“Xét xử trực tuyến là một phương thức, cách thức tổ chức phiên tòa trong chuỗi các hoạt động chuyển đổi số được TANDTC đang xây dựng, thực hiện rất hiệu quả, hữu ích trên thực tế”, đó là chia sẻ của Thẩm phán Nguyễn Trung Tính, Chánh án TAND huyện Nhà Bè (TP. Hồ Chí Minh) với PV Báo Công lý khi nói về việc xét xử trực tuyến trong giai đoạn hiện nay.
PV: Thưa Chánh án, được biết việc xét xử trực tuyến được nhận định sẽ là xu thế trong thời kỳ chuyển đổi số. Vậy Chánh án có ý kiến chia sẻ gì về việc này?
Chánh án Nguyễn Trung Tính: Như chúng ta đã biết, chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số. Xét xử trực tuyến chính là một phương thức, cách thức tổ chức phiên tòa trong chuỗi các hoạt động chuyển đổi số được TANDTC đang xây dựng, thực hiện rất hiệu quả, hữu ích trên thực tế.
Việc tổ chức phiên tòa trực tuyến giúp tăng khả năng tiếp cận công lý, góp phần bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân tốt hơn, hiệu quả hơn, bảo đảm thời hạn giải quyết vụ án nhanh hơn. Với tinh thần cải cách tư pháp, chuyển đổi số và lợi ích thiết thực của tổ chức xét xử trực tuyến, trong thời gian tới, xét xử trực tuyến đương nhiên là xu thế, là điều mà toàn bộ hệ thống Tòa án hướng tới nếu chúng ta không muốn trở nên lạc hậu so với thế giới.
PV: Thưa Chánh án, hiện TAND huyện Nhà Bè đã chuẩn bị như thế nào cho quá trình chuyển đổi số của hệ thống Tòa án?
Chánh án Nguyễn Trung Tính: Hiện nay, quy trình từ nhận đơn khởi kiện, thụ lý các vụ việc, phân công Thẩm phán giải quyết hồ sơ, cho đến số liệu giải quyết án đầu ra TAND huyện Nhà Bè đều thực hiện nhập liệu đầy đủ lên hệ thông Kiot và Phần mềm quản lý của TANDTC.
Bên cạnh đó, TAND huyện Nhà Bè đang xây dựng kế hoạch để song song với việc nhập liệu, quản lý số liệu thụ lý mới trên hệ thống thì triển khai scan dữ liệu hồ sơ lưu trữ trong kho hồ sơ để việc quản lý, trích lục hồ sơ được khoa học, trường hợp các cơ quan hữu quan hoặc đương sự cần trích lục hồ sơ sẽ đơn giản và nhanh chóng hơn, kho lưu trữ hồ sơ dữ liệu điện tử là mục tiêu tiếp theo mà TAND huyện Nhà Bè sẽ thực hiện trong công tác chuyển đổi số.
PV: Để xét xử trực tuyến được hiệu quả, yếu tố đường truyền, cùng đội ngũ nhân sự CNTT được đánh giá là yếu tố then chốt, Chánh án có ý kiến gì về việc này và đơn vị đã có kế hoạch gì cho việc phát triển đội ngũ nhân lực CNTT của Tòa án để phục vụ tốt cho quá trình chuyển đổi số?
Chánh án Nguyễn Trung Tính: Việc tổ chức phiên tòa trực tuyến đồng nghĩa với việc phiên tòa sẽ có điểm cầu trung tâm và ít nhất một hoặc nhiều điểm cầu thành phần, do đó vấn đề đường truyền đi kèm là đội ngũ công nghệ thông tin là hết sức quan trọng, ảnh hưởng tới việc phiên tòa có được diễn ra đúng thời gian và hiệu quả.
Đối với cơ sở vật chất tại TAND huyện Nhà Bè, đơn vị tận dụng trang thiết bị hiện có và dùng kinh phí được cấp cho hoạt động chi tiêu thường xuyên để trang bị bổ sung để có thể tổ chức phiên tòa trực tuyến. Ngoài ra, khi tổ chức phiên tòa trực tuyến hình sự Tòa án vẫn còn phụ thuộc vào cơ sở vật chất và đội công nghệ thông tin ở điểm cầu các trại trạm giam vì số lượng máy móc, thiết bị, phòng xét xử còn hạn chế… nên khó khăn trong việc lên lịch xét xử hoặc đường truyền không đảm bảo trong lúc diễn ra phiên tòa.
