Cảnh giác với thủ đoạn mới của bọn buôn người

Huyền Thương| 27/11/2018 06:30
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Thời gian gần đây, trên địa bàn một số tỉnh biên giới phía Bắc đã xuất hiện một loại tội phạm buôn người mới, với nhiều thủ đoạn hết sức tinh vi, xảo quyệt. Đối tượng chúng nhắm đến là các thanh niên, trai tráng người dân tộc thiểu số.

“Bẫy tình”

Từ trước tới nay, người ta thường chỉ nghĩ đến việc phụ nữ bị lừa tình rồi bị bán sang Trung Quốc làm vợ, làm gái mại dâm, thế nhưng trên thực tế, trong một vài năm gần đây, đã có rất nhiều đàn ông sập bẫy các “má mì” bởi đúng chiêu này. Thậm chí, có những “nữ quái” còn sẵn sàng dùng cả thân xác mình để lừa tình đàn ông, sau đó bán họ sang bên kia biên giới.

Tất yếu, để lọt vào “mắt xanh” của đám “săn đầu người” này phải là những trai tráng khỏe mạnh, tràn trề sức lực. Bằng các con đường tiểu ngạch, chính ngạch, nạn nhân bị đưa ra nước ngoài, đẩy vào các công xưởng, nhà máy, ép buộc lao động quần quật suốt ngày theo chế độ “nô lệ” có “cai ngục”. Họ phải làm những công việc khổ ải mà người bản địa không làm.

Nhờ có chút nhan sắc, lại khéo ăn nói nên Sùng Thị Mùa (SN 1991, ở Mường Khương, Lào Cai) chả khác gì cục nam châm đối với các trai bản. Biết được thế mạnh của mình, Mùa quyết dùng nó vào việc lừa tình đàn ông rồi đem bán sang Trung Quốc. Và chỉ đến khi nạn nhân Giàng A Dí (SN 1989, ở Bát Xát, Lào Cai) đứng ra làm đơn tố cáo thì sự thật về Mùa mới được phơi bày.

Do đã từng có thời gian sinh sống và buôn bán bên Trung Quốc nên Mùa có quen một vài chủ trang trại bên đó và họ đặt vấn đề với Mùa là cần mua đàn ông tuổi từ 25 đến 40, sức khỏe tốt. Nếu Mùa giúp được thì họ sẽ trả công 50 triệu/người. Đầu năm 2016, trong một lần về Việt Nam, Mùa quen với Dí. Thấy Dí là người thật thà, chất phác, quanh năm chỉ gắn bó với ruộng nương, Mùa quyết tâm giăng bẫy. Tuy lúa đó Dí đã có vợ, nhưng Mùa vẫn quyết tìm mọi cách để lôi kéo, dụ dỗ.

Cảnh giác với thủ đoạn mới của bọn buôn người

Giàng A Dí: “Suýt chút nữa là tôi bị bán”

Chỉ trong một thời gian rất ngắn, Mùa đã khiến Dí buông bỏ vợ con, ngã vào vòng tay mình. Khi biết cá đã cắn câu, Mùa rủ Dí đi chơi. Lấy cớ sợ vợ Dí phát hiện, Mùa đòi người tình phải cùng mình lên Hà Giang, rồi từ đó theo đường tiểu ngạch sang biên giới. Bởi theo Mùa thì “bên ấy mới có nhiều cái thú vị mà xã, bản mình không có”. Dí đồng ý.

Ngày 20/4/2016, Dí đi xe máy đến điểm hẹn gặp Mùa rồi đi sang huyện Xín Mần (Hà Giang) thuê phòng nghỉ. Để chứng minh tình cảm của mình là thật, Mùa chủ động trao cho Dí tất cả. Sáng sau, Mùa và Dí gửi xe máy lại và bắt xe khách xuống TP. Hà Giang. Ban đầu, Mùa định sẽ bắt xe từ TP. Hà Giang lên thẳng cửa khẩu Thanh Thủy, nhưng để tránh bị theo dõi, cô ta liền thay đổi hành trình bằng cách đưa “người tình” xuống Yên Minh nghỉ lại một đêm rồi hôm sau mới bắt xe lên Vị Xuyên.

