Chỉ vì thèm khát con trai, nên khi thấy vợ mình là Lý Thị Lé sinh lần thứ 6 vẫn là con gái, Chìa đã lẳng lặng ôm đứa con còn đỏ hỏn ra bìa rừng siết mạnh.
Bi kịch từ quan niệm “Trọng nam, khinh nữ”
Ngay cả khi đã chép chụp toàn bộ hồ sơ vụ án với dấu triện đỏ đàng hoàng của các cơ quan tố tụng, tôi cũng không thể tin rằng ở trên đời lại có ông bố nào ác độc, tàn nhẫn với ràng ruột, máu mủ của mình như vậy. Dẫu biết rằng, thẳm sâu trong các bản làng heo hút nơi biên giới, thảng hoặc vẫn xảy ra những câu chuyện, những vụ án đau lòng được bắt nguồn từ sự thiếu hiểu biết của đồng bào thiểu số. Song, sự u mê, rồ dại, tàn độc đến mức giết cả con đẻ của chính mình như trường hợp của Mùa A Chìa (SN 1974, dân tộc Mông, ở bản Phua Di Tổng, xã Hừa Ngài, huyện Mường Chà, Điện Biên) thì quả thật nó khiến người ta phải bàng hoàng, hoảng hốt.
Vụ án xảy ra, gây chấn động rừng núi Điện Biên. Trong nhiều ngày, nhiều tháng, người dân ở khắp vùng biên giới không khỏi đau xót và phẫn nộ. Ngay cả những người làm công tác thực thi pháp luật cũng không tránh khỏi cảm giác ớn lạnh khi phải đối mặt với Chìa. Đọc các biên bản ghi lời khai của Chìa trước cơ quan điều tra, tự dưng tôi thấy bật lên câu hỏi: Đâu là ranh giới cuối cùng của tội ác? Liệu trong lúc làm cái chuyện táng tận lương tâm ấy, Mùa A Chìa có bị thế lực “ma quỷ” nào xúi giục? Hay là Chìa có tiền sử về bệnh tâm thần? Để trả lời cho những câu hỏi đó, tôi đã lặn lội đến tận nhà Chìa ở xã Hừa Ngài…
Nhà Chìa nằm cuối bản Phua Di Tổng, ngửa mặt ra con đường đá dốc dựng trời. Ở cái bản nhỏ lúp xúp nhà sàn nép bên bìa núi thâm u này, cả thảy chỉ có chừng vài chục hộ gia đình thì đến hơn một nửa là hộ nghèo, trong đó có vợ chồng Chìa. Cái sự nghèo của người Mông Hừa Ngài thì có đến ngàn vạn lý do, nhưng chủ yếu là do đất canh tác ít, phương pháp cấy trồng lạc hậu, thiên tai, dịch bệnh hoành hành, và phần nữa là bởi đông con. Hộ gia đình nào, nóc nhà nào ít nhất cũng có từ 7 đến 9 miệng ăn. Vợ chồng Chìa cũng vậy. Mới ngoài 30 tuổi, lấy nhau được chục năm, nhưng tính đến giờ, Lý Thị Lé (SN 1978), vợ Chìa cũng kịp cho ra đời đến 6 đứa con (tính cả đứa trẻ xấu số vừa chết - PV).
Một góc Hừa Ngài
Đông con – Thất học – Đói nghèo, cái vòng luẩn quẩn ấy quấn bíu lấy Hừa Ngài, vây bủa lấy vợ chồng Chìa. Nhà Chìa nghèo, cái nghèo hắt ra từ những bức tường thủng lỗ chỗ, gió rít u u. Trên bếp lửa cháy hắt hiu, những cành củi còn tươi mới gom được ở trên núi tỏa ra một thứ khói nhạt thếch, không đủ xua đi được hơi lạnh tràn trụa trong nhà. Mấy đứa con của Chìa, đứa nào cũng đen đúa, cóc cáy, quần áo tả tơi. Nghe giới thiệu có cán bộ dưới Hà Nội lên, Lý Thị Lé, vợ Chìa lập tức ùa ra khóc. Lé nói rất nhiều, nói về cái đói, cái khổ, cái lạnh, và nói về cái “thằng chồng vô tích sự bỏ Lé, bỏ đàn con Lé để đi tù”. Thậm chí, Lé còn kể cả cái chuyện ngày hai ba bận úp mặt bờ tường, bờ giậu rồi vạch áo vắt sữa bỏ đi. Giọng Lé khô, ít hơi và nhiều nước mắt. Tôi nghĩ mình không mong tìm được cái gì xa xỉ hơn là nước mắt và những lời than vãn.
