Chánh án Nguyễn Hòa Bình: Đề nghị Quốc hội ghi nhận ý kiến đại biểu về vấn đề biên chế của Tòa án

Thu Vân| 31/10/2018 21:32
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Số lượng công việc tăng lên gấp đôi, trong khi theo kế hoạch đến năm 2021 sẽ giảm 1200 biến chế, ngành Tòa án sẽ giải bài toán này ra sao, là một trong những vấn đề ĐBQH quan tâm chất vấn Chánh án Nguyễn Hòa Bình, tại phiên chất vấn chiều 31/10.

Áp lực đặt lên vai các Thẩm phán ngày càng lớn

Đại biểu Lưu Minh Đức (Đoàn Đắc Lắk) hỏi: Thời gian qua việc tồn đọng các loại án tại Tòa án các cấp rất lớn, đặc biệt án giám đốc thẩm, tái thẩm. Nhưng theo tinh giảm biên chế như trên có hoàn thành nhiệm vụ của ngành, có đảm bảo chất lượng giải quyết các loại án và tồn đọng các loại án trong thời gian tới không?

Chánh án Nguyễn Hòa Bình: Đề nghị Quốc hội ghi nhận ý kiến đại biểu về vấn đề biên chế của Tòa án

Chánh án Nguyễn Hòa Bình trả lời chất vấn trước Quốc hội

Trả lời câu hỏi của đại biểu Lưu Minh Đức, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết, đúng là số lượng công việc của TAND các cấp ngày càn tăng, hàng năm tăng 9%. Kể từ thời điểm năm 2012, Quốc hội phân cho ngành Tòa án là hơn 15 nghìn biên chế, cho đến nay sau 6 năm, số lượng công việc đã tăng lên gấp đôi. 

Trong khi biên chế không được tăng, thậm chí là bị giảm. Theo kế hoạch từ nay đến năm 2021, ngành Tòa án phải giảm 1200 người. "Đây là một áp lực rất lớn, nói không phải áp lực thì là không đúng", Chánh án chia sẻ thẳng thắn.

Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết: Trước thực tế này, TANDTC một mặt tuân thủ Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tinh giản biên chế, tiếp tục triển khai chủ trương này trên thực tế, đồng thời động viên cán bộ cố gắng hoàn thành nhiệm vụ. Điều này cho thấy áp lực đặt lên vai các Thẩm phán ngày càng lớn, với thực tế này thì việc quá tải là điều nhìn thấy trước.

Chánh án cho biết, TANDTC cũng đã đưa ra những giải pháp lâu dài, hay tìm các biện pháp thay thế, ví dụ như xây dựng Đề án đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết các vụ án dân sự, hành chính. Đề án này đã được triển khai thí điểm ở 16 tỉnh, thành phố và trong tương lai sẽ triển khai trên toàn quốc. 

Nếu như được Quốc hội chấp nhận Đề án này như một chế định hòa giải trước tố tụng thì số lượng các vụ án dân sự phải đưa ra xét xử sẽ giảm đi. Đây là một giải pháp rất căn cơ nhằm giảm tải cho Tòa án.

Mặc dù vậy, theo quy định thì ngành Tòa án từ nay đến năm 2021 sẽ vẫn phải giảm 1200 biên chế, tuy nhiên với tình hình hiện nay, Chánh án Nguyễn Hòa Bình đề nghị Quôc hội ghi nhận ý kiến của đại biểu, cho phép ngành Tòa án không phải giảm số biên chế này.

Khi tuyên án treo, dư luận thường đặt ra câu chuyện có tiêu cực hay không

Chất vấn Chánh án Nguyễn Hòa Bình về nhiều trường hợp bị cáo đủ điều kiện được hưởng án treo nhưng Tòa án vẫn xử tù giam, ĐBQH Nguyễn Chiến (Hà Nội) nêu vấn đề: "Ngành Tòa án có tổ chức kiểm tra án giam hay chưa và hướng khắc phục tồn tại này như thế nào?".

Chánh án Nguyễn Hòa Bình: Đề nghị Quốc hội ghi nhận ý kiến đại biểu về vấn đề biên chế của Tòa án

ĐBQH Nguyễn Chiến (Đoàn Hà Nội) chất vấn tại hội trường

Trả lời câu hỏi này, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết, chế định án treo quy định trong luật được xem như là chế định nhân đạo ứng xử với hành vi vi phạm pháp luật. Chủ trương của Đảng trong Nghị quyết 49 là giảm hình phạt phạt tù, tăng hình phạt không giam giữ. Thực tế, ở các nước, hình phạt không giam giữ chiếm khoảng 60%, còn Việt Nam trong nhiều năm án treo chiếm dưới 20%, năm 2018 là 23%.

Chia sẻ với các kiểm sát viên khi đề nghị truy tố, hay các Thẩm phán khi tuyên án treo thì dư luận xã hội thường đặt ra câu chuyện có tiêu cực hay không, Chánh án Nguyễn Hòa Bình nêu rõ, “một số trường hợp đủ điều kiện hưởng án treo, nhưng các công tố viên hay Thẩm phán, để bảo đảm an toàn thường không áp dụng hình phạt này" Chánh án nói.

Trước tình hình trên, Hội đồng Thẩm phán đã có Nghị quyết để khắc phục, đồng thời tập huấn theo hướng những vụ án người phạm tội lấy đồng tiền làm phương tiện và mục đích phạm tội như đánh bạc, lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm thì hình phạt tiền, cải tạo không giam giữ là chính.

"Dù hướng dẫn như vậy, nhưng khi đi kiểm tra, không chỉ ở ngành dọc mà các cơ quan giám sát của Quốc hội cũng đặt vấn đề án treo có vấn đề gì không, nên anh em nghi ngại", Chánh án Nguyễn Hòa Bình chia sẻ thẳng thắn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chánh án Nguyễn Hòa Bình: Đề nghị Quốc hội ghi nhận ý kiến đại biểu về vấn đề biên chế của Tòa án