Chánh án Nguyễn Hòa Bình: Tòa án xét xử kịp thời, nghiêm minh nhiều vụ án tham nhũng lớn

Mai Thoa| 13/11/2018 13:47
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Xét xử kịp thời, nghiêm minh nhiều vụ án tham nhũng lớn mà dư luận quan tâm; tỷ lệ giải quyết các loại án đạt kết quả cao và đặc biệt không có án oan sai trong những năm qua… Là kết quả đáng ghi nhận của Tòa án các cấp trong năm 2018.

Ngày 13/11, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình đã báo cáo công tác trước Quốc hội và các đại biểu đã thảo luận về các nội dung này.

Sự chỉ đạo kịp thời

Theo Chánh án Nguyễn Hoà Bình, năm 2018, nhiệm vụ đặt ra cho Tòa án các cấp là phải tiếp tục triển khai thực hiện tốt các Nghị quyết của Đảng liên quan tới xây dựng và chỉnh đốn Đảng, tinh giản biên chế, nâng cao hiệu quả và hiệu lực hoạt động của bộ máy nhà nước..., cũng như các Nghị quyết của Quốc hội về công tác tư pháp; làm tốt công tác xét xử các loại vụ án, nhất là các vụ án kinh tế và tham nhũng lớn; triển khai thực hiện nhiều đạo luật mới có liên quan tới hoạt động xét xử của Tòa án được sửa đổi, bổ sung và mới đi vào thực tiễn.

Trước tình hình và yêu cầu nhiệm vụ đặt ra nói trên và trong bối cảnh còn nhiều khó khăn về đội ngũ cán bộ, Thẩm phán cũng như điều kiện cơ sở vật chất, trên cơ sở 14 giải pháp đột phá để nâng cao chất lượng xét xử  đã được đề ra từ cuối năm 2017, Ban cán sự đảng, lãnh đạo TANDTC tập trung chỉ đạo làm tốt công tác đảm bảo áp dụng thống nhất pháp luật. Công tác giải quyết, xét xử các loại vụ án; xem xét áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án và giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm được các Tòa án thực hiện đạt kết quả khả quan.

Chánh án Nguyễn Hòa Bình: Tòa án xét xử kịp thời, nghiêm minh nhiều vụ án tham nhũng lớn

Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình

Cụ thể, các Tòa án đã giải quyết được 441.553 vụ việc trong tổng số 556.838 vụ việc đã thụ lý (đạt tỷ lệ 79,3%); số vụ việc còn lại hầu hết còn trong thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật. So với năm 2017, số vụ việc đã thụ lý tăng 56.920 vụ, bằng 11,4%; tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của Tòa án là 1,09% (giảm 0,21% so với năm 2017), đáp ứng yêu cầu Quốc hội đề ra.

Nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng được dư luận xã hội quan tâm đã được đưa ra xét xử kịp thời. Các Tòa án đã xét xử sơ thẩm 200 vụ với 472 bị cáo phạm các tội tham nhũng, so với năm 2017, số bị cáo bị xét xử các tội về tham nhũng tăng 39 bị cáo. Một số vụ án được dư luận xã hội rất quan tâm như vụ án: Châu Thị Thu Nga, Trịnh Xuân Thanh, Huỳnh Thị Huyền Như, Đinh La Thăng,…

Nhìn chung, việc xét xử các vụ án hình sự đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, chưa phát hiện trường hợp nào được xét xử trong năm qua kết án oan người không có tội. Việc tranh tụng tại phiên tòa tiếp tục được chú trọng theo hướng thực chất, hiệu quả. Các Tòa án không hạn chế thời gian dành cho tranh tụng, tôn trọng và đảm bảo cho các bên tham gia tố tụng đưa ra chứng cứ và trình bày hết các ý kiến của mình, trên cơ sở kết quả tranh tụng, HĐXX đưa ra các phán quyết đúng pháp luật, được dư luận xã hội ủng hộ.

Công tác phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng được thực hiện đúng theo các quy định của pháp luật tố tụng. Trong năm 2018, các Tòa án đã trả hồ sơ để yêu cầu điều tra bổ sung đối với 2.343 vụ án, việc trả hồ sơ cho Viện kiểm sát yêu cầu điều tra bổ sung về cơ bản đảm bảo có căn cứ, đúng pháp luật. Hình phạt mà Tòa án áp dụng đối với các bị cáo tương xứng với hành vi phạm tội.

Công tác giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm chú trọng và đạt kết quả cao. Theo đó, tổng số đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm mà TANDTC và các TAND cấp cao phải giải quyết là 16.078 đơn/vụ; đã giải quyết được 6.408 đơn/vụ, đạt tỷ lệ 39,8%, tăng 0,5% so với năm 2017. Đáng chú ý, trong tổng số 6.408 đơn/vụ đã giải quyết, Tòa án trả lời cho các đương sự là không có căn cứ kháng nghị 5.792 đơn/vụ; kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm 616 đơn/vụ.

Về cơ bản đã khắc phục được tình trạng đã trả lời cho đương sự là không có căn cứ kháng nghị, nhưng sau đó Chánh án TANDTC lại phát hiện bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật có sai lầm nghiêm trọng và phải kháng nghị để giải quyết vụ án theo trình tự giám đốc thẩm. Quá trình giải quyết, các Tòa án đã tập trung rà soát, phân loại để xem xét, giải quyết các đơn sắp hết thời hạn kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, đảm bảo không để các vụ việc quá thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật.

Giải pháp khả thi cho giải quyết án hành chính, dân sự

Về công tác giải quyết các vụ án hành chính, dân sự, cùng với sự nỗ lực và kết quả đạt được, TANDTC đã triển khai thí điểm thành công công tác hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

Theo đó, án hành chính, Tòa án nhân dân các cấp đã thụ lý 10.412 vụ, tăng 2.203 vụ so với năm 2017, nhưng kết quả giải quyết đạt tỷ lệ cao.

