“Việc thành lập các Tòa án sơ thẩm chuyên biệt là rất cần thiết và xuất phát từ yêu cầu thực tiễn trong công tác, nhằm bảo đảm tính chuyên nghiệp, chất lượng trong xét xử”- đó là chia sẻ của Thẩm phán cao cấp Nguyễn Văn Chung, Chánh án TAND tỉnh Đắk Lắk khi nói về công tác triển khai Luật TAND 2024.
PV: Thưa Chánh án, trong số những nội dung của Luật tổ chức TAND (sửa đổi), có nội dung về việc thành lập Tòa chuyên biệt. Với cương vị một lãnh đạo Tòa án địa phương, Chánh án có thể cho biết về sự cần thiết của việc thành lập Tòa chuyên biệt?
Chánh án Nguyễn Văn Chung: Việc sửa đổi Luật Tổ chức TAND nói chung và việc bổ sung quy định về việc thành lập Tòa chuyên biệt nói riêng là nhằm thể chế hóa các quan điểm của Đảng về “bảo đảm tính độc lập của Tòa án theo thẩm quyền xét xử” được đề ra tại Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về "tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới" và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của đảng về “xây dựng Tòa án chuyên nghiệp”; Nghị quyết số 755/NQ-UBTVQH15 ngày 27/3/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội “bổ sung, hoàn thiện pháp luật, tổ chức bộ máy phù hợp để đáp ứng yêu cầu giải quyết các vụ án, vụ việc có tính chất đặc thù như phá sản, sở hữu trí tuệ, tư pháp đối với người chưa thành niên...” và Nghị quyết kỳ họp thứ hai, thứ tư Quốc hội khóa 15 về “nâng cao chất lượng giải quyết án hành chính”.
Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) đã bổ sung quy định trong hệ thống Tòa án có các TAND sơ thẩm chuyên biệt để xét xử một số loại án đặc thù có yêu cầu về kiến thức chuyên môn cao: hành chính, sở hữu trí tuệ, phá sản. Việc thành lập các Tòa án sơ thẩm chuyên biệt sẽ do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định trên cơ sở đề nghị của Chánh án TANDTC, tùy thuộc vào tình hình thực tế.
Việc thành lập các Tòa án sơ thẩm chuyên biệt là rất cần thiết và xuất phát từ yêu cầu thực tiễn trong công tác xét xử nhằm bảo đảm tính chuyên nghiệp trong tổ chức và hoạt động; phát huy trình độ chuyên môn sâu của Thẩm phán, Hội thẩm trong xét xử, góp phần bảo đảm tính chuyên nghiệp, phát huy trình độ chuyên môn sâu trong xét xử, từ đó nâng cao chất lượng xét xử, giải quyết các loại vụ việc ở các TAND.
PV: Xin Chánh án cho biết Tòa chuyên biệt sẽ giải quyết những vụ án như thế nào?
Chánh án Nguyễn Văn Chung: Việc tổ chức Tòa án chuyên biệt để chuyên môn hóa việc giải quyết các loại án khó, phức tạp như hành chính, sở hữu trí tuệ, phá sản, thương mại quốc tế...
Đối với vụ án hành chính: là loại vụ án phức tạp, xảy ra ngày càng nhiều ở hầu hết các lĩnh vực quản lý nhà nước mà địa phương nào cũng có.
Bên cạnh đó, sau khi Luật tố tụng hành chính 2015 có hiệu lực thì thẩm quyền của Tòa án được mở rộng, số vụ án hành chính thụ lý ngày càng tăng. Đặc biệt số lượng các vụ án hành chính sơ thẩm do Tòa án tỉnh thụ lý giải quyết tăng đã gây ra tình trạng quá tải, tạo áp lực rất lớn trong việc giải quyết án hành chính của Tòa án tỉnh.
Qua số liệu thống kê hàng năm cho thấy lượng án hành chính ngày càng gia tăng. Đơn cử năm 2020, TAND tỉnh Đắk Lắk giải quyết 122/138 vụ án, đạt 88%; Năm 2021, giải quyết 116/156 vụ, đạt 70,3%; Năm 2022, giải quyết 231/240 vụ, đạt 96,2%; Năm 2023, giải quyết 269/275 vụ, đạt 98%, vượt mức quy định 37%; năm 2024 giải quyết 319/324 vụ).
