Hiện nay, hoàn lưu bão số 3 đã gây gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 tại đảo Lý Sơn và đảo Cồn Cỏ. Vùng ven biển các tỉnh Quảng Trị-Đà Nẵng có gió giật cấp 6-7. Ở các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Bình Định đã có mưa to đến rất to.
Do ảnh hưởng của bão số 3, từ trưa nay học sinh các tỉnh thành phố Đà Nẵng, Quảng Nam đã được cho nghỉ học để tránh trú bão.
Tại Đà Nẵng, mưa lớn từ sáng ngày 14/9 đã gây ngập úng cục bộ một số tuyến phố, nhiều nơi đã mất điện. UBND thành phố Đà Nẵng đã có công điện khẩn yêu cầu các ngành địa phương, triển khai phương án đối phó với mưa bão và thông báo cho học sinh nghỉ học.
Đến trưa cùng ngày, thành phố Đà Nẵng thông báo cho tất cả các ngư dân trên các tàu thuyền biết thông tin về diễn biến, đường đi của cơn bão và yêu cầu các chủ tàu thuyền đưa phương tiện về nơi tránh trú an toàn.
Hiện còn khoảng 138 phương tiện với 1270 lao động đang ở trên biển, trong đó chủ yếu là khu vực Đông Bắc Hoàng Sa, khu vực biển Hải Phòng. Vùng ven biển từ Đà Nẵng đến Quảng Nam hiện còn 47 phương tiện với 400 lao động trên biển. Các đồn Biên phòng đã cử lực lượng xuống các nơi xung yếu để hướng dẫn các phương tiện tránh bão.
Tại tỉnh Quảng Nam, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã chỉ đạo các địa phương thông báo các bản tin dự báo thời tiết đến các tàu thuyền đang ở trên biển để chủ động phòng tráng. Hải đội 2 thường trực lực lượng, sẵn sàng ứng cứu nếu có tình huống xấu xảy ra.
Tỉnh Quảng Ngãi đã chỉ đạo Biên phòng và các cơ quan Nông nghiệp các huyện, thành phố kêu gọi tàu thuyền phải vào nơi trú tránh an toàn. Ban chỉ huy PCLB đã có công điện nghiêm cấm tàu thuyền ra vào đảo Lý Sơn; các huyện, thành phố tập trung phòng chống bão số 3.
Vị trí tâm bão số 3 lúc 14h30. Ảnh: NCHMF
Về diễn biến mới nhất của cơn bão số 3:
Hồi 14 giờ ngày 14/9, vị trí tâm bão nằm trên vùng biển các tỉnh Đà Nẵng-Bình Định. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 giật cấp 9, cấp 10.
Trong khoảng 12 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 15km, Như vậy tối nay (14/9), vùng tâm bão sẽ đi vào địa phận các tỉnh Quảng Nam-Quảng Ngãi, sau đó suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới.
Đến 01 giờ ngày 15/9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới nằm trên đất liền các tỉnh Quảng Nam-Quảng Ngãi. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6, giật cấp 7.
Trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được 15km, đi sâu vào đất liền và suy yếu thành một vùng áp thấp. Đến 13 giờ ngày 15/9, vị trí trung tâm vùng áp thấp nằm trên khu vực Nam Lào. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6.
Do ảnh hưởng của bão, vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Định (bao gồm cả huyện đảo Cồn Cỏ, Lý Sơn) có gió mạnh cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 9, cấp 10, Sóng biển cao từ 3-4m. Biển động rất mạnh. Khu vực ven biển các tỉnh Quảng Trị-Quảng Ngãi có gió mạnh dần lên cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 9, cấp 10. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3.
Từ ngày 14-16/9, ở các tỉnh từ Quảng Bình đến Bình Định, Kon Tum, Gia Lai có mưa to đến rất to (200-300mm). Từ ngày 15-18/9, có mưa vừa, mưa to ở các tỉnh Thanh Hóa đến Hà Tĩnh (100-300mm) và đồng bằng Bắc Bộ (50-100mm).
Trên các sông từ Thanh Hóa đến Bình Định và khu vực Bắc Tây Nguyên xuất hiện một đợt lũ. Mực nước trên các sông ở Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Bình Định có khả năng lên mức báo động 1 đến báo động 2, các sông ở Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi và khu vực Bắc Tây Nguyên có khả năng lên mức báo động 2 đến báo động 3, có nơi trên báo động 3. Đề phòng nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng vùng trũng tại các tỉnh trên. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 2.
Ngoài ra, khu vực vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7-8. Khu vực Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển ngoài khơi các tỉnh Bình Thuận đến Cà Mau có gió tây nam mạnh cấp cấp 6, giật cấp 7-8 và có mưa dông mạnh. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc xoáy. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 1.