10 bức tranh lịch sử của Đỗ Khang Duy, cậu bé 13 tuổi đang được triển lãm tại Trung tâm Triển lãm số 93 Đinh Tiên Hoàng, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội đã đưa người xem từ bất ngờ này đến bất ngờ khác.
Triển lãm lịch sử “10 trận chiến nổi tiếng thế giới” có lẽ là một triển lãm đặc biệt tại Việt Nam. Khó có thể ngờ rằng tác giả của triển lãm với chủ đề khó và tưởng chừng như khô khan này lại là một cậu bé 13 tuổi đang học tập và sinh sống tại Hà Nội.
Đam mê với lịch sử, Đào Khang Duy - học sinh lớp 8 trường Quốc tế Mỹ St.Paul (Hà Nội) đã tự tìm hiểu các tư liệu lịch sử từ nhiều nguồn trong và ngoài nước, trên các thư viện và internet, về các trận chiến nổi tiếng có tác động thay đổi cục diện thế giới.
Cậu học trò lớp 8 nhận định lịch sử là một chủ đề bất tận với vô vàn màu sắc
Nói về ý tưởng chuyển tải các sự kiện lịch sử thành tranh, Duy chia sẻ: Lịch sử là một chủ đề bất tận với vô vàn màu sắc. Có nhiều cách để mô tả lịch sử như là “phong phú”, “mong manh”, “cổ xưa”, “hoang dã”, hoặc có thể là “không thể diễn tả được”. Lịch sử rất quan trọng bởi những lợi ích mà nó đem lại, từ bản sắc văn hóa đến dự đoán tương lai dựa trên các sự kiện trong quá khứ. Tuy có vai trò to lớn như vậy, lịch sử lại thường không được nhiều người đánh giá cao.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến điều này là do cách thức đưa lịch sử đến với công chúng chưa được hấp dẫn. Phần đông mọi người trước tiếp cận với lịch sử ở trường, tìm hiểu thông qua sách giáo khoa. Tuy nhiên những sách giáo khoa này lại không thể hiện lịch sử theo một cách thú vị. Thông tin được trình bày với nhiều đoạn văn dài dòng. Trong các tiết học, giáo viên giảng bài về một sự kiện nào đó trong thời gian dài rồi kết thúc với việc yêu cầu học sinh tóm tắt lại các sự kiện. Điều này khiến học sinh thấy rất nhàm chán.
“Vì thế, con muốn giới thiệu lịch sử theo một cách mới. Hầu hết các sử gia đều cố gắng khách quan khi đưa ra thông tin nhưng con lại tin rằng điều quan trọng hơn là khiến mọi người trước hết hứng thú với một sự kiện. Nếu họ không muốn đọc tác phẩm, làm thế nào họ có thể đánh giá nó hoặc thậm chí nghĩ đến nó”, cậu bé nhấn mạnh.
Các thông tin về sự kiện được trình bày bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt, vừa giúp khán giả hiểu được nội dung, đồng thời giúp họ nâng cao khả năng tiếng Anh
Duy đã chọn ra 10 sự kiện lịch sử tiêu biểu, sắp xếp từ cổ đại đến hiện đại, từ châu Âu đến Việt Nam. Trong đó, tiêu chí để Duy chọn lựa một trận chiến vào danh sách chính là tầm ảnh hưởng của nó đến với cục diện thế giới, sự phân chia lãnh thổ giữa các quốc gia lúc bấy giờ.
Để hoàn thành ý tưởng độc đáo của mình, Duy cùng với 3 họa sĩ Hoàng Thanh Bình, Nguyễn Xuân Hải, Nguyễn Quang Tùng nỗ lực, cố gắng làm việc trong suốt 1 năm.
Đánh giá về dự án, GS.TS Phạm Hồng Tung - Viện trưởng Việt Nam học và Khoa học phát triển, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, trong khi giới trẻ đang có nhiều biểu hiện quay lưng với môn lịch sử thì triển lãm tranh của em Đào Khang Duy thực sự là một điều rất đáng quý và đáng khích lệ.
GS Phạm Hồng Tung khen ngợi ý tưởng của Đào Khang Duy
GS.NGND Vũ Dương Ninh - Chuyên gia đầu ngành về lịch sử quốc tế của Việt Nam cũng đã dành đôi lời viết về dự án của Duy: “Phải có sự ham thích đặc biệt về lịch sử cùng với sự hiểu biết về bối cảnh từng thời kỳ, với con mắt nhận xét tinh tế về trang phục, vũ khí, con người của mỗi thời đại, được sự giúp đỡ nhiệt tình của các họa sĩ. Đào Khang Duy đã đạt được ý nguyện về một triễn lãm nhỏ nhắn, xinh xắn đậm chất sử học.
Mong sao triển lãm này sẽ gợi mở cho nhiều bạn cùng trang lứa với Duy thỏa mãn niềm ham mê môn Sử bằng những con đường khoa học và nghệ thuật khác nhau tùy theo ý thích và năng khiếu của mỗi người. Lời chúc nhiệt liệt dành cho Đào Khang Duy và các em học sinh yêu thích lịch sử”.
10 bức tranh được trưng bày trong triển lãm của Đào Khang Duy:
Trận chiến Gaugamela (01 -10-331TCN)
Trận chiến Zama (Tháng 10, năm 202 TCN)
Trận chiến Pharsalus (09 -08 – năm 48 TCN)
Trận chiến Lepanto (07-10-1571)
Trận chiến Vienna (12-09-1683)
Trận chiến Waterloo (19-06-1815)
Trận đầu tiên của Marne (09-1914)
Trận chiến Stalingrad (1942 -1943)
Trận đổ bộ Normandy (1944)
Trận Mậu Thân (1968)