99,99% Tiến Minh sẽ có mặt tại Olympic năm nay nhưng chẳng ai dám khẳng định sau 4 năm nữa, tay vợt người TPHCM sẽ lại đại diện cho cầu lông VN tham dự sân chơi Thế vận hội.
Đó là nỗi lo trước mắt, còn lâu dài, chính TTK Liên đoàn cầu lông VN Lê Thanh Sang từng nhận định chua xót, rằng 20 năm nữa cũng không có Tiến Minh thứ 2. Như vậy là sau khi tay vợt này giải nghệ, cầu lông VN sẽ bị xóa xổ khỏi làng cầu lông thế giới, một sự thật quá phũ phàng nhưng lại không có cách nào thay đổi được thực tế này.
Làm sao để kéo dài giới hạn?
Không có gương mặt kế cận nào đủ khả năng thay thế Tiến Minh, nên giờ, càng kéo dài được thời gian thi đấu đỉnh cao của Tiến Minh bao nhiêu, cầu lông VN mới có chỗ đứng trên làng cầu lông thế giới.
Tiến Minh vừa đoạt ngôi Á quân giải Úc, một thành tích được xem là rất ấn tượng trong năm nay. Tuy nhiên, thành công này chưa thực sự khiến người hâm mộ yên tâm bởi Tiến Minh đang bị ảnh hưởng bởi tuổi tác.
Có thể thấy, trong sự phát triển rất nhanh của cầu lông thế giới thời gian qua, việc làm sao giữ được phong độ ổn định là điều mà các tay vợt trong tốp 10 thế giới đặt mục tiêu lên hàng đầu.
Nguyễn Tiến Minh. (Ảnh Dư Hải)
Trong tốp 10, các tay vợt như Lee Chong Wei, Lin Dan, Peter Gade... thứ hạng của các tay vợt này cũng ít khi biến động nhiều năm qua bởi họ có phong độ rất ổn định. Với Tiến Minh, nguy cơ bị bật ra khỏi tốp 10 xảy ra bất cứ lúc nào và thực tế nó đã xảy ra tháng trước (tụt xuống hạng 12). Tiến Minh là một trong những VĐV được đầu tư chuyên biệt và không tiếc tiền của ngành thể thao cũng như chính gia đình của tay vợt này. Tuy nhiên, nếu không đạt được đẳng cấp như các tay vợt hàng đầu, tức là khả năng duy trì thứ hạng bằng phong độ ổn định, thì rất khó để Tiến Minh kéo dài được giới hạn của mình.
Điểm giới hạn của mỗi VĐV là tất yếu, là chuyện bình thường, chỉ khác là mỗi người có một giới hạn khác nhau, hoặc có khả năng giữ được phong độ đỉnh cao trong một thời gian dài hay ngắn.
Ở đây lại phải đặt ra một câu hỏi, vì sao các tài năng cầu lông của nước ngoài lại có khả năng kéo dài được giới hạn của mình như vậy? Đơn giản bởi ở những nước này, sự đầu tư không bao giờ có khái niệm là giới hạn.
Vậy nên, điểm giới hạn của Tiến Minh trong môi trường của VN sớm đến cũng là chuyện dễ hiểu. Điều đáng khâm phục là bản thân tay vợt người TPHCM vẫn đang nỗ lực kéo dài điểm giới hạn của mình. Thế nhưng liệu một mình Tiến Minh có giúp anh làm tốt được việc đó?
Mất trắng lứa kế cận
Tổng thư ký LĐ cầu lông VN Lê Thanh Sang từng khẳng định, sau 20 năm nữa cầu lông Việt Nam cũng không có Tiến Minh thứ 2. Lời nhận xét của người đứng đầu Liên đoàn có phần chua xót nhưng đó lại là thực tế.
Tại các giải khu vực và châu lục, cầu lông VN luôn tham dự với lực lượng hùng hậu. Thế nhưng thường ngay ở những vòng đầu, rất nhiều tay vợt đã “rơi rụng” và chỉ còn lại Nguyễn Tiến Minh. Thực tế này không chỉ chỉ ra khoảng cách lớn về trình độ của cây vợt ở đội tuyển mà còn là sự hụt hẫng đáng quan ngại về lực lượng đỉnh cao của cầu lông nước nhà. Ngay cả tay vợt nữ trẻ từng giành HCĐ tại Olympic trẻ thế giới Vũ Thị Trang cũng chưa thể đảm bảo về khả năng phát triển của mình, khi mà sự quan tâm của ngành thể thao chưa tới nơi tới chốn. Trong năm nay, kế hoạch lọt vào tốp 100 của Vũ Thị Trang cũng đã bị phá sản. Trong khi đó, đôi nam Bằng Đức/Mạnh Thắng đang sát tốp 50, nhưng cái ngưỡng này vượt qua là rất khó.
Nhiều năm gắn bó với cầu lông VN, bà Huỳnh Ngọc Liên - Phó chủ tịch LĐ Cầu lông TPHCM, cho biết có 3 nguyên nhân khiến cầu lông VN chưa thể đột phá. Thứ nhất, chúng ta chưa mạnh dạn thuê HLV chất lượng nên chưa có được chương trình đào tạo, tập huấn, thi đấu chuyên nghiệp. Thứ hai, chúng ta chưa có sự phối hợp giữa ngành thể thao và giáo dục để rồi nhiều tay vợt dưới 18 tuổi vì tập trung nhiều hơn cho việc học văn hóa mà chỉ tập luyện cầm chừng. Thứ ba, chúng ta không thiếu tài năng nhưng rất ít tay vợt trẻ VN được tạo điều kiện thi đấu quốc tế thường xuyên để phát triển chuyên môn.
Thực tế thì ngoài tài năng thì rõ ràng sự đầu tư của cả gia đình và nhà nước đều khó có tay vợt nào sánh bằng Tiến Minh. Thế nhưng nhìn sang các nước bạn như Trung Quốc, Indonesia, Malaysia... họ luôn có lớp kế cận khi các trụ cột nghỉ thi đấu. Vì sao các quốc gia này làm được trong khi Việt Nam lại “bó tay”? Suy cho cùng cũng từ cách làm chưa đúng mà thôi.