Chiều nay (10/12), phiên tòa xét xử sơ thẩm 10 bị cáo trong vụ “nâng khống” giá máy xét nghiệm phòng, chống dịch COVID-19 xảy ra tại Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC Hà Nội) tiếp tục được diễn ra với phần xét hỏi.
Theo đó, trong phần xét hỏi chiều nay, đại diện VKS đưa ra câu hỏi để làm rõ việc phân chia hoa hồng khi thực hiện gói thầu số 15. Bị cáo Đào Thế Vinh (giám đốc Công ty MST – đơn vị trúng thầu) khai nhận, gói thầu 15 gồm 2 phần là hệ thống máy tự động Realtime PCR và máy chiết xuất DNA/RNA và 3 tủ lạnh âm.
Phần tiền mua hệ thống thiết bị máy Reatime PCR và máy chiết xuất là 8,2 tỷ đồng. Phần chênh lệch sau khi trừ thuế, phí phát sinh sẽ đưa cho bị cáo Nhất. Phần phân chia lợi nhuận dự kiến bị cáo không nắm rõ.
Do có sự bất nhất về lời khai, đại diện VKS đã công bố lời khai của bị cáo Vinh tại cơ quan điều tra.
Theo biên bản lời khai ngày 16/4/2020, tổng giá trị máy là 8,2 tỷ đồng; số tiền mua vào 4,1 tỷ đồng, chi phí khác là 1,2 tỷ đồng; tổng lợi nhuận là 2,7 tỷ đồng và dự kiến phân chia cho Nhất và Tuyền mỗi người 767 triệu đồng. Số còn lại chia cho ông Cảm và Vinh.
Tại tòa, bị cáo Vinh thừa nhận không bị cơ quan điều tra ép buộc.
Liên quan đến lời khai về việc chia hoa hồng 15%, ông Nguyễn Nhật Cảm khai nhận, bị cáo Nguyễn Ngọc Nhất (nhân viên kinh doanh Công ty TNHH Phát triển khoa học Vitech, người đứng ra thỏa thuận bán máy cho CDC Hà Nội - PV) từng đến gặp bị cáo nói là đã khai với cơ quan công an là chia cho CDC Hà Nội 15% giá trị hợp đồng. “Nhất nói rất ân hận. Bị cáo nghe xong và nói với Nhất, sự thật như nào thì nói thế. Thời điểm đó, anh chưa bao giờ gợi ý, yêu cầu ai hoặc em cho bị cáo tiền”, bị cáo Cảm cho biết thêm.
Cựu giám đốc CDC Nguyễn Nhật Cảm khai nhận, thời gian bị tạm giam ở Trại tạm giam tỉnh Bắc Ninh, bị cáo đã khai đầy đủ nội dung trên và gửi cho ban giám thị trại tạm giam.
Trước khi phiên tòa diễn ra, bị cáo Đào Thế Vinh khắc phục số tiền 5,3 tỷ đồng. Mục đích nộp tiền, bị cáo lý giải là vì bị cáo kinh doanh, liên quan đến tài sản nhà nước nên tự nguyện nộp lai.
Đại diện CDC Hà Nội cho biết, hiện nay, toàn bộ máy móc, thiết bị đang hoạt động bình thường. CDC Hà Nội có công văn trình bày về các thành tích, công sức đóng góp của các bị cáo trong công tác phòng chống dịch. Đồng thời xin giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo nguyên là lãnh đạo, cán bộ của CDC Hà Nội. CDC Hà Nội cũng tái khẳng định giá mua thiết bị y tế phụ thuộc hoàn toàn vào công ty cung cấp.
Tại phiên tòa, đại diện CDC Hà Nội khẳng định giữ nguyên ý kiến trên; với những bị cáo khác, phía CDC Hà Nội mong Tòa xét xử theo đúng quy định của pháp luật.
Theo cáo trạng thể hiện, tại cuộc gặp ngày 6/2/2020, Nhất ở lại trong phòng trao đổi riêng với ông Cảm sẽ trích lại 15% giá trị máy cho CDC Hà Nội.
Cũng trong phần xét hỏi, các bị cáo Nguyễn Vũ Hà Thanh (Trưởng phòng Tài chính kế toán CDC Hà Nội), Nguyễn Ngọc Quỳnh (Trưởng phòng Kế hoạch nghiệp vụ CDC Hà Nội), Nguyễn Thị Kim Dung (Trưởng phòng tổ chức hành chính CDC Hà Nội), Hoàng Kim Thư (Kế toán trưởng CDC Hà Nội) đều thừa nhận có sự sai sót trong khi thực hiện gói thầu 15 nhưng hoàn toàn không có động cơ, mục đích nào.
Cụ thể, bị cáo Nguyễn Thị Kim Dung (Trưởng phòng tổ chức hành chính CDC Hà Nội) thừa nhận bản thân có lỗi trong việc không rà soát theo trình tự thời gian. Ngoài ra, bị cáo cho rằng bản thân là bác sĩ, tại thời điểm đó dịch COVID-19 bùng phát mạnh nên với trách nhiệm của bác sĩ, bị cáo chỉ mong muốn hạn chế nhanh nhất dịch lây lan trong cộng đồng; không có động cơ mục đích nào.
Về phần mình, bị cáo Hoàng Kim Thư (Kế toán trưởng CDC Hà Nội) khai nhận sau này khi làm việc với CQĐT, bị cáo mới biết đã thực hiện không đúng quy trình về Luật Đấu thầu.
Cũng tại phiên toà, đại diện CDC Hà Nội cho biết CDC là cơ quan chuyên môn; những năm trước, cơ quan cấp trên (Sở Y tế) trực tiếp quản lý việc mua bán, đấu thầu; tuy nhiên, trong đợt dịch COVID-19, Sở Y tế giao nhiệm vụ cho CDC Hà Nội trực tiếp thực hiện. Do yêu cầu rất cấp bách của việc phòng, chống dịch COVID-19 nên việc tham gia gói thầu số 15 có sự sai phạm.