Bị dị tật bẩm sinh khiến đôi chân bị co rút, teo tóp, đi lại khó khăn, nhưng bằng nghị lực của bản thân, anh Trần Phúc Sơn (ở xóm 4, xã Tiến Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An) đã nỗ lực vươn lên để có được "trái ngọt" như ngày hôm nay.
Cậu bé khuyết tật giàu nghị lực
Trần Phúc Sơn (SN 1989) là con út trong gia đình có 3 anh chị em. Lúc mới lọt lòng Sơn cũng bình thường như bao đứa trẻ khác. Tuy nhiên, nuôi mãi cũng không thấy Sơn chập chững bước đi khiến bố mẹ anh hết sức lo lắng.
Gom góp được chút tiền dắt lưng, gia đình đưa Sơn đi khám bệnh ở thành phố Vinh thì mới biết con mình bị dị tật bẩm sinh nên đôi chân không phát triển được.
Đến tuổi đi học, nhìn thấy các bạn được cắp sách tới trường, Sơn cũng khao khát được đi học, được chạy nhảy, trêu đùa khắp nơi, nhưng không thể. Nhiều lúc sự tự ti, mặc cảm trước thân hình không được bình thường của bản thân, khiến Sơn hụt hẫng, chán nản, buông xuôi.
Vợ chồng anh Sơn, chị Tứ cảm thấy hạnh phúc khi có cô con gái nhỏ.
Nhiều lần thấy con như vậy, bố mẹ Sơn lại động viên, khích lệ tinh thần, rồi anh chị và chúng bạn cùng trang lứa như tiếp thêm cho Sơn động lực để đứng dậy bước tiếp. Sơn dần lấy lại được tinh thần và quyết tâm theo chúng bạn đến trường học con chữ.
Không thể đi lại được bằng đôi bàn chân như người bình thường, hàng ngày Sơn gắng gượng để đi trên 10 đầu ngón chân và sự trợ giúp của đôi tay. Đồng cảm với Sơn trên con đường đến trường gian nan vất vả, nên hôm nào đi học Sơn cũng được các bạn ở lớp đèo đi cùng, vì thế bố mẹ anh cũng yên tâm phần nào.
Cứ vậy Sơn cũng hoàn thành xong chương trình cấp 2 rồi phải dừng lại, phần vì việc đi lại ngày càng khó khăn, trường lại xa nhà, phần vì gia đình cũng nghèo khó, cha mẹ phải vất vả để nuôi 3 anh chị em Sơn.
Học hết cấp 2, Sơn cùng bố vào Trung tâm chỉnh hình và phục hồi chức năng ở Nghệ An để khám lại và trải qua hai lần phẫu thuật đôi chân. Lúc này, Sơn luôn suy nghĩ muốn tìm công việc nào đó để làm, vừa có thể lo cho bản thân mình, vừa bớt đi gánh nặng cho bố mẹ.
“Biết bao suy nghĩ, trăn trở để tìm hướng đi cho mình, làm công việc gì cho phù hợp, hay phải bắt đầu từ đâu? Khi chúng bạn cùng trang lứa, đứa thì đi học, đứa đã đi làm ở xa phụ giúp gia đình hoặc đi xuất khẩu lao động. Mỗi lần như vậy, nhìn xuống đôi chân teo tóp dần của mình, em lại ứa nước mắt, chỉ muốn được lành lặn bình thường”, Sơn ngậm ngùi nhớ lại.
Thành quả của sự kiên trì tập luyện sau quãng thời gian 2 năm ở nhà và sự may mắn sau 2 ca phẫu thuật thành công là Sơn đã di chuyển được những “bước đi” gọn gàng và dễ dàng hơn, người có thể đứng thẳng nên việc di chuyển cũng đỡ mỏi hơn.
Vốn ham học hỏi, lại sáng dạ, Sơn ở nhà tự mày mò, tìm tòi rồi sửa chữa một số đồ điện bị hỏng trong gia đình, lúc thì ấm đun nước, lúc thì nồi cơm điện, hay cái bếp gas…
Những đồ vật bị hỏng đó qua bàn tay của Sơn đều có thể tiếp tục sử dụng được ngon lành. Từ việc sửa đồ để giải khuây, Sơn mê đồ điện lúc nào không hay biết, nên ai hỏng đồ vật gì, hễ nhờ đến là Sơn lại ra tay “bắt bệnh”.