“Hổ dữ ăn thịt con”
Tính đến giờ, đã hơn 4 tháng trôi qua kể từ ngày Chìa làm cái việc “trời không dung, đất không tha” là giết con ấy mà trong mắt Lé vẫn lộ rõ vẻ kinh sợ, đớn đau. Lé kể, sáng ngày 5/6/2013, đang đi nương thì Lé thấy bụng đau dữ dội. Đoán mình trở dạ, Lé chỉ kịp gọi điện thông báo cho chồng vài câu rồi nhờ chị gái đưa đến Trung tâm y tế xã Hừa Ngài. Khoảng 11h trưa hôm đó, Lé sinh một bé gái nặng 3,4 kg. Sau khi nghe cán bộ y tế thông báo vợ sinh con gái, Chìa tỏ ra thất vọng và bỏ đi uống rượu. Đến chiều, Chìa quay lại và xin phép các y tá để đưa vợ con về.
Hiện trường vụ án: Nơi Mùa A Chìa chôn đứa con xấu số của mình.
Trên đường đi, vì gặp trời mưa, đường sạt lở nên vợ chồng Lé phải vào ngủ nhờ ở nhà chị gái Lý Thị Tàng. Sáng ngày 6/6/2013, Chìa tiếp tục đưa vợ và con gái trở về. Ra khỏi cổng nhà chị gái, Chìa bảo vợ: “Nhà mình nghèo quá, nương thì ít, giờ thêm đứa con gái này, biết lấy gì mà ăn? Hay là tao vứt nó đi nhé?!”. Tưởng chồng nói đùa, Lé im lặng không nói câu nào. Khi đi qua lều canh nương của nhà anh trai, Chìa bế đứa con gái vào đó ngồi nghỉ để mặc Lé đi về trước. Thấy trong lều có cái cuốc, Chìa cầm lấy rồi bế con leo lên đồi Nà Phá. Lên đồi, Chìa úp mặt con gái vào ngực mình rồi siết mạnh cho đến khi tắt thở…
Sau khi làm xong cái việc tày trời ấy, Chìa điềm nhiên về nhà và dặn vợ: “Con chết rồi, tao chôn trên đồi Nà Phá. Nếu có ai hỏi, mày cứ nói là nó bị rơi xuống đường đá nhé!”. Nghe chồng nói vậy, Lé mới hoảng hốt gọi điện tâm sự với chị gái của mình là Lý Thị Tàng. Chiều hôm đó, Chìa bị bắt. Trước cơ quan điều tra, Chìa nại ra rằng, vì nhà nghèo quá, sợ không nuôi được cho nên mới để “con gái “đi” theo ông bà”! Nhưng, lời khai của tất cả các nhân chứng, trong đó có những người thân của Chìa đã khẳng định một điều: Chìa quá thèm khát con trai nên khi thấy vợ sinh liền tù tì 6 đứa con gái thì đâm ra buồn chán dẫn đến hành động điên rồ như vậy.