Trong suốt quá trình di chuyển, Dí liên tục thấy người tình của mình gọi điện thoại cho ai đó và nói chuyện bằng tiếng Trung Quốc. Hỏi thì Mùa trả lời, đang nhờ người quen tìm hộ một số mặt hàng để mua về Việt Nam bán.

Sau khi ngủ lại ở Yên Minh một đêm, sáng hôm sau Mùa bất ngờ gọi Dí dậy để cùng sang Trung Quốc chơi và mua hàng nhưng chưa kịp qua biên giới thì cả hai đã bị lực lượng chức năng bắt giữ. Lúc bấy giờ, bộ mặt thật của “má mì đội lốt sơn nữ” Sùng Thị Mùa mới bị bóc trần.

Theo lời bộc bạch của Dí, trong mấy ngày đi cùng nhau, Mùa đã cho Dí quan hệ tình dục nhiều lần với những lời hứa hẹn về một tương lai tràn ngập hạnh phúc, tiền bạc, không phải lo nghĩ đến cơm ăn, áo mặc.

Cảnh giác với thủ đoạn mới của bọn buôn người

Sùng A Tếnh: “Tôi đã từng bị bóc lột sức lao động suốt 2 năm”

Trả giá đắt vì giấc mộng đổi đời”

Nắm bắt được nhu cầu cần việc làm của con em đồng bào dân tộc là rất lớn nên gần đây, bọn tội phạm buôn người thường dùng “lương khủng” làm mồi nhử để lừa phỉnh, dụ dỗ các nạn nhân. Và trên thực tế đã có quá nhiều thanh niên, trai tráng người dân tộc thiểu số sập vào cái “bẫy” này. Lý do lớn nhất để họ “nhắm mắt đưa chân” là vì trót ôm mộng đổi đời.

Song những “giấc mơ” đó quá ngắn ngủi đối với hầu hết các nạn nhân. Không chỉ bị lợi dụng, chiếm đoạt tiền lương và sức lao động, nguy cơ bị xâm hại và có thể bị thiệt mạng của họ là rất cao. Trên thực tế, ở một số tỉnh biên giới đã xuất hiện dấu hiệu kẻ xấu lợi dụng lừa đi lao động rồi trộm cắp tài sản, trấn cướp trên biên giới. Cá biệt cũng xảy ra một vài trường hợp nạn nhân bị chết do lao động quá sức, bị chủ lao động cho xác nạn nhân vào bao tải rồi vứt qua các lối mòn.

Người đi thấp thỏm trước sự “hên sui” của vận mệnh đã đành, người ở nhà ngóng đợi cũng không hề thanh thản. Anh Sùng A Tếnh (ở A Mú Sung, Bát Xát, Lào Cai), người từng bị một công ty cao su bên Trung Quốc bóc lột sức lao động suốt 2 năm kể: “Năm 2014, khi đi làm thuê dưới thành phố Lào Cai, tôi quen một người phụ nữ tên Dung. Bà ấy bảo thích sang Trung Quốc làm công nhân, lương 8-10 triệu/tháng thì bà ấy xin cho. Lúc bấy giờ chỉ muốn kiếm tiền thôi, chứ ai biết được là mình sẽ bị bán vào một đồn điền cao su. Trung bình mỗi ngày chúng tôi phải làm việc từ 12 đến 14 tiếng. Chỉ cần ai chểnh mảng chút là bị đám quản đốc đánh không thương tiếc. Ròng rã suốt một năm đầu tiên tôi chỉ được nuôi ăn ngày hai bữa, còn không được chủ công ty cho lĩnh một đồng nào. Họ bảo là trừ vào tiền trả cho người môi giới. Thấy bất công anh em cũng không dám thắc mắc nhiều, vì sợ bị đánh. Thấy khổ quá, tôi bỏ trốn nhưng không thành. Họ bắt tôi phải gọi điện về bảo gia đình gửi sang 20 triệu tiền chuộc, nếu không sẽ bị mổ ra lấy nội tạng hoặc sẽ bị đưa đi lao động dưới hầm mỏ”.

Câu chuyện của anh Tếnh cũng như nhiều thanh niên người Mông đã từng là nạn nhân của  gian vượt biên tìm việc cho thấy, sự nghèo khó, thiếu việc làm cộng với nhận thức, hiểu biết còn hạn chế là nguyên nhân chính đẩy họ và gia đình vào bi kịch. Cá biệt cũng có một số người bị các đối tượng lạ câu móc, lôi kéo thực hiện những hành vi gây mất an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng biên.