Các vụ án hành chính thụ lý, giải quyết phát sinh chủ yếu liên quan tới khởi kiện các quyết định hành chính, hành vi hành chính về quản lý đất đai. Trong công tác giải quyết, xét xử các vụ án hành chính, các Tòa án đã khắc phục được việc để các vụ án quá thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật, đặc biệt là chú trọng việc tổ chức đối thoại giữa người khởi kiện và người bị kiện, nên nhiều vụ án sau khi đối thoại, các bên đã thống nhất cách thức giải quyết và người khởi kiện đã rút đơn khởi kiện. Bên cạnh đó, các Tòa án cũng đã quan tâm làm tốt công tác phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng hồ sơ vụ án, thu thập đầy đủ chứng cứ cần thiết nhằm đảm bảo giải quyết vụ án đúng quy định của pháp luật

 Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy các vụ án hành chính thường là phức tạp, quá trình thực hiện một số quy định của Luật tố tụng hành chính cũng gặp phải những vướng mắc, nhất là liên quan tới thực hiện quy định tại Điều 60 Luật TTHC về người đại diện theo ủy quyền khi tham gia quá trình giải quyết các vụ án hành chính, rất nhiều trường hợp người được ủy quyền cho người bị kiện xin vắng mặt và cử cán bộ chuyên môn hoặc thuê luật sư để tham gia tố tụng với tư cách là người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, dẫn tới quá trình giải quyết gặp rất nhiều khó khăn và thời gian giải quyết vụ án bị kéo dài, nên tỷ lệ giải quyết loại án này chưa cao.

Để nâng cao chất lượng giải quyết các vụ án hành chính, thời gian qua TANDTC tập trung thực hiện việc đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu về kỹ năng xét xử các vụ án hành chính cho các Thẩm phán; điều chỉnh cơ cấu chương trình đào tạo nghiệp vụ xét xử phù hợp với đặc thù của việc giải quyết án hành chính; tăng cường công tác giám đốc kiểm tra đối với việc xét xử các vụ án hành chính để kịp thời rút kinh nghiệm về các sai sót nghiệp vụ, cũng như tổng hợp những khó khăn vướng mắc để đề xuất hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật trong công tác xét xử loại án này.

Đối với án dân sự, các Tòa án đã hạn chế đến mức thấp nhất việc để các vụ việc dân sự quá thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật; hạn chế tối đa việc tạm đình chỉ nhiều lần đối với một vụ án, tạm đình chỉ giải quyết vụ án không có căn cứ; làm tốt việc hướng dẫn các đương sự thực hiện đúng nghĩa vụ về cung cấp chứng cứ, tài liệu của vụ án; chủ động xác minh, thu thập chứng cứ trong những trường hợp cần thiết theo quy định của pháp luật; tăng cường phối hợp với các cơ quan hữu quan nhằm giải quyết tốt vụ án.

 Các Tòa án đã chủ động phối hợp với VKS và Cơ quan THADS cùng cấp rà soát các bản án dân sự chưa thi hành để xác định trách nhiệm giữa các cơ quan và xử lý các vấn đề thuộc trách nhiệm của Tòa án. Công tác hòa giải tiếp tục được chú trọng và thực hiện có hiệu quả, qua đó đảm bảo việc giải quyết vụ án được nhanh chóng, kịp thời, góp phần củng cố mối đoàn kết trong nội bộ nhân dân.

Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho hay, nhận thức rõ tầm quan trọng và hiệu quả thực tế của công tác hòa giải, lãnh đạo TANDTC đã chỉ đạo các Tòa án cần tập trung thực hiện tốt công tác này. Thời gian qua, TANDTC đã triển khai thí điểm việc đổi mới, tăng cường hoà giải, đối thoại trong giải quyết các vụ án dân sự và hành chính tại Hải Phòng. Theo đó, thành lập các Trung tâm hòa giải tại Tòa án. Các trung tâm này có Giám đốc là Chánh án hoặc Phó Chánh án của Tòa án đó, một số cán bộ giúp việc là công chức của Tòa án và các hòa giải viên. Các hòa giải viên được lựa chọn từ các Thẩm phán, Kiểm sát viên, Điều tra viên đã nghỉ hưu, là những người có kinh nghiệm hòa giải cũng như kiến thức pháp luật và một số luật sư. Khi các vụ án dân sự, hành chính được khởi kiện đến Tòa án, thì Tòa án xem xét và những vụ việc được quyền hòa giải theo quy định của pháp luật sẽ được chuyển sang Trung tâm hòa giải để tiến hành hòa giải trước khi mở thủ tục tố tụng.

Việc thí điểm tổ chức Trung tâm hòa giải, đối thoại tại Hải Phòng và với kết quả đạt được cũng như vai trò, ý nghĩa quan trọng mà việc hòa giải, đối thoại thành mang lại, hiện nay, Tòa án nhân dân tối cao tiếp tục triển khai mở rộng thí điểm mô hình này tại 16 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; đã xây dựng Đề án “Đổi mới, tăng cường hòa giải và đối thoại trong quá trình giải quyết các vụ án dân sự, hành chính” trình các cấp có thẩm quyền xem xét để nhân rộng mô hình này trong toàn quốc, đồng thời cũng đang xây dựng dự thảo Luật hòa giải, đối thoại ngoài tố tụng tại Tòa án để làm cơ sở pháp lý cho việc triển khai thực hiện. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chánh án Nguyễn Hòa Bình: Tòa án xét xử kịp thời, nghiêm minh nhiều vụ án tham nhũng lớn