Tại hội nghị thúc đẩy cơ hội học tập chương trình giáo dục quốc tế tại Việt Nam, đại diện Bộ GD-ĐT cho biết Việt Nam có 70 trường cung cấp 452 chương trình giáo dục quốc tế.
Trong 452 chương trình giáo dục quốc tế có 50 chương trình ở khối đại học có vốn đầu tư nước ngoài, 50 của các trường có sự hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và các nước và 352 chương trình liên kết đào tạo của đại học trong nước. Hội nghị ghi nhận đa dạng ý kiến thảo luận của đại diện Đại sứ quán và đề xuất của lãnh đạo các trường đại học tại Việt Nam, xoay quanh cơ chế, chính sách và giải pháp thúc đẩy giáo dục quốc tế.
Theo đại diện Trường ĐH RMIT, Giám đốc Chiến lược và Đối ngoại Dương Hồng Loan bày tỏ: Đề nghị, Chính phủ và Bộ GD-ĐT tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho quy trình công nhận bằng cấp, tín chỉ đồng thời tạo diễn đàn để hướng dẫn công khai thông tin cho học sinh, sinh viên về các hợp tác đào tạo giữa các trường.
Ảnh minh họa.
Còn theo, Phó Giám đốc ĐH Đà Nẵng Lê Quang Sơn mong muốn, Bộ GD-ĐT sớm có giải pháp để các trường thuận tiện hơn khi xin cấp phép hội thảo, làm visa cho cán bộ, sinh viên, cũng như thúc đẩy quá trình nhập cảnh cho sinh viên nước ngoài trở lại Việt Nam.
Theo GS Rohit Verma, Hiệu trưởng VinUni, hiện có nhiều cơ hội thu hút giáo sư nước ngoài đến Việt Nam làm việc, tạo cơ hội học tập, nghiên cứu tốt hơn cho học sinh, sinh viên. Đối với chương trình đào tạo, theo GS, cần xuất phát từ nhu cầu nhân lực, đảm bảo sinh viên tốt nghiệp đáp ứng yêu cầu của ngành nghề.
Hiệu trưởng Trường ĐH Anh quốc Việt Nam, GS Raymond Gordon cũng cho rằng, rất nhiều đại học trên thế giới mong muốn hợp tác, đầu tư giáo dục tại Việt Nam. “Đại học Việt Nam hãy cẩn trọng, lựa chọn đối tác uy tín, thương hiệu. Đặc biệt, cần minh bạch về tất cả các chương trình đào tạo. Những môi trường đầu tư minh bạch sẽ thu hút các nhà đầu tư”, GS Raymond Gordon khẳng định.
Cùng quan điểm, PGS.TS Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội lưu ý, các trường nên lựa chọn một vài đối tác chiến lược, đồng thời, tự phát triển thương hiệu để bình đẳng với đối tác. “Chỉ cạnh tranh và hợp tác bình đẳng, minh bạch mới phát triển bền vững được”, PGS Sơn khẳng định.
Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP. HCM Đỗ Văn Dũng chia sẻ, quá trình hợp tác quốc tế đã đem lại nhiều kinh nghiệm, như phương pháp đánh giá, kiểm định chất lượng của các chương trình. Với chuẩn đầu ra tiếng Anh cao, khả năng tự học, giải quyết vấn đề tốt, cử nhân chương trình đào tạo liên kết được nhà tuyển dụng đánh giá cao. Để thúc đẩy liên thông đào tạo với nước ngoài, PGS Dũng khuyến nghị, nên có kế hoạch sử dụng tiếng Anh trong các chương trình đào tạo khác.
Đại diện Đại sứ quán Nhật và Đại sứ quán Mỹ cho biết, hàng năm đều tổ chức sự kiện hỗ trợ về giáo dục tại Việt Nam nhằm thu hút học sinh Việt Nam và thúc đẩy hợp tác giữa các trường của hai nước. Theo bà Pamnella Devolder, Tham tán Thông tin - Văn hóa, Đại sứ quán Mỹ, sự kiện năm nay sẽ thu hút nhiều trường đại học Mỹ bằng hình thức trực tuyến để thúc đẩy hợp tác giáo dục hai nước.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ.
Trao đổi với các trường ĐH tại Hội nghị, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh: “Minh bạch rất cần thiết, tránh tình trạng ghép từ “quốc tế” vào tên gọi. Tất cả chương trình đào tạo liên kết quốc tế phải xứng với chất lượng, phải minh bạch để học sinh, sinh viên, phụ huynh lựa chọn đúng”.
Tới đây, việc công nhận tín chỉ giữa các trường đại học không chỉ thực hiện trong giai đoạn Covid-19 mà sẽ đẩy mạnh và công bố công khai việc công nhận tín chỉ trong thời gian sau này, để học sinh, sinh viên có thể tự tìm hiểu, đối chiếu.
Về hỗ trợ học sinh, sinh viên, đội ngũ giảng viên đang cần trở về Việt Nam, Bộ trưởng cho biết, Chính phủ, Bộ Ngoại giao, các bên liên quan đều dang rất nỗ lực để thực hiện việc hỗ trợ này. Trong thời gian chờ đợi này, Bộ trưởng đề nghị các cơ sở GDĐH linh hoạt, sử dụng phương thức đào tạo trực tuyến để duy trì việc dạy học.