Chàng trai tìm lại giọng nói sau 2 năm đứt khí quản thở

Chí Tâm| 29/06/2018 11:21
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Thông tin từ Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM cho biết, bệnh viện vừa phẫu thuật giải thoát tình trạng sẹo hẹp khí quản cho một bệnh nhân người Campuchia.

PGS.TS Trần Phan Chung Thủy - Giám đốc Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM cho hay, cách đây 2 năm, chàng trai 28 tuổi người Campuchia trong lúc chạy xe đi giao chổi cho khách thì không may vướng vào sợi dây thép ở công trình xây dựng.

Sợi dây cắt ngang cổ anh khiến bị đứt khí quản. Khi được đưa vào bệnh viện cấp cứu, bác sĩ đã mở khí quản cấp cứu. Cũng từ đó, anh phải sống với chiếc với ống giúp thở ở cổ.

Được người quen giới thiệu, anh tìm đến Bệnh viện Tai Mũi Họng với mong muốn được rút ống thông mở khí quản để có thể thở và nói chuyện như bình thường.

Chàng trai tìm lại giọng nói sau 2 năm đứt khí quản thở

BS Thủy kiểm tra vết mổ của bệnh nhân

Sau khi làm các xét nghiệm, bác sĩ phát hiện bệnh nhân bị sẹo hẹp khí quản, di chứng từ tai nạn. Kết quả nội soi thanh khí quản cho thấy, anh bị sẹo hẹp bít tắc hoàn toàn khí quản, chỗ bít tắc cách thanh môn khoảng 25 mm, không có đường thông.

Ekip phẫu thuật cắt đoạn bị hẹp 5cm, bóc tách kéo hai đầu khí quản nối vào với nhau, khâu chỉ và nối lại. Ngày thứ 2 sau mổ, bệnh nhân được rút nội khí quản, đến ngày thứ 3 rút ống dẫn lưu, ngày thứ 7 rút ống nuôi ăn và khâu đóng cơ da.

Sau mổ bệnh nhân phải tiến hành âm ngữ trị liệu, tập nuốt, tập nói vì 2 năm qua thanh quản không hoạt động. Hiện bệnh nhân có thể ăn theo đường miệng và phát âm được, thở theo đường mũi họng.

“Đây là trường hợp khó do chấn thương đứt khí quản bị bỏ quên gây bít hẹp hoàn toàn khí quản. Đoạn sẹo hẹp lại gần sụn nhẫn nên gây khó khăn cho quá trình phẫu thuật. Sử dụng phương pháp cắt nối khí quản tận – tận sẽ giúp bệnh nhân trở về cuộc sống sinh hoạt bình thường. Đây cũng là lần đầu tiên Bệnh viện Tai Mũi Họng tiến hành cắt nối tận – tận”, bác sĩ Thuỷ nói.

Theo bác sĩ Thủy trong trường hợp này, nếu bệnh nhân không cắt nối khí quản sớm dễ dẫn đến nhiễm trùng, viêm phổi nặng và có thể phát sinh một số bệnh mạn tính nguy hiểm khác. Quan trọng hơn là bệnh nhân sẽ không nói được, ảnh hưởng rất nhiều trong cuộc sống hằng ngày.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chàng trai tìm lại giọng nói sau 2 năm đứt khí quản thở