn Hòa Bình, trước đó, một số tổ chức quốc tế do Tòa án tổ chức hội thảo để tham vấn thêm kinh nghiệm nước ngoài, họ rất quan tâm đến dự án Luật này và có phản biện độc lập. Như Mỹ đã cử 01 nhà khoa học và 2 Thẩm phán tham gia. Khi đoàn công tác của TANDTC sang, bên nước bạn đánh giá rất cao vấn đề này. Nước Mỹ xem chế định này như một cuộc cách mạng để thực thi công lý, vì rất có lợi cho người dân.

"Đặc biệt, ở Mỹ, bắt buộc khi hòa giải đương sự mỗi người phải nộp lệ phí là 300 USD, cũng có bang nhà nước bỏ kinh phí để chi phí việc này. Thậm chí họ còn dùng cả trực thăng rải truyền đơn để kêu gọi người dân sử dụng chế định này thay vì kiện ra Tòa. Họ làm rất quyết liệt và chúng ta là người học hỏi họ kinh nghiệm", Chánh án cho hay.

Chánh án TANDTC giải trình một số nội dung Luật đối thoại, hòa giải tại Tòa án

Chủ nhiệm UBTP Lê Thị Nga, trình bày báo cáo giải trình tiếp thu

Chánh án khẳng định thêm, xét về bản chất đây là mô hình hòa giải ngoài tố tụng, trước khi Tòa thụ lý vụ án. Hòa giải tại Tòa án là có sự tham gia của Tòa án với hoạt động này. Vai trò Tòa án trong hoạt động này gồm: điều hành, quản lý hoạt động hòa giải, phân công HGV tham gia. Tòa án là cơ quan công nhận kết quả hòa giải, kết quả này có giá trị như 1 bản án nên buộc phải như vậy. Khác với hòa giải cơ sở, hòa giải xong không có hiệu lực thi hành bắt buộc, còn hòa giải này Tòa án đã công nhận thì có bắt buộc thi hành.

Theo Chánh án, hòa giải theo tố tụng hiện nay có một số hạn chế, đó là: do Thẩm phán bận nhiều việc nên không có nhiều thời gian đầu tư cho hòa giải. Hơn nữa, Thẩm phán phải đảm bảo khách quan nên không được phép đưa ra lời khuyên không có lợi cho bất cứ bên nào. Nhưng HGV thì có thể đưa ra lời khuyên căn cứ vào thực tế và theo quy định pháp luật, bởi vậy mà hiệu quả cao như cơ chế này.

Ngoài ra, công tác hòa giải tại Tòa án có tính năng động về mặt phương pháp. HGV có thể gặp đương sự các bên ở nhà, quán cà phê…để khuyên bảo, thậm chí là họ có thể sử dụng người có uy tín để nhờ họ khuyên bảo…Còn Thẩm phán chỉ được ở cơ quan trong giờ hành chính. Sau giờ đó nếu gặp ở ngoài sẽ bị đặt vấn đề là tại sao tiếp xúc với đương sự ngoài cơ quan. Tính năng động của biện pháp này, HGV có lợi hơn Thẩm phán.

Trách nhiệm của Tòa án là điều hành và công nhận kết quả hòa giải, như vậy sẽ tạo thuận lợi cho người dân. Nền tảng của việc công nhận này chính là hai bên đã đồng thuận, Tòa chỉ công nhận sự thỏa thuận đó. Khi Luật ra đời, người dân có quyền lựa chọn hòa giải hay đề nghị Tòa án thụ lý luôn.

Chánh án khẳng định, trong việc hòa giải này, bí mật là yêu cầu bắt buộc. Pháp luật của các nước trên thế giới cũng quy định như vậy, vì đây là những lời khuyên có thể động chạm đến những vấn đề riêng tư, tình cảm, góc khuất đời sống của đương sự nên là yêu cầu bắt buộc. Thậm chí tất cả ghi chép của HGV không được xem là chứng cứ trong tố tụng khi Tòa án xét xử sau này.

Liên quan đến vấn đề này sẽ cân nhắc việc công nhận hay bổ nhiệm HGV. HGV cũng có nghĩa vụ nhất định, như: có những vụ viêc không được hòa giải vì có liên quan đến lợi ích chung, hay là phải đảm bảo bí mật nên phải có trọng trách nhất định và sự quản lý không thể để tự do; phải tuân thủ pháp luật, không được hòa giải, khuyên ẩu, nên việc công nhận hay bổ nhiệm sẽ cân nhắc nhưng ít nhất phải có sự quản lý nào đó đối với HGV.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chánh án TANDTC giải trình một số nội dung Luật đối thoại, hòa giải tại Tòa án