Thấy ở vùng quê nghèo quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” nhưng cuộc sống không khấm khá được, ông bà Đỗ Văn Bá (ngụ Vĩnh Long) đành xa nhà làm mướn mưu sinh.
Ông bà Bá không ngờ, đứa con trai cũng bỏ bê ruộng vườn, đi theo đám bạn xấu hành nghề “đạo chích” gần nhà. Chỉ đến khi con vướng vòng lao lý nhưng không chịu hối cải, ông bà mới nhận ra rằng, mình đã đánh mất giá trị lớn nhất…
Phiên tòa xét xử Đỗ Văn Đào (19 tuổi) về tội “Trộm cắp tài sản” diễn ra trong nước mắt hối hận của người mẹ bị cáo. Suốt quá trình khai nhận hành vi, Đào luôn cúi mặt vì xấu hổ và tỏ thái độ thành khẩn khi nhắc lại chuỗi ngày phạm tội vì tính lười nhác lại được tự do “bay nhảy” khi không có cha mẹ bên cạnh. Theo hồ sơ vụ án, Đào sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, hoàn cảnh khó khăn nên Đào không được học hành, không được đào tạo nghề nghiệp. Cha mẹ Đào thường xuyên vắng nhà đi làm thuê ở các tỉnh thành lân cận nên ít có thời gian gần gũi, giáo dục đứa con đang tuổi trưởng thành.
Khi nhận thức pháp luật thấp lại lười lao động, Đào dần dà sống theo kiểu “ngưu tầm ngưu…”, y tụ tập với đám thanh niên hư hỏng và lao theo con đường trộm cắp lấy tiền tiêu xài. Hậu quả của lối sống sai lầm là Đào từng phải ra Tòa và lãnh án về tội “Trộm cắp tài sản”. Khi con phạm tội lần đầu, lẽ ra bố mẹ Đào phải gần gũi, giúp con tránh xa môi trường xấu để hoàn lương. Tuy nhiên, sau khi Đào mãn hạn tù một thời gian, bố mẹ Đào lại tặc lưỡi “chắc nó biết sợ rồi” nên tiếp tục khăn gói xa nhà đi làm thuê.
HÌnh minh họa
Trong ấp Đào sinh sống, ông Trần Văn Nhật sống đơn thân có vẻ khấm khá hơn những gia đình khác. Dịp hè năm 2014, ông Nhật khóa cửa cẩn thận rồi lên TP. Hồ Chí Minh thăm người thân. Thời gian này, Đào vừa mãn hạn tù nhưng suốt ngày đi qua đi lại căn nhà vắng chủ, máu tham lam trong người lại trào lên. Trong một đêm vắng, Đào “đấu tranh tư tưởng” mãi nhưng cuối cùng, y tặc lưỡi leo sang nhà láng giềng cạy khóa đột nhập. Đào sục sạo khắp nhà nhưng không phát hiện được gì đáng giá, chỉ có chiếc tủ lạnh là giá trị nhưng một mình Đào không thể khiêng đi được. Đào sực nhớ chiếc lốc máy của tủ lạnh dễ cắt, dễ bán nên y tháo ra đem đến khu nghĩa địa gần nhà để cất giấu, chờ khi có điều kiện mang đi bán lấy tiền tiêu xài.
Vụ trộm được phát hiện khi người thân của ông Nhật đến dọn dẹp nhìn thấy khóa bị phá, đồ đạc bị lục tung. Khi Công an tiến hành điều tra, Đào sợ hãi nên vào nghĩa địa định lấy lốc máy tủ lạnh y đã cất giấu để tẩu tán. Tuy nhiên, Đào đã bị bắt quả tang cùng với tang vật vụ án. Chiếc lốc máy tủ lạnh chỉ có giá trị 100.000 đồng nhưng do Đào đã có một tiền án, mới chấp hành xong hình phạt tù, vừa được trả về địa phương. Vì vậy, Cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án trộm cắp tài sản và khởi tố bị can đối với Đào với tình tiết tăng nặng là tái phạm.
“Vì sao bị cáo đã lãnh một tiền án về tội “Trộm cắp tài sản” nhưng không biết ăn năn, lại tiếp tục tái phạm?”. Trước câu hỏi của vị Thẩm phán, Đào cúi đầu im lặng một lúc rồi quả quyết: “Lần này bị cáo biết lỗi rồi, sau này mãn hạn tù sẽ dứt khoát làm người lương thiện”. Vị Thẩm phán phân tích: “Cuộc sống gia đình bị cáo rất khó khăn, cha mẹ đã phải vất vả xa nhà làm ăn. Bị cáo là một thanh niên trẻ khỏe, lẽ ra phải biết lao động để phụ giúp gia đình. Đằng này, bị cáo lại còn đi trộm cắp khiến cha mẹ đau lòng, xấu hổ với láng giềng”. Ngoài việc giáo dục bị cáo, HĐXX còn nhắc nhở ông bà Đỗ Văn Bá về trách nhiệm đối với con cái. “Nguyên nhân bị cáo sa vào con đường phạm tội có một phần do sự thiếu quan tâm, giáo dục của cha mẹ. Con cái sinh ra không thể bỏ bê, không được lấy lý do cuộc sống khó khăn để thiếu sự dạy dỗ con cái, hướng thiện cho chúng”. Vợ chồng ông Bá ngồi ở hàng ghế dưới rưng rưng nước mắt, thấm thía bài học đắt giá của bản thân.
Vợ chồng ông Bá nhìn đứa con trai bị giải ra xe bít bùng về trại giam trong tâm trạng xót xa. Bài học của gia đình ông Bá cũng là bài học chung cho các bậc phụ huynh. Sự nhận thức, trưởng thành của con cái phụ thuộc rất nhiều vào sự chăm sóc, giáo dục đúng cách của cha mẹ.
(Tên nhân vật đã được thay đổi)