Vấn đề quan tâm

Cha mẹ "bảo vệ đầu" cho mình, còn con nhỏ… thì "quên"

Trang Nhi 01/11/2024 - 06:49

Cha mẹ, người lớn đội nón bảo hiểm cho mình nhưng lại 'quên' đội cho con trẻ khi ra đường. Khi được hỏi, họ cùng chung lý do là 'buổi sáng vội vã, quên việc đội mũ bảo hiểm cho con'.

Cha mẹ "quên" đội mũ cho con

Chỉ tính riêng từ ngày 1/10-22/10, lực lượng Công an TP. Hà Nội đã xử lý 6.037 trường hợp vi phạm Luật giao thông thuộc nhóm lứa tuổi học sinh, tạm giữ 2.928 phương tiện các loại.
mu-bao-hiem.jpg
Phụ huynh và học sinh không đội mũ bảo hiểm lưu thông trên đường.

Điều đáng nói, trong những ngày qua, lực lượng CSGT nhận thấy tình trạng học sinh tham gia giao thông vi phạm luật đã giảm đáng kể. Trong khi đó, các trường hợp phụ huynh tham gia giao thông, chở theo con em của mình nhưng vi phạm luật giao thông lại tăng cao.

Nhiều trường hợp phụ huynh tham gia giao thông đưa con đi học không đội mũ bảo hiểm bị lực lượng CSGT kiên quyết xử lý. Có phụ huynh khi bị dừng xe kiểm tra, xử lý đã đưa ra nhiều lý do để biện minh cho hành vi vi phạm như quên đội mũ bảo hiểm, không biết quy định trẻ em cũng phải đội mũ hay do nhà gần nên không đội mũ bảo hiểm.

Điều đáng nói, thay vì nhận lỗi và ý thức được hành vi của mình sẽ gây nguy hiểm như thế nào cho chính bản thân và những người xung quanh, nhiều phụ huynh lại có thái độ không đúng mực với lực lượng CSGT đang làm nhiệm vụ vì không thông cảm và bỏ qua lỗi vi phạm cho mình.

mu-bao-hiem-2.jpg
Cha mẹ vẫn không quan tâm đến việc đội mũ bảo hiểm cho con trẻ

Tăng cường đảm bảo an toàn cho trẻ nhỏ

Ông Tạ Đức Giang - Phó Chánh văn phòng Ban ATGT TP Hà Nội đánh giá, việc đội mũ bảo hiểm cho trẻ em đã được nhiều phụ huynh quan tâm hơn, tuy nhiên vẫn còn bộ phận cha mẹ chủ quan và chưa thấy hết tầm quan trọng việc đội mũ bảo hiểm cho trẻ nên thực hiện mang tính đối phó, dẫn tới những hậu quả đáng tiếc.

Trong tư tưởng và hành động của hầu hết cha mẹ đều có ý thức muốn bảo vệ con em mình, vậy nhưng, chiếc mũ bảo hiểm giúp giảm thiểu được chấn thương cho trẻ khi sự cố không may xảy ra lại đang bị xem nhẹ.

Theo ông Hà Đình Bốn, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, trẻ em là một trong những đối tượng yếu thế nhất khi tham gia giao thông và tai nạn giao thông là nguyên nhân gây tử vong thứ hai đối với lứa tuổi 4- 15 tại nước ta nhưng tỷ lệ trẻ em đội mũ bảo hiểm vẫn còn ở mức thấp. Đáng chú ý, có việc hiểu không đúng về trẻ em dưới 6 tuổi không cần đội mũ bảo hiểm; không xử phạt người lớn chở trẻ em dưới 6 tuổi không đội mũ bảo hiểm trên xe máy và cũng chưa có quy chuẩn về mũ bảo hiểm cho trẻ dưới 6 tuổi.

Vì vậy, để đảm bảo an toàn cho trẻ, ông Hà Đình Bốn cho rằng, nên đưa vào dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, quy định mọi người khi tham gia giao thông bằng xe mô tô, xe máy, xe đạp điện phải đội mũ bảo hiểm.

"Đưa vào và tiếp tục khẳng định là tất cả mọi người tham gia giao thông bằng xe mô tô, xe máy, xe đạp điện phải đội mũ bảo hiểm, đó là quy định bắt buộc. Có thể giao Chính phủ và các Bộ quy định rõ quy chuẩn mũ bảo hiểm cho phù hợp để không ảnh hưởng đến sức khỏe trẻ em khi tham gia giao thông. Khi có quy chuẩn thì những nhà sản xuất, kinh doanh cũng có quy định cho họ để họ làm chuẩn mực, phù hợp với thể trạng trẻ em Việt Nam", ông Hà Đình Bốn cho biết.

Luật Giao thông đường bộ 2008 có quy định tất cả người ngồi trên mô tô, xe gắn máy phải đội mũ bảo hiểm nhưng Nghị định 100/2019 quy định về mức xử phạt hành vi không đội mũ bảo hiểm loại trừ trẻ dưới 6 tuổi. Điều này khiến nhiều phụ huynh cho rằng, trẻ dưới 6 tuổi thì không cần đội mũ bảo hiểm còn lực lượng chức năng gặp khó khăn khi xác định độ tuổi để xử lý hành vi này.

Để gỡ khó, cần bổ sung quy định xử phạt người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện, xe đạp điện chở trẻ dưới 6 tuổi không đội mũ bảo hiểm nhằm nâng cao ý thức chấp hành quy định đội mũ bảo hiểm cho tất cả trẻ em khi ngồi trên xe máy.

Ngoài ra, các nhà trường cần chú trọng hơn đối với việc nội dung về tầm quan trọng của việc đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông nhằm giúp học sinh luôn ghi nhớ, hình thành thói quen đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe máy; kể cả khi phụ huynh có quên thì các em cũng nhắc nhở ông bà, cha mẹ nghiêm túc thực hiện.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cha mẹ "bảo vệ đầu" cho mình, còn con nhỏ… thì "quên"