Ho, sổ mũi, nghẹt mũi là bệnh lý thường gặp ở trẻ em, nhất là trong thời điểm giao mùa. Nếu không được điều trị kịp thời sẽ gây khó chịu và ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Vậy cha mẹ cần xử trí như thế nào khi bé thường xuyên bị sổ mũi kéo dài?
Nguyên nhân sổ mũi
Sổ mũi, nghẹt mũi khiến trẻ khó thở, khò khè, bú khó
Sổ mũi, nghẹt mũi khiến trẻ khó thở, khò khè, bú khó…. Sổ mũi do nhiều nguyên nhân như viêm họng, viêm mũi, viêm tiểu phế quản, viêm phế quản, nặng hơn nữa là viêm phổi… Khi trẻ bị viêm mũi, nếu không vệ sinh mũi cho trẻ nếu đúng cách sẽ khiến thuốc khó ngấm, hiệu quả điều trị giảm đáng kể, thậm chí còn làm bệnh tái đi tái lại, kéo dài rất khó điều trị.
Sổ mũi kéo dài, nhất là khi có tình trạng “thò lò mũi xanh” có thể là dấu hiệu của viêm xoang, niêm mạc quanh xoang mũi bị viêm nhiễm. Đây là bệnh nguy hiểm với trẻ vì do đặc điểm thể trạng, xoang trẻ em dễ bị nhiễm trùng lan tỏa và dễ dẫn đến biến chứng nguy hiểm như áp xe mắt, viêm não, nhiễm trùng huyết, viêm tai giữa…
Khi thấy trẻ sổ mũi trên 3 ngày không khỏi, hoặc nước mũi đổi màu, cần đưa đến bác sỹ chuyên khoa để có thăm khám thích hợp. Không nên tự ý dùng kháng sinh.
Điều trị nhanh cho trẻ tại nhà
Ngay khi trẻ có dấu hiệu bệnh, phụ huynh cần tăng cường sức đề kháng cho trẻ bằng cách vệ sinh môi trường xung quanh bé để tạo không gian thoáng, ấm, ít bụi bặm, không khói thuốc, khói bếp… Áp dụng chế độ dinh dưỡng giàu vitamin và khoáng chất (rau, củ, quả), dễ tiêu (nấu nhừ, thay thịt bằng cá, tôm…) và chia làm nhiều lần. Ngoài ra có thể áp dụng các phương pháp dân gian trị cảm như dùng các loại lá tía tô, kinh giới, hành… thái nhỏ vào món cháo của trẻ (nếu trẻ có thể ăn được).
Khi thấy trẻ chảy nước mũi thì nên rửa mũi cho con thường xuyên bằng nước muối sạch (để con nằm nghiêng, bơm xilanh nước muối vào lỗ mũi trên để cho nước muối chảy ra ở lỗ mũi dưới, rồi làm tiếp bên kia tương tự, bơm nhẹ tay và đều nếu trẻ còn nhỏ) và sử dụng các loại thuốc chống tắc mũi vào ban đêm theo hướng dẫn của bác sĩ.
Với biểu hiện ho (khan hoặc có đờm), có thể hấp húng chanh/quất với mật ong cho trẻ uống và có thể cho trẻ dùng các loại siro có tác dụng trị cảm và ho.
Ngăn ngừa sổ mũi cho trẻ
Với những phụ huynh có kinh nghiệm, việc trẻ bị ho, sổ mũi… là chuyện bình thường. Nhưng với những ai lần đầu làm cha mẹ thì bạn sẽ không khỏi lo sợ, bất an khi thấy con đột nhiên bị ốm. Phòng bệnh hơn chữa bệnh, để hạn chế sổ mũi kéo dài ở trẻ thì cha mẹ cần chú ý:
Ngủ đủ thời gian
Nếu thường xuyên bị thiếu ngủ, hệ miễn dịch của bé có thể trở nên chậm chạp và uể oải, khó chiến thắng được vi khuẩn. Thực tế cho thấy 1/3 trẻ em hiện nay không được ngủ đủ thời gian cần thiết. Bé sơ sinh cần được ngủ khoảng 18 giờ/ngày, bé tuổi mẫu giáo từ 12 – 14 tiếng/ngày và bé tiểu học khoảng 11 tiếng/ngày.
Rửa tay thường xuyên
Có 80% các loại bệnh nhiễm trùng lây qua tiếp xúc. Vì vậy, phụ huynh nên tạo cho bé thói quen rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn nhanh.
Giữ nhà sạch sẽ
Luôn giữ nhà cửa sạch sẽ, đặc biệt khi trong nhà có người bị bệnh. Virus có thể sống tới 2h trên bàn ăn, điều khiển tivi, tay vịn cầu thang, nắm đấm cửa.