Bóng bà cụ đã khuất dần trong nắng hè oi ả. Lòng tôi lâng lâng nhẹ nhõm, bởi tôi biết chắc, với những chứng cứ mà tôi đã thu thập được khi “tăng cứu” thì, một lời tuyên án có hậu sẽ được dành cho ông bà ngoại cu Tít.
Tháng 6/2014, tôi nhận quyết định làm nhiệm vụ “biệt phái” tại Tòa Phúc thẩm, TANDTC tại Hà Nội. Công việc chính của tôi là nghiên cứu xét xử phúc thẩm các vụ án đã được Tòa án các tỉnh phía Bắc xét xử sơ thẩm do có kháng cáo, kháng nghị.
LS Nguyễn Thị Tuyết- nguyên Thẩm phán cao cấp TAQS Trung ương
Là Thẩm phán chuyên xét xử án hình sự, nhưng điều đặc biệt với tôi khi nhận nhiệm vụ “biệt phái” là ngay vụ đầu tay, tôi được giao xét xử phúc thẩm vụ án ly hôn có tranh chấp giành quyền nuôi con của cặp vợ chồng trẻ, nguyên đơn là Nguyễn Bá Phúc, bị đơn là Hoàng Thị Lâm, đang sinh sống ở nước ngoài. Vụ án được TAND tỉnh Thái Bình xét xử sơ thẩm.
Qua tài liệu trong hồ sơ vụ án, tôi có thể hình dung được bức tranh về mối tình và đời sống hôn nhân của một cặp vợ chồng trẻ quyết tâm tìm cách đổi đời nơi đất khách. Và sau 5 năm kiếm tiền nơi đất khách, cái kết của mối tình ấy là hai người quyết định chia tay, ai cũng giành quyền được nuôi con trai 5 tuổi.
Câu chuyện tình yêu của họ bắt đầu và được kết thúc có hậu như bao mối tình khác bằng một đám cưới trước sự chứng kiến của gia đình, bạn bè. Lúc đầu, đôi trẻ sống chung cùng cha mẹ, mọi chi tiêu, ăn uống do bố mẹ chồng lo liệu. Đầy năm ngày cưới cũng là lúc cu Tít chào đời trong sự vui mừng của hai bên nội ngoại. Cuộc sống trôi đi một cách yên bình khi gia đình nhỏ được đôi bên nội, ngoại bù trì, chăm sóc. Vấn đề thực sự phức tạp kể từ ngày cu Tít thôi nôi. Ấy là khi ông bà nội quyết định cho hai đứa ở riêng, gọi là để vợ chồng độc lập, biết lo liệu làm ăn, để “bố mẹ còn phải lo cho các em”.
Nơi ở thì tạm ổn, bởi ông bà dành riêng cho gia đình nhỏ một gian đầu hồi. Nhưng mọi chi tiêu trong cuộc sống, nào ăn uống hàng ngày, nào bỉm, sữa, quần áo, thuốc men cho mẹ, cho bé, rồi hiếu, hỷ gần xa, đối nội, đối ngoại… tất tần tật, đều trông vào thu nhập của hai lao động tự do nơi thôn dã. Ấy là chưa kể họ còn được ông bà nội, ngoại thay nhau chăm bẵm cu Tít nên không mất tiền trông trẻ. Vậy mà, cuộc sống gia đình vẫn vô cùng chông chênh.
Thế rồi, cái khó ló cái khôn. Khi người vợ được cô bạn ghé tai tiết lộ một “kênh” xuất khẩu lao đồng nơi chân trời mới. Người vợ trẻ bàn với chồng, họ nhanh chóng quyết định để người vợ bước chân về miền xa thẳm kiếm tiền thay đổi chất lượng cuộc sống. Cu Tít đã quen với việc “chạy sô”, nay ông bà nội, mai ông bà ngoại nên việc nó xa mẹ cũng không phải là vấn đề đáng ngại.
Khi kế hoạch “đổi đời” được hai vợ chồng báo cáo phụ huynh, các cụ chẳng thể bao bọc mãi, nên đành để các con tự quyết định cuộc đời mình. Bà mẹ chồng tỏ rõ quan điểm: Các con nên gửi hẳn cu Tít bên ông bà ngoại rồi mẹ mày hãy đi!