Do đó, sự không đồng bộ về hệ thống máy móc, đường truyền dẫn đến quá trình diễn ra phiên tòa thường có sự gián đoạn, mất tín hiệu âm thanh, tín hiệu hình ảnh… ảnh hưởng đến quá trình diễn ra phiên tòa.
Bên cạnh vấn đề về cơ sở vật chất, hiện tại TAND huyện Nhà Bè cũng như nhiều Tòa án khác không có biên chế chuyên công nghệ thông tin mà phải tận dụng Thẩm phán, Thư ký thực hiện công việc này mỗi khi diễn ra phiên tòa, phiên họp trực tuyến. Cơ sở vật chất và đội ngũ công nghệ thông tin là những khó khăn chung của hầu hết các Tòa án, Ban lãnh đạo TAND huyện Nhà Bè cũng khuyến khích Thẩm phán, Thư ký tự nâng cao trình độ công nghệ thông tin để phục vụ công tác, chia sẻ khó khăn chung.
Trong tương lai, cần có sự hỗ trợ cơ sở vật chất và bổ sung biên chế công nghệ thông tin để công tác xét xử trực tuyến cũng như quá trình chuyển đổi số được hiệu quả hơn.
PV: Hiện nay TAND huyện Nhà Bè còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình xét xử trực tuyến, tuy nhiên đơn vị đã vượt qua những khó khăn đó để hoàn thành tốt nhiệm vụ, Chánh án có thể chia sẻ bí quyết để đơn vị mình có được sự thành công đó?
Chánh án Nguyễn Trung Tính: Tại TAND huyện Nhà Bè, số vụ việc hàng năm thụ lý đều tăng so với năm trước, dẫn đến lượng hồ sơ trên một Thẩm phán trung bình từ 120 - 130 vụ việc, mỗi Thư ký giúp việc cho từ 2 - 3 Thẩm phán. Ngoài ra các Thẩm phán, Thư ký còn kiêm nhiệm nhiều công tác khác nhau như thi hành án hình sự, công tác văn phòng, công tác Đảng, công đoàn… Trong các phiên tòa trực tuyến, các Thẩm phán, Thư ký phải tự nghiên cứu, kết nối đường truyền, thực hiện tất cả công đoạn chuẩn bị để phiên tòa được diễn ra. Thực hiện phiên tòa trực tuyến có hai khó khăn lớn nhất đó là: Nhân sự công nghệ thông tin và trang thiết bị không đồng bộ.
Với những khó khăn như trên, ngay từ đầu năm Ban lãnh đạo đã quán triệt, chia sẻ tới tất cả công chức người lao động để tất cả các đồng chí chủ động, tích cực, đề ra các biện pháp sáng tạo, trước khi diễn ra mỗi phiên tòa, phiên họp trực tuyến thì hệ thống âm thanh, đường truyền được kiểm tra, kết nối đường truyền nhiều lần, trường hợp phát hiện lỗi sẽ cùng nhau trao đổi, tìm biện pháp khắc phục. Có lẽ, bí quyết để thành công chỉ có thể là đoàn kết để vượt khó.
PV: Qua một thời gian đi vào triển khai cũng như nhiều phiên tòa xét xử trực tuyến được thực hiện, Chánh án có thể chia sẻ những ưu, nhược điểm, cũng như giá trị từ phiên tòa xét xử trực tuyến mang lại cho hệ thống Tòa án?
Chánh án Nguyễn Trung Tính: Phiên tòa xét xử trực tuyến được tổ chức đã tạo thuận lợi về mặt thời gian, tiết kiệm thời gian và kinh phí do không cần thực hiện thủ tục trích xuất bị cáo từ trại tạm giam về Tòa án.
Đối với các vụ việc khác không phải án hình sự, việc tổ chức phiên tòa trực tuyến sẽ giảm bớt việc di chuyển, chi phí đi lại cho các đương sự có địa chỉ cư trú xa Tòa án, các đương sự không tiếp xúc trực tiếp sẽ tránh các xung đột tại phiên tòa trực tiếp. Tuy nhiên, khó khăn cũng vẫn là vấn đề đường truyền, cùng đội ngũ nhân sự CNTT, ngoài ra hiện tại chưa phát sinh khó khăn nào khác.
PV: Xin cảm ơn Chánh án!