Cảnh giác với thủ đoạn mới của bọn buôn người

Bộ đội Biên phòng Lào Cai bắt giữ đối tượng mua bán người

Cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp

Thời gian trôi qua đã khá lâu kể từ ngày trốn thoát về Việt Nam, nhưng mỗi khi nhắc nhớ lại 100 ngày bị đày ải trong cái lò gạch bên Trung Quốc, gương mặt Phàn Quốc Sửu, SN 1991 và Phàn Văn Lìn, SN 1989, ở thôn Pờ Hồ, Thanh Bình, Mường Khương (Lào Cai) vẫn lộ rõ vẻ bàng hoàng, kinh sợ. Lìn và Sửu còn nhớ như in cái ngày định mệnh ấy. Hôm đó, họ cùng đám thanh niên đang ngồi tán gẫu ở đầu bản thì có 2 phụ nữ, khoảng 40 tuổi, người dân tộc Dao đi đến. Nghe họ nói cần tìm người thuê đi đóng gạch với lương tháng là 5-7 triệu đồng/tháng, 5 thanh niên của thôn Pờ Hồ là Tẩn Seo Trọng, SN 1988; Phàn Quốc Sửu, SN 1991; Phàn Diu Phủ, SN 1990; Phàn Diu Phử, SN 1988; Phàn Văn Lìn, SN 1989 vội vã nhận lời.

Ngay chiều hôm đó, 5 người khăn gói quần áo cùng 2 người phụ nữ vượt biên sang Trung Quốc. Một chiếc ô tô, trên đó có khoảng chục thanh niên đã ngồi sẵn để đón họ và đưa tới một lò gạch thuộc huyện Dương Bà, tỉnh Giang Tây, Trung Quốc. Tại đây, chủ lò gạch tuyên bố đã mua họ với giá gần 30 triệu đồng/người, bắt họ phải làm việc tới khi nào trừ hết số tiền mua rồi mới trả lương.

Vậy là những người trên xe bị dồn về sống tập trung trong một trại lớn, tối đến cứ 5 người nằm chung 1 chiếc chiếu trải dưới đất, xung quanh có hàng rào và lực lượng bảo vệ canh giữ. Hàng ngày họ bị bóc lột sức lao động thậm tệ, bị cắt cơm nếu làm sai, làm hỏng. Nếu ai có ý định bỏ trốn hoặc bị bắt lại trong lúc bỏ trốn sẽ bị các tên bảo vệ nhốt vào phòng kín, đánh đập. Quá cực nhọc, những thanh niên Việt Nam bị lừa bán bàn nhau bỏ trốn nhưng không ai biết đường. Rất may là Lìn và Sửu nằm cùng chiếu với 2 người đàn ông cũng bị lừa bán từ 2 năm trước, thạo tiếng địa phương nên biết đường đi lối lại.

Biết họ có kế hoạch bỏ trốn, Lìn và Sửu liền xin họ giúp đỡ. Ngay hôm sau, lợi dụng đêm tối, cả bốn người bí mật bỏ trốn lên rừng, sống chui lủi trong hang đá để tránh sự truy tìm của bọn bảo vệ. Sau đó 4 người cắt rừng chạy ra đường cái, đón xe khách về Hà Khẩu. Để về được đến Lào Cai, Lìn và Sửu đã phải vào các nhà dân dọc đường xin ăn, được một vài người thương tình cho tiền mới về được đến nhà...

Trước tình hình tội phạm buôn người ngày càng tinh vi, phức tạp, Ban Chỉ đạo phòng chống tội phạm của Chính phủ (138/CP) đã yêu cầu các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống tội phạm bằng nhiều hình thức với nội dung phong phú; chủ động nắm tình hình, phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với các loại phạm; tiếp tục tổ chức tốt các đợt triển khai công tác phối hợp, hiệp đồng chiến đấu giữa các lực lượng trong tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn vi phạm pháp luật và tội phạm nhất là ở các địa bàn trọng điểm; thực hiện đồng bộ các giải pháp và tăng cường hợp tác quốc tế để ngăn chặn tội phạm mua bán người, phối hợp chặt chẽ trong tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về.

  

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cảnh giác với thủ đoạn mới của bọn buôn người