Xuất thân từ con nhà nông, nhưng với niềm đam mê robot ngay từ khi mẫu giáo, Huy đã nhặt đồ chơi hỏng của bạn mình vứt đi đem về nghiên cứu và tái chế thành những món đồ chơi riêng của mình.
Ước mơ trở thành lập trình viên
Niềm đam mê đó ngày một cháy bỏng hơn khi bước vào cấp 3 Huy bắt đầu học lập trình, cơ hội nghiên cứu nhiều hơn về robot, cũng như biết được cách lập trình ra một con robot như thế nào. Cộng thêm vào đó Huy chứng kiến cảnh cơ cực của người khuyết tật tay, những di chứng của chiến tranh để lại ở ngay quê nhà nó khó khăn như thế nào, chính vì vậy dự án “Cánh tay robot cho người khuyết tật ra đời”.
Với dự án “Cánh tay robot cho người khuyết tật”, chàng trai xứ Quảng đã thuyết phục được hội đồng giám khảo tại “Hội thi khoa học kỹ thuật cấp Quốc gia dành cho học sinh trung học năm học 2016 đồng thời dành ngôi vị quán quân để được sang Mỹ tham dự hội thi quốc tế.
Phạm Huy nhận bằng khen và phần thưởng từ Bộ GD-ĐT. Ảnh Ngô Chuyên.
Để thuyết phục được ban giám khảo quốc tế, Phạm Huy đã biết tận dụng những hạn chế mà các dự án tương tự của thế giới không làm được bằng chiến lược: giá thành rẻ và tính nhân văn cao trong dự án của mình.
Huy chia sẻ thêm: “Tuy đề tài của em không hoàn toàn vượt xa về mặt công nghệ nhưng nó có thể khắc phục được những nhược điểm mà các sản phẩm tương tự không làm được. Ví dụ như nó có thể phục vụ cho người bị mất hoàn toàn hai tay, có giá thành rẻ, mang tính nhân văn. Nhất là rất hữu ích với những quốc gia có chiến tranh như chúng ta”.
Bên cạnh đó, “robot dành cho người khuyết tật” của Huy có thể dùng chân để điều khiển tay, "bởi vì chân là một bộ phận độc lập của cơ thể người và người khuyết tật có thể sử dụng hai bàn chân để điều khiển đồng thời hai bàn tay một lúc hoàn toàn độc lập với nhau", Huy chia sẻ thêm.
Kết thúc hành trình gian nan để chinh phục niềm đam mê của mình, Phạm Huy quay về với cuộc sống thường ngày, quay về với những dự định cho dự án của mình.
Huy tâm sự: “Hiện tại đây chỉ mới là phiên bản thử nghiệm để mang dự thi, giờ về em sẽ tiếp tục phát triển cánh tay robot bằng cách nâng cấp các phần công nghệ để khiến nó nhỏ gọn hơn, thông minh hơn và tiết kiệm giá thành một cách tối đa nhất. Bên cạnh đó, em sẽ tham gia các hoạt động xã hội, hướng dẫn cho các bạn năm sau tham gia các cuộc thi đồng thời thực hiện ước mơ trở thành lập trình viên của mình”.
Nhiều lần ngăn cản nhưng không thành
“Từ nhỏ, Huy là đứa con ngoan, được các thầy cô tạo cơ hội để học tập cũng như nghiên cứu. Còn trong nhà, không ai đào tạo cũng như định hướng hay có đam mê nghiêm cứu robot cả”, đó là chia sẻ của chị Nguyễn Thị Niềm – mẹ của chàng trai cánh tay robot.
Sau cuộc thi, Phạm Huy sẽ hoàn thiện dự án của mình làm sao cho tiết kiệm tối đa chi phí nhất. Ảnh P.H.
Theo lời kể của chị Niềm, trước đó, thấy Huy quá đam mê vào robot chị và chồng đã nhiều lần ngăn cản, không cho Huy tiếp xúc nhiều với robot bởi vì sợ Huy mải miết nghiên cứu mà ảnh hưởng đến việc học hành. “Tuy nhiên niềm đam mê ngấm trong máu ngay từ bé khiến gia đình cũng phải “bó tay”, chị Niềm tâm sự.
“Nó ăn robot, ngủ robot, mọi lúc, mọi nơi. Nhà không có điều kiện, nó tự cóp nhặt từ tiền quà để mua, có cái thì lượm nhặt từ đồ chơi thải loại của con người ta vứt đi về tự làm đồ chơi cho mình”, chị Niềm kể lại.
Con đường đam mê của Huy càng cháy bỏng hơn khi em đạt quán quân Hội thi khoa học kỹ thuật cấp Quốc gia. Thế nhưng, 2 lần phỏng vấn xin visa không thành công khiến cho cả gia đình mất ăn, mất ngủ.
Chị Niềm kể lại: “Khi biết con không được cấp visa trong nhà không ai ăn cơm nổi, không phải vì sợ hết cơ hội mà là thấy con đam mê, bỏ nhiều công sức nghiên cứu quá giờ không được đi thi, nó buồn cả nhà buồn theo”.
“Giờ đây, khi Huy đã trưởng thành, ước mơ của con trở thành một lập trình viên, chính vì vậy gia đình chúng tôi chỉ biết động viên, tạo mọi điều kiện tối đa để con có thể hoàn thành ước mơ cũng như những dự định của mình”, chị Niềm trải lòng.