Ngày lên đường, vợ chồng bịn rịn, hờn hờn, tủi tủi! Họ từ biệt nhau trong nước mắt, hẹn ngày hội ngộ trong hào quang. Cu Tít được giấu biệt bên ngoại, cốt để mẹ nó bước chân ra đi thêm phần cứng rắn.
Vợ đi rồi, người chồng cố gắng, chăm chỉ kiếm việc. Nhưng khổ nỗi, người chẳng có nghề ngỗng ổn định như cậu ở quê, nay xe ôm, mai thợ hồ, ráo mồ hôi là hết tiền. Riêng cu Tít vẫn rất ổn vì được ông bà ngoại hết lòng thương yêu, chăm sóc, nuôi dưỡng. Tuy ở hai tỉnh khác nhau, nhưng hai quê nội ngoại khá gần, bởi đó là xã giáp ranh giữa hai tỉnh. Hễ nhớ vợ, bố cu Tít lại chạy sang ngoại thăm con, thẫn thờ ngắm ảnh mẹ nó, tiện thể ở lại dùng bữa, thêm thời gian chơi đùa với con…
Thời gian xa vợ thấm thoắt đã một năm, cu Tít cũng đã bi bô gọi bà. Chàng trai quyết định ra đi về miền đất hứa, nơi vợ đang vò võ đợi chờ. Người vợ nay có thêm anh chồng sẻ chia, gánh vác. Hai vợ chồng chăm chỉ, biết bảo ban nhau nên mấy năm sau đã tích cóp được một chút vốn, gọi là của để dành, hàng tháng vẫn gửi chút tiền về cho ông bà ngoại thêm thắt mua sữa cho cu Tít.
Ba năm sau, khi cu Tít hơn 5 tuổi, cũng là lúc ông bà ngoại “ngã ngửa” nhận được Giấy triệu tập của Tòa án với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án ly hôn mà con gái họ là bị đơn. Đến Tòa rồi, ông bà mới vỡ nhẽ, anh con rể đã đâm đơn khởi kiện, đề nghị Tòa án giải quyết việc ly hôn và anh chồng muốn giành quyền nuôi cu Tít. Vụ án được TAND tỉnh Thái Bình xét xử sơ thẩm, Tòa án sơ thẩm đã quyết định giao cu Tít cho bố chăm sóc, nuôi dưỡng, bởi Tòa sơ thẩm cho rằng mẹ cháu bé vẫn làm ăn ở nước ngoài, còn bố Tít thì đã cung cấp chứng cứ, tài liệu về việc anh ta có thu nhập ổn định, đã về Việt Nam sinh sống, hành nghề sửa chữa xe máy tại quê (Hải Dương).
Hơn 4 năm trời yên ấm trong lòng ông bà ngoại, nhất là khi bà ngoại đã thực sự trở thành “người mẹ” thứ hai của nó, làm sao Tòa nỡ giật thằng bé ra khỏi tay mình?! Không thể chấp nhận được cái quyết định bị cho là phi lý ấy, ông bà ngoại cu Tít quyết định “chống án” để đòi lại công lý cho mình. Án sơ thẩm cũng bị mẹ cu Tít kháng cáo, yêu cầu cấp phúc thẩm xem xét giao cu Tít cho mẹ, và người mẹ ủy quyền cho ông bà ngoại tiếp tục chăm sóc, nuôi dưỡng bé cho đến khi mẹ Tít trở về Việt Nam.
Lại nói chuyện đến anh con rể. Khi quyết định “đâm đơn” đến Tòa xin ly hôn, chàng rể đã quên đi những năm tháng làm con bên ngoại, dù thực tế không sinh sống tại Việt Nam nhưng bố cu Tít vẫn quyết tâm giành bằng được thằng bé khỏi vòng tay ông bà ngoại với lập luận mẹ nó đang ở nước ngoài, còn bố nó đang ở Việt Nam phải được quyền nuôi dưỡng con chung.
Hồ sơ còn có tài liệu chứng minh thu nhập ổn định của người chồng, được chính quyền địa phương xác nhận, rằng bố cu Tít đang sống ổn định tại Việt Nam với nghề sửa xe máy tại phố huyện, mỗi tháng thu nhập trung bình 15 triệu đồng. Trong lời tự khai, đương sự còn khẳng định thêm một điều: “Tôi đủ sức nuôi con, không cần đến ông bà ngoại”!
Nhận giải quyết vụ án phúc thẩm mà lòng tôi trăn trở! Tại sao ông bà ngoại (ông Hoàng Công Đương và bà Phạm Thị Son) kháng cáo với tâm thế rất kiên định giành nuôi cháu ngoại? Khi mẹ cu Tít chưa về Việt Nam thì con ở với bố chẳng tốt lắm sao? Với con trẻ, nếu không được ở với mẹ thì người cha là ưu tiên thứ hai đối với nó. Ấy là nguyên tắc.
Điều đặc biệt trong vụ án này là cu Tít đã ở với ông bà ngoại hơn 4 năm, được ông, bà yêu thương, chăm sóc, nuôi dưỡng chu đáo, bé phát triển tốt cả về thể chất và tinh thần. Hơn thế nữa, với cu Tít, bà ngoại đã trở thành người mẹ thứ hai của nó. Tối ngủ không có bà là nó khó chịu, không ngủ được.
Và một chi tiết khiến tôi đặc biệt chú ý. Đó là những tấm ảnh người vợ cung cấp cho rằng, người chồng đã lấy vợ và đang sinh sống tại nước ngoài. Ảnh anh chồng chụp chung rất tình tứ với một người phụ nữ Việt Nam (cũng đang làm việc tại nước ngoài), ảnh chàng trai bên cô gái với trang phục chú rể trong lễ ăn hỏi tại Việt Nam... Tất nhiên, không loại trừ ảnh có thể được ghép. Linh cảm nghề nghiệp mách bảo tôi cần phải kiểm chứng một số chứng cứ, tài liệu trong hồ sơ đã được Tòa sơ thẩm thu thập để xác minh đương sự thực sự đang sinh sống tại Việt Nam hay ở nước ngoài?
Vì vậy, tôi quyết định “tăng cứu” để có cơ sở pháp lý giải quyết đúng đắn, khách quan nội dung kháng cáo của ông bà cụ và người vợ. Công văn được gửi tới Cục Xuất nhập cảnh Bộ Công an yêu cầu xác minh có hay không việc đương sự xuất cảnh ra nước ngoài, nếu có thì thời gian xuất cảnh, nhập cảnh như thế nào? Về phía địa phương nơi anh chồng cư trú, tôi ủy thác cho Tòa án huyện nơi quê anh chồng cư trú tiến hành xác minh thông tin ông bà nội, của Tổ dân phố nơi bố cháu bé đang hành nghề sửa xe máy.
Kết quả thật bất ngờ, các bằng chứng đã chứng minh bố cu Tít đã xuất cảnh ngay khi án sơ thẩm được tuyên, đến thời điểm xét xử phúc thẩm vẫn chưa nhập cảnh trở về Việt Nam. Còn lời trình bày của ông bà nội cu Tít rằng, bố cu Tít đã và đang sinh sống ở nước ngoài, ông bà nội không có điều kiện chăm sóc cu Tít, việc Tòa án giao cu Tít cho ai nuôi dưỡng là tùy theo pháp luật. Chúng tôi không có ý kiến gì. Xác minh về nghề nghiệp của anh chồng, Tổ dân phố xác nhận rõ đương sự chưa có một ngày hành nghề sửa xe máy ở cái phố này.
Vậy là đã rõ: Tài liệu chứng minh việc hành nghề sửa chữa xe máy và thu nhập 15 triệu đồng một tháng là nội dung giả tạo, không đúng sự thật, trong khi đương sự đang sinh sống ở nước ngoài, tại thời điểm xét xử phúc thẩm vẫn chưa nhập cảnh về Việt Nam.
Đến giờ khai mạc phiên tòa phúc thẩm, Hội trường xét xử chỉ có bà cụ chừng 75 tuổi, bà ngoại của cu Tít, bị đơn xin xét xử vắng mặt, nguyên đơn vắng không rõ lý do. Vì vậy, Hội đồng xét xử quyết định hoãn phiên tòa theo quy định của pháp luật tố tụng. Chúng tôi mải mê với những vụ án khác, cũng chẳng để tâm cụ bà đi đâu.
Buổi trưa, khi mặt trời đã đứng bóng, tôi vội vã ra về thì bất giác, bóng một bà cụ chạy theo với lời gọi thảng thốt:
- Cô ơi! Cô cho bà xin gặp!
Tôi sững lại một phút, chợt nhận ra đương sự trong vụ án ly hôn sáng nay vừa được hoãn.
Bà cụ vân vê chiếc nón không còn lành lặn, trên tay cầm chiếc túi ni lon đã cũ, đúc vài thứ linh tinh. Thấy cụ chưa về, tôi giải thích:
- Cụ ơi! Hôm nay vắng đương sự nên Tòa hoãn xử, cụ cứ về đi, Tòa án sẽ triệu tập phiên tòa vào một buổi khác trong thời gian một tháng cụ nhé. Sao giờ này cụ vẫn chưa về? Xa xôi thế, cụ không nhanh là hết xe đấy.
Không quan tâm đến lời giải thích của tôi, tay cụ lục sâu vào đáy chiếc túi ni lon chứa tổng hợp các món lặt vặt, móc ra được một chiếc phong bì nhàu nhĩ. Vân vê và vuốt ve chiếc phong bì cho phẳng lại, cụ lắp bắp:
- Chuyện của gia đình tôi, mong cô soi xét. Thằng bé đã ở với chúng tôi hơn 4 năm rồi, giờ đây, làm sao chúng tôi xa nó được. Vả lại, bố nó có ở nhà đâu cô! Cô làm ơn, làm phúc đừng bắt thằng bé phải xa chúng tôi, cô nhé. Ông bà ngoại cháu mong cô nhận cho một chút lòng lành của người già.
Vừa nói, bà cụ vừa len lén dúi chiếc phong bì vào tay tôi, quệt ngang những giọt nước mắt lăn dài trên gò má nhăn nheo, rồi vội vã chạy đi một cách vô thức. Hiểu ý của bà cụ, tôi vội chạy theo, kéo cụ ngồi xuống chiếc ghế dài dành cho khách đến làm việc.
- Con mời cụ ngồi đây để con xin được nói chuyện. Cụ làm thế này là không được đâu ạ. Chúng con làm việc có nguyên tắc, dựa trên cơ sở pháp luật chứ không tùy tiện phán quyết được. Tòa án sẽ không vì quyền lợi của bố mẹ cháu, hay của ông bà nội, ngoại, mà quan trọng là vì quyền lợi và cuộc sống của cu Tít cụ ạ. Cụ cứ về đi, Hội đồng xét xử sẽ xem xét thấu đáo nội dung kháng cáo của cụ, sẽ cân nhắc kỹ việc giao cu Tít cho ai nuôi dưỡng là tốt nhất, để bé có cuộc sống ổn định và phát triển toàn diện cụ ạ. Còn chiếc phong bì này, món quà cụ dành cho con, con xin cảm ơn, nhưng con xin gửi lại cụ, cụ đem về bồi dưỡng cho bé. Dù là con hay là ai xét xử vụ này, xin cụ đừng bao giờ tìm cách gửi quà cho Thẩm phán, đó là hành vi không đúng. Con mà nhận là cả con và cụ đều vi phạm pháp luật đấy cụ ạ.
Dứt lời, tôi kiên quyết yêu cầu cụ cất chiếc phong bì vào tận túi áo trong và nhắc cụ sớm ra xe để về quê. Như bất lực trước yêu cầu của tôi, bà cụ đành lủi thủi cắp chiếc nón rời khỏi trụ sở 262 Đội Cấn, Hà Nội nhưng không quên dặn với theo:
- Mong cô đừng bắt thằng bé rời xa chúng tôi. Cô nhé!
Bóng bà cụ đã khuất dần trong nắng hè oi ả. Lòng tôi lâng lâng nhẹ nhõm, bởi tôi biết chắc, với những chứng cứ mà tôi đã thu thập được khi “tăng cứu” thì, một lời tuyên án có hậu sẽ được dành cho ông bà ngoại cu Tít - dù vụ án được xét xử với bất kỳ Thẩm phán cao cấp nào.