Cửa hàng sửa chữa đồ điện dân dụng đơn sơ nhưng đã giúp anh cưới được vợ.
Lấy đó làm động lực, Sơn tự nhủ bản thân mình cần phải cố gắng học hỏi nhiều hơn nữa để có thể mở cửa hàng sửa chữa đồ điện cho mọi người.
Năm 2016, Sơn chính thức làm “ông chủ” với cửa hàng phía trước nhà do bố mẹ đầu tư, đó là cửa hàng sửa chữa đồ điện dân dụng khá đơn sơ, không có bảng biển trên con đường nhỏ của xóm.
Cảm phục trước sự thông minh và “tay nghề” của Sơn, đồng thời cũng thương cảm cho hoàn cảnh của chàng trai trẻ, nên bà con lối xóm ai có đồ gì hỏng cũng mang tới ủng hộ.
Sửa lâu cũng thành quen, khách đến với Sơn ngày một nhiều hơn vì sự “uy tín” và “giá mềm”. Trong số những khách hàng thường xuyên mang đồ điện bị hỏng đến sửa có bố của chị Trần Thị Tứ (1992), vợ của Sơn bây giờ.
Nên duyên nhờ mai mối từ vị khách “đặc biệt”
Khác với hoàn cảnh Sơn, chị Trần Thị Tứ (trú ở xã Mã Thành huyện Yên Thành) ở cách nhà Sơn chừng 1km, là người con gái hiền dịu, nết na vì thế nên được nhiều chàng trai để ý tới.
Đến tuổi lấy chồng, dù cũng được người này người kia mai mối giới thiệu, nhưng vì chưa tìm được người thương nên chị cũng chưa nghĩ tới hạnh phúc riêng. Rồi bất ngờ chị được bố mẹ mình mai mối cho Sơn.
Chị Tứ nhớ lại: “Tháng 3/2020, em được bố mẹ giới thiệu cho anh Sơn, mới đầu em cũng ngạc nhiên lắm, nhưng cũng gật đầu “chiều” theo ý gia đình. Không ngờ qua những lần nhắn tin, rồi trò chuyện với anh Sơn, em cảm nhận được sự chân thành từ anh, dù bệnh tật của anh lúc đó là một trở ngại rất lớn để em phải cân nhắc, suy nghĩ”.
Lâu dần, tình cảm dành cho nhau ngày một lớn hơn. Đồng cảm với hoàn cảnh của Sơn, chị Tứ cảm động trước nghị lực và ý chí vươn lên trong cuộc sống của người đàn ông ấy nên chị lại càng thương anh hơn.
Nhờ “tài lẻ” và sự đồng cảm với ông chủ, nên cửa hàng được nhiều người đến ủng hộ hơn.
Sau 9 tháng làm quen, cả hai quyết định đi tới hôn nhân. Đôi trẻ nhận được sự đồng ý từ hai bên gia đình và nhiều lời chúc phúc tốt đẹp khác của anh em, bạn bè.
Anh Sơn xúc động nhớ lại: “Nhờ có vị khách “đặc biệt” giới thiệu và cho số điện thoại của con gái ông, mà em mới lấy được vợ, chứ trước giờ em cũng không dám đi đâu, không màng nghĩ tới hạnh phúc riêng cho mình, cũng vì sự mặc cảm, tự ti của bản thân”.
Tình yêu đơm hoa, kết trái, niềm vui như được nhân lên khi chị Tứ sinh được cô con gái đầu lòng một năm sau đó, nay con gái đã tròn 1 tuổi, kháu khỉnh, dễ thương.
Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, vất vả nhưng trong ngôi nhà nhỏ ấy, luôn tràn ngập tình yêu thương mà anh chị dành cho nhau, có lẽ với anh chị lúc này, có cô con gái bé nhỏ và một cửa hàng sửa chữa đồ điện để mưu sinh, cũng đủ đong đầy hạnh phúc và yêu thương.