Chính vì cái ý nghĩ phải có “thằng nối dõi tông đường” bằng mọi giá đã ngâm tẩm đầu óc Chìa trong mê mụ, rồi dẫn dụ Chìa vào tội ác. Đồng thời, trước và sau khi gây án, Chìa hoàn toàn khỏe mạnh, tỉnh táo, không hề có bất cứ dấu hiệu nào của người tâm thần. Ngay cả một cán bộ điều tra Công an tỉnh Điện Biên cũng phải thốt lên rằng: Dù anh đã tham gia phá hàng trăm chuyên án, đối mặt với đủ loại tội phạm rạch giời rơi xuống, nhưng khi đối mặt với Mùa A Chìa, anh cũng cảm thấy rùng mình ớn lạnh. Không chỉ bởi hành vi phạm tội đến cùng của Chìa, mà còn bởi cách Chìa dửng dưng khi xuống tay man rợ với chính con đẻ của mình. Ở Chìa, toát lên sự mê muội đến khủng khiếp. Sự mê muội đó đã biến Chìa biến thành một “tín đồ” của quỷ sa tăng.
Bao giờ cho hết u mê?
“Khi đi từ Trung tâm y tế xã về, nó (ám chỉ chồng - PV) còn bảo với mình là đưa con đây nó bế cho. Mình tưởng nó thương vợ nên mới làm thế, ai ngờ nó làm cái việc thất nhân thất đức ấy…”, Lé oán thán. Tuy giận, hận chồng là vậy, nhưng ngày Chìa bị TAND tỉnh Điện Biên đưa ra xét xử, Lé đã khóc lóc, van vỉ, thậm chí quỳ lạy để xin HĐXX giảm nhẹ tội cho chồng. Lý do duy nhất Lé đưa ra là mong Chìa sớm được trở về để làm lụng nuôi con. Lé sợ, đàn bà chân yếu tay mềm, Lé một nách 5 con sẽ khó tránh khỏi đói nghèo. Sau khi cân nhắc và xem xét, HĐXX đã tuyên phạt Mùa A Chìa 13 năm tù về tội “Giết người”.
Chìa đi tù, nỗi lo cơm áo dồn lên vai vợ và con.
Sau đó ít hôm, mấy mẹ con Lé lại bồng bế, dắt díu nhau vượt núi đến tòa nộp đơn xin giảm án cho Chìa. Có lẽ, Lé chưa bao giờ ý thức được tội ác của chồng nó lớn đến nhường nào, tác động xấu đến xã hội ra sao, nên lúc nào Lé cũng nhất mực rằng: “Phải xin cho nó về thôi, để còn nuôi con chứ!”. Trong suy nghĩ của người đàn bà Mông cả đời mới dăm ba lần bước qua khỏi đỉnh núi trước nhà ấy, thì chuyện đi tù của Chìa nó giống như việc đàn ông bỏ bê gia đình để đi uống rượu ở bản đến… hơn chục năm mới chịu trở về.
Khi được hỏi, nếu Chìa được trở về, Lé có định tiếp tục sinh con nữa hay không? Lé đã trả lời mà không cần một giây suy nghĩ: “Chắc phải sinh thôi, nhà mình cần một đứa con trai mà!”. Đứng trước sự u mê, mông muội, cạn nghĩ của những người đàn bà Mông cả đời lầm lũi sống trong bóng tối như Lé, người ta chỉ có thể thương cảm nhiều hơn hờn trách. Bởi, hình như cuộc sống vẫn cứ ép uổng chúng ta phải tê dại đau đớn với những chiều xúc cảm khó diễn tả kiểu này…
Sự mê muội, kém hiểu biết pháp luật của Lý Thị Lé, của Mùa A Chìa và rất nhiều đồng bào khác sống đời đời kiếp kiếp sau biển mây mù đã và đang là bài toán hóc búa đối với chính quyền sở tại. Trên thực tế, trong mấy năm vừa qua, công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức pháp luật cho cộng đồng các dân tộc thiểu số vùng biên ải đã được các cơ quan ban ngành hết sức được coi trọng. Bên cạnh đó, công tác vận động đồng bào sinh đẻ có kế hoạch, xóa bỏ tư tưởng “Trọng nam, khinh nữ” cũng được triển khai rốt ráo, thế nhưng, xem ra “cuộc chiến chống hủ tục” vẫn còn rất nhiều cam khó.