Từng tham gia hàng trăm công trình nhưng với chúng tôi cáp treo Fansipan là một công trình khổng lồ. Quá khó khăn, vất vả. Nhiều đồng nghiệp sau khi kéo cáp đã phải thú nhận rằng, họ sẽ không nhận thêm bất cứ công trình nào như vậy nữa”.
Đó là lời nói của ông Sigrist Reto (Trưởng nhóm kéo cáp chính của hãng Doppelmayr Garaventa). Dù vậy, gương mặt vị chuyên gia kỳ cựu của hãng cáp treo lừng danh Doppelmayr Garaventa trông vẫn rất mãn nguyện. Hình hài công trình kỷ lục thế giới mới “chinh phục nóc nhà Đông Dương” mà ông cùng các cộng sự tâm huyết người Việt đã dành toàn tâm ý trong hai năm qua, sắp hoàn thành. Rồi đây, bước chân lên nóc nhà Đông Dương sẽ “thần tốc” hơn, cơ hội trải nghiệm thiên nhiên hùng vĩ sẽ đến được với nhiều người hơn khi có “trợ lực” là tuyến cáp treo ba dây phức tạp bậc nhất thế giới.
Nhà ga đi cáp treo Fasipan
Từng kinh qua quãng thời gian vất vả xây tuyến cáp treo Bà Nà Hills, ông Trần Tịnh (thợ cơ khí) cho hay, xây tuyến cáp treo lên nóc nhà Đông Dương gian khó gấp bội phần: “Vách đá thì dựng đứng, gió núi thổi bay người, băng giá lạnh cứng đôi bàn tay… Tất cả tưởng chừng sẽ làm chúng tôi tê liệt. Nhưng không hiểu sao có một sức mạnh kỳ diệu từ bên trong thôi thúc chúng tôi phải quyết tâm vượt qua mọi trở ngại”.
Ngạo nghễ trên độ cao 3.143m so với mực nước biển, đỉnh Fansipan vốn dĩ luôn mê hoặc mọi bước chân khao khát tìm đến chinh phục. Nơi đây dường như chỉ dành cho những ai đam mê khám phá với sức bền và lòng kiên trì mãnh liệt.
Nội thất ga đi cáp treo
Để dựng được công trình thế kỷ tưởng chừng như “không tưởng” này, sức người phải đua với đá núi, gió, tuyết và băng giá… Địa hình cheo leo, hiểm trở, khí hậu khắc nghiệt, sương mù che phủ dày đặc khắp chốn không nhìn rõ đường đi lối lại. Gió mạnh thổi quanh năm. Vào mùa lạnh, hầu như chạm tay vào bất cứ vật dụng gì cũng như đóng băng. Những lối đi trở nên trơn trượt, sểnh ra là có thể rơi xuống vực…
Nhưng những trở ngại đó không ngăn được khát vọng chinh phục đỉnh cao của những con người bền bỉ.
Để thực hiện công trình, ngoài đội ngũ chuyên gia dày dặn kinh nghiệm của hãng cáp treo lừng danh Doppelmayr Garaventa, những kỹ sư, công nhân thiện nghệ từng kinh qua thời gian xây cáp treo Bà Nà của Tập đoàn Sun Group đã được huy động. Nguyên vật liệu tải lên đỉnh cao 3.143m hoàn toàn do bàn tay con người và những phương tiện thủ công. Từng tảng đá nặng hàng trăm kg, những cuộn cáp… vận chuyển trên đường bằng đã khó, đường núi trơn trượt như thử thách lòng can đảm, ý chí quyết tâm và giới hạn về sự bền bỉ của con người. Sự dẻo dai, bản lĩnh vượt khó, ý chí, quyết tâm chinh phục và tinh thần đồng đội của những chuyên gia, những người công nhân đã “bám” núi suốt hai năm qua đã không bị khuất phục.
Chinh phục đỉnh Fansipan
Từng sợi cáp mảnh mai băng qua thung lũng Mường Hoa, bám theo sườn dãy Hoàng Liên Sơn như đang kể câu chuyện huyền thoại về những người Việt với mơ ước, tâm huyết, tiềm lực và sáng tạo có thể vượt mọi trở ngại, làm nên những công trình vĩ đại, tiếp cận với công nghệ kỹ thuật hàng đầu thế giới.
Có thể, thế giới sẽ chỉ biết đến những kỉ lục, du khách sẽ chỉ nhớ đến những cảm xúc thăng hoa khi được lên với nóc nhà Đông Dương mà không ai nhắc về những con người xây dựng. Nhưng chúng tôi biết, với họ, cảm giác được chinh phục, được sống với niềm tự hào của mình là hạnh phúc không gì sánh bằng.
Và cứ thế, họ là những người hùng thầm lặng góp sức xây công trình thế kỷ.
Cáp treo Fansipan do Tập đoàn Sun Group làm chủ đầu tư là cáp treo ba dây hiện đại nhất thế giới lần đầu tiên có mặt tại châu Á với nhiều kỷ lục ấn tượng. Tại lễ khai trương sáng 2/2, đại diện Kỷ lục Thế giới - Guiness World Record đã trao chứng nhận 2 kỷ lục Guiness cho cáp treo Fansipan Sapa là: Cáp treo ba dây có độ chênh giữa ga đi và ga đến lớn nhất thế giới: 1410m và Cáp treo ba dây dài nhất thế giới: 6292.5m. |