Hiện nay do mô hình tổ chức Tòa án còn gắn với địa giới hành chính nên một số ý kiến cũng lo ngại về tính độc lập, khách quan của HĐXX.
Đối với các vụ việc sở hữu trí tuệ, phá sản, thương mại quốc tế: là loại vụ việc tuy số lượng không nhiều so với các loại vụ việc khác nhưng là loại việc khó, phức tạp và cũng ngày càng tăng theo tốc độ phát triển kinh tế của đất nước. Để giải quyết loại vụ việc này cần có nhân lực là người không chỉ chuyên sâu về pháp luật mà cần được đào tạo, hiểu biết về các vấn đề chuyên môn của lĩnh vực sở hữu trí tuệ và các yêu cầu phá sản.
Đặc biệt đối với vụ việc phá sản, thường rất phức tạp do phải giải quyết tất cả các mối quan hệ của doanh nghiệp, hợp tác xã bị yêu cầu tuyên bố phá sản gồm: quan hệ hành chính, lao động, hình sự, dân sự, kinh tế, sở hữu trí tuệ... Việc giải quyết những loại vụ án này đòi hỏi phải được tổ chức chuyên nghiệp, chuyên môn hóa cả về bộ máy và con người. Tuy nhiên, với cách thức tổ chức và bố trí thẩm phán như hiện tại chưa đáp ứng yêu cầu giải quyết những loại vụ việc này, làm ảnh hưởng hiệu quả, niềm tin với nhà đầu tư trong và ngoài nước.
PV: Thưa Chánh án, việc thành lập Tòa chuyên biệt có làm phát sinh biên chế của hệ thống Tòa án hay không?
Theo báo cáo đánh giá tác động của Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) do TANDTC xây dựng thì phương án sửa đổi thành lập Tòa chuyên biệt sẽ không phát sinh biên chế và kinh phí chi trả lương cho các Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án, công chức khác và người lao động ở các đơn vị. Tòa án chuyên biệt sẽ được thành lập thêm dựa trên số lượng nhân sự ở các đơn vị. Tòa án này sẽ được luân chuyển, điều động từ các đơn vị, Tòa án khác trong hệ thống Tòa án.
Hội thẩm nhân dân tham gia xét xử ở TAND sơ thẩm chuyên biệt là những chuyên gia, người có chuyên môn, kinh nghiệm công tác trong các lĩnh vực đặc thù tương ứng.
PV: Với việc thành lập các Tòa chuyên biệt như vậy thì Tòa án đã có hướng đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ Thẩm phán như thế nào, thưa ông?
Chánh án Nguyễn Văn Chung: Về mặt pháp lý, Nghị quyết 755 của Ủy ban Thường vụ QH ngày 27/3/2023 đặt ra yêu cầu: “Sửa đổi pháp luật, tổ chức bộ máy phù hợp, tăng cường đào tạo bồi dưỡng cán bộ... để đáp ứng yêu cầu giải quyết các vụ án phá sản doanh nghiệp, sở hữu trí tuệ”. Do đó việc đổi mới chất lượng đào tạo, bồi dưỡng các chức danh tư pháp trong hệ thống TAND, đặc biệt là đối với đội ngũ cán bộ Thẩm phán, chuyên gia của Tòa chuyên biệt Sở hữu trí tuệ và Phá sản là nhu cầu tất yếu nhằm đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
Việc thành lập TAND sơ thẩm chuyên biệt cũng cần đặt ra yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ Sở hữu trí tuệ và Phá sản cho đội ngũ cán bộ Thẩm phán, Thư ký, Hội thẩm nhân dân nhằm nâng cao trình độ, chuyên môn cao, có kinh nghiệm và kiến thức thực tiễn để tiếp cận, nghiên cứu và đánh giá đúng bản chất các tranh chấp về sở hữu trí tuệ, phá sản.
Bên cạnh đó cũng cần đầu tư cho công tác đào tạo, học tập ở những nước phát triển để nâng cao trình độ ngoại ngữ, kiến thức về pháp luật quốc tế liên quan đến Sở hữu trí tụê; về lâu dài sẽ hình thành một đội ngũ Thẩm phán, chuyên gia có hiểu biết sâu sắc, kinh nghiệm để giải quyết các vụ án phức tạp thuộc nhiều lĩnh vực của sở hữu trí tuệ, phá sản. Đây là việc rất khó làm được nếu xét xử các vụ án sở hữu trí tuệ trong khuôn khổ Tòa án thông thường.
PV: Chánh án có thể cho biết việc thành lập Tòa chuyên biệt như vậy sẽ có những thuận lợi, khó khăn gì? Và hướng giải quyết ra sao?
Chánh án Nguyễn Văn Chung: Hệ thống Tòa án đang đứng trước những thách thức lớn như: yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao, trách nhiệm ngày càng lớn; số lượng vụ việc phải giải quyết ngày càng tăng, với tính chất ngày càng đa dạng, phức tạp. Việc thành lập các Tòa án sơ thẩm chuyên biệt sẽ bảo đảm tính chuyên nghiệp, chất lượng, hiệu quả trong tổ chức và hoạt động; Từ đó gia tăng niềm tin của nhân dân về tính độc lập, hiệu quả hoạt động của Tòa án, phát huy trình độ chuyên môn sâu trong xét xử, từ đó nâng cao chất lượng xét xử, giải quyết các loại vụ việc ở các TAND. Có thể tin tưởng rằng, trong tương lai các phán quyết của Tòa án chuyên biệt sẽ trở thành chuẩn mực, cải thiện độ tin cậy và ảnh hưởng tích cực đến cơ quan cấp bằng sáng chế trong việc cấp hoặc hủy bỏ bằng sáng chế, thu hút đầu tư nước ngoài.
Về khó khăn: Trước mắt, khi thành lập Tòa chuyên biệt sẽ phát sinh thủ tục, quy trình về thành lập, tổ chức và các chi phí thành lập và tổ chức hoạt động của Tòa chuyên biệt; cần thời gian rà soát, tập trung nguồn lực để nghiên cứu thay đổi một số thủ tục, quy trình tố tụng do chuyển thẩm quyền giải quyết một số loại vụ việc từ TAND cấp tỉnh, TAND cấp huyện hiện nay sang TAND sơ thẩm chuyên biệt; Tiêu chuẩn của Thẩm phán, Hội thẩm TAND, Thư ký công tác tại Tòa chuyên biệt.
Các quy định pháp luật khác có liên quan cũng cần sửa đổi như: Thẩm quyền của VKSND trong kiểm sát việc giải quyết các vụ án, vụ việc; trách nhiệm của cơ quan thi hành án dân sự trong việc thi hành các bản án, quyết định thuộc thẩm quyền của TAND sơ thẩm chuyên biệt.
Quy định về TAND sơ thẩm chuyên biệt trong Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) mang tính định hướng, làm cơ sở cho việc sửa đổi mang tính đồng bộ các điều luật có liên quan của Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Tổ chức VKSND, Luật Thi hành án dân sự khi có chủ trương sửa đổi các bộ luật, luật này....
Tại nghị trường Quốc hội, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình (nay là Phó Thủ tướng Thường trực) đã phát biểu, “Tòa án chuyên biệt thành lập thế nào, việc này do Quốc hội quyết định. Nhưng chắc chắn không có việc thành lập tràn lan”. Điều này thể hiện sự thận trọng đánh giá, xem xét những địa phương có lượng án sở hữu trí tuệ, phá sản, hành chính với số lượng lớn, tránh gây lãng phí nguồn lực; Tiếp đến triển khai thực hiện Tòa án chuyên biệt đòi hỏi chuẩn bị cả về nguồn nhân lực lẫn vật lực, điều kiện hạ tầng, cơ sở vật chất.
PV: Xin cảm ơn Chánh án!