Chấn thương do chơi thể thao phải được điều trị đúng hướng

Thảo Nguyên| 07/04/2019 10:03
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Mỗi ngày Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tiếp nhận 20 người đến khám do chấn thương thể thao, phần lớn phải phẫu thuật.

Người bệnh "cố thủ” tự điều trị

PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh - Phó Viện trưởng Viện Chấn thương chỉnh hình (Bệnh viện Việt Đức) cho biết, trong những năm gần đây, bệnh viện tiếp nhận khá nhiều trường hợp bệnh nhân tới thăm khám do chấn thương thể thao (chiếm gần 50%).

Đáng lưu ý là nhiều bệnh nhân đến viện trong tình trạng muộn, hoặc do người bệnh chủ quan. PGS Khánh chia sẻ về một trường hợp người bệnh 37 tuổi (ở Hà Nội) bị đau cổ chân sau chơi bóng đá, rồi bôi dầu, đắp lá. Nhưng do đau dai dẳng nên gần một năm sau mới đi khám bác sĩ.

Kết quả chụp cộng hưởng từ tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho thấy hình ảnh tổn thương sụn xương sên ở cổ chân. Người gặp chấn thương xương sên sẽ rất khó khăn khi vận động. Vùng cổ chân có thể bị sưng tấy, khó cử động khớp cổ chân linh hoạt... Người bệnh được mổ nội soi, điều trị tổn thương. Sau mổ hết đau, biên độ vận động được cải thiện, sau vài tuần bệnh nhân có thể quay trở lại sinh hoạt bình thường.

Hay như trường hợp thanh niên 25 tuổi (ở Hà Nội) thường xuyên đá bóng, bị chấn thương lật cổ chân nhiều lần, giảm hoạt động thể thao cách đây 3 tháng, đã điều trị tại nhà và châm cứu. Bệnh nhân vẫn tiếp tục đau tăng lên và không thế đá bóng nữa. Qua thăm khám các bác sĩ chẩn đoán anh bị tổn thương sụn và dây chằng delta cổ chân. Bệnh nhân có chỉ định mổ nội soi để giải quyết thương tổn.

Chấn thương do chơi thể thao phải được điều trị đúng hướng

Các bác sĩ đang khám cổ bàn chân cho một trường hợp có dấu hiệu chấn thương

Theo PGS Khánh, bệnh nhân bị chấn thương thể thao nhiều nhất ở lứa tuổi từ 20-40 tuổi. Bất cứ môn thể thao nào cũng có thể gây nên các chấn thương như bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ, tennis, thậm chí là tập yoga…

Nhiều bệnh nhân sau khi bị chấn thương do chơi thể thao, cảm thấy căng, đau mỏi… còn tìm đến điều trị  bằng massage, châm cứu, giác hút, ngải cứu… đây là cách điều trị không đúng. Có bệnh nhân bị chấn thương khớp gối, phần mềm sưng nề, đang có máu tụ trong khớp mà người bệnh lại xoa bóp bằng mật gấu, chườm nóng khiến đầu gối càng sưng hơn, càng gây chảy máu nhiều hơn. Hay như sau tập thể thao bị căng cơ quá mức, đau cột sống thắt lưng, thoát vị đĩa đệm cấp  lại tìm đến các thầy lang để …. kéo, nắn, giật sẽ làm bệnh càng nặng thêm.

Do vậy, khi đến viện thường đã bị chấn thương lâu, để lại những biến chứng đáng tiếc như rách sụn chêm thứ phát, mòn sụn, làm giảm tuổi thọ của khớp…

"Nhiều trường hợp để lại những biến chứng đáng tiếc như rách sụn chêm thứ phát, mòn sụn, làm giảm tuổi thọ của khớp...", PGS Khánh nói.

Lời khuyên của bác sĩ giúp người chơi thể thao tránh gặp chấn thương

PGS Khánh cho biết, nguyên nhân gây ra chấn thương có thể là do người tập không khởi động kỹ, tập luyện không phù hợp với thể trạng và sức khỏe của bản thân, vừa vào tập đã tập với cường độ cao, thời gian dài…

Để hạn chế hệ lụy gây ra do chấn thương sau khi chơi thể thao, Phó Viện trưởng Viện Chấn thương chỉnh hình khuyến cáo, người muốn chơi thể thao cần hiểu rõ sức khỏe, ngưỡng chịu đựng của bản thân, lựa chọn môn thể thao phù hợp. Nếu người chơi thể thao mắc một số bệnh như loãng xương bệnh lý, người bị viêm khớp dạng thấp, người bị gút lâu năm dễ gặp chấn thương, những người này cần có sự tư vấn của bác sĩ, lựa chọn môn thể thao phù hợp nếu không muốn bệnh nặng thêm. Vì người loãng xương khi tập vận động không phù hợp dễ bị gãy xương, người mắc bệnh khớp khi gặp chấn thương có thể khiến tổ chức quanh khớp bị biến dạng, người bị gút lâu năm, axit uric lắng đọng ở cơ làm giảm sợi collagen dễ bị tai nạn khi tập….

Bên cạnh đó, người tập thể thao cần khởi động kỹ trước khi tập, nhất là những bộ phận chịu tác động lực khi tập, tập với cường độ từ ít đến nhiều, từ dễ đến khó tùy theo ngưỡng chịu đựng của mỗi người. 

Khi thấy có biểu hiện bất thường nên đến khám tại các bệnh viện có trang thiết bị y tế hiện đại và đội ngũ bác sĩ có chuyên môn để được thăm khám và điều trị kịp thời. Không nên chủ quan, tự ý đi mua đơn thuốc về dùng hoặc dùng thuốc lá, thuốc nam không rõ nguồn gốc đắp, hoặc xoa bóp. Một số trường hợp tìm đến các thầy lang để… kéo, nắn, giật rất nguy hiểm, gây khó khăn cho quá trình điều trị của bác sĩ về sau.

Hiện nay, các phương pháp phẫu thuật nội soi khớp ít xâm lấn dần thay thế phẫu thuật mở trong điều trị các chấn thương và chấn thương thể thao. Phương pháp này giúp chẩn đoán chính xác các thương tổn, độ chính xác lên tới 100%; xử trí nhanh trong phẫu thuật; phẫu thuật ít xâm lấn; bệnh nhân ít đau, hạn chế tổn thương phần mềm xung quanh, sau mổ người bệnh có thể vận động sớm...

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chấn thương do chơi thể thao phải được điều trị đúng hướng