Cảnh giác với những nguy cơ gây nhiễm giun

Thanh Lợi| 31/07/2014 15:36
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Giun không chỉ lây nhiễm qua đường ăn, uống như nhiều người tưởng mà còn dễ dàng xâm nhập vào cơ thể qua da nếu chúng ta đi chân đất và có thể qua môi trường không khí bị ô nhiễm trứng giun.

Để hiểu rõ hơn, chúng tôi đã trao đổi với TS. Trần Thanh Dương, Viện trưởng viện Sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng Trung ương.

Thưa TS. Trần Thanh Dương, các nguy cơ nào gây nhiễm giun ở người lớn và trẻ nhỏ cần cảnh báo người dân?

Giun có thể lây nhiễm từ 3 đường phổ biến gồm: Đường ăn, uống và qua da. Ngoài ra, còn có thể do hít phải trứng giun từ môi trường xung quanh bị ô nhiễm trứng giun.

Nhiễm giun qua đường ăn, uống: Trứng giun thường thâm nhập vào cơ thể qua con đường ăn, uống là chủ yếu như ăn các thức ăn bị ô nhiễm trứng giun, các loại rau sống chưa rửa sạch có trứng giun, qua uống các nguồn nước bị ô nhiễm trứng giun… Nếu rau ăn sống, củ, quả chỉ được rửa qua loa và ngâm muối thì vẫn chưa đủ loại bỏ các trứng giun mà cần phải rửa sạch nhiều lần dưới vòi nước chảy mạnh. Trẻ mút tay, hoặc không rửa tay sạch trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh đều là những nguy cơ dẫn đến nhiễm giun. Nhiễm giun qua da: Ấu trùng giun móc, giun mỏ có thể xuyên qua da nếu trẻ em đi chân đất hoặc tiếp xúc với đất cát, người lớn không có bảo hộ lao động khi đi làm ruộng, làm vườn, làm rừng…

Cảnh giác với những nguy cơ gây nhiễm giun

 

TS. Trần Thanh Dương - Viện trưởng Viện sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng Trung ương

 

Một loại giun phổ biến thường gặp nhất là giun kim: Giun kim ký sinh trong đường ruột của con người, thời gian đầu có thể ở ruột non, sau đó chuyển xuống sống ở