Sau ba lần phỏng vấn, chàng trai cánh tay robot xứ Quảng đã nhận được visa đi sang Mỹ tham dự cuộc thi Khoa học Kỹ thuật quốc tế. Theo thông tin mới nhất, dự án “cánh tay robot cho người khuyết tật” đã xuất sắc giành giải Ba.
Được biết, trong lần tham dự này, đoàn Việt Nam đạt 5 giải, trong đó dự án “cánh tay cho người khuyết tật" đạt giải cao nhất được Ban Tổ chức cuộc thi Khoa học Kỹ thuật quốc tế (Intel ISEF 2017) trao tặng vào rạng sáng ngày 20.5 (giờ Việt Nam), Phạm Huy, học sinh lớp 11 Trường THPT thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị - tác giả của tác phẩm "cánh tay robot" - đã xuất sắc đạt giải 3.
Chia sẻ về niềm vui đó, bà Lê Thị Hương - Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Trị nói: "Không biết nói gì hơn, chúng tôi tự hào vì Phạm Huy đã làm tốt phần thi của mình và đem niềm vui về cho đất nước, cho Quảng Trị".
Phạm Huy với cánh tay giả robot tự chế giá rẻ cho người nghèo, đoạt giải nhất quốc gia khu vực phía Bắc. Ảnh: H.T
Trước đó, như Báo Công lý đã đưa tin Phạm Huy là tác giả của đề tài “Cánh tay robot cho người khuyết tật”, đạt giải quán quân của Hội thi khoa học kỹ thuật cấp Quốc gia dành cho học sinh trung học năm học 2016 khu vực phía Bắc do Bộ GD-ĐT và UBND tỉnh Phú Thọ tổ chức.
Tháng 4 vừa qua, Bộ GD-ĐT có quyết định cử 2 thành viên tại Quảng Trị là em Phạm Huy (học sinh lớp 11, trường THPT Quảng Trị) và giáo viên hướng dẫn Lê Công Long (35 tuổi) tham dự cuộc thi này, với đề tài “Cánh tay robot cho người khuyết tật’.
Ngay sau khi biết tin Huy được Bộ GD-ĐT cử đi thi ở Mỹ, Sở GD-ĐT Quảng Trị đã tham mưu cho UBND tỉnh Quảng Trị xuất một khoản kinh phí chừng 250 triệu đồng để Huy và giáo viên hướng dẫn qua Mỹ tham gia cuộc thi. Tuy nhiên, sau khi phỏng vấn xin visa ở Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội Huy bị từ chối.
Sau lần đầu bị từ chối, Sở GD-ĐT Quảng Trị đã phối hợp với Sở Ngoại vụ Quảng Trị gửi đề nghị đến Đại sứ quán Mỹ xin được cấp visa, đồng thời cam kết “thầy và trò trở về Quảng Trị sau khi kết thúc cuộc thi theo đúng chương trình, từ ngày 12 đến 22/5”, nhưng không nhận được sự đồng ý của Đại sứ quán Mỹ.
Chia sẻ về cảm xúc khi nhận được điện thoại từ Đại sứ quán Mỹ gọi đi phỏng vấn lần 3, Phạm Huy nói trong nghẹn ngào: “Được tạo cơ hội phỏng vấn một lần nữa thực sự em cảm thấy mình rất may mắn, song cảm giác vẫn rất run và lo lắng vẫn còn trong em. Nhưng em sẽ cố gắng hết sức để cuộc phỏng vấn được suôn sẻ và có cơ hội sang Mỹ so tài tại cuộc thi Intel ISEF cùng các bạn trên thế giới”.
“Nếu qua được cuộc phỏng vấn này, em sẽ được tạo điều kiện tối đa để làm visa ngay trong ngày cho kịp chuyến bay sang Mỹ vào buổi tối. Cơ hội đến với em chỉ một lần nữa nên em phải cố hết sức”, Huy trải lòng.
Sau gần 1 tiếng phỏng vấn trong lần 3, Phạm Huy đã nhận được visa của Đại sứ quán để sang Mỹ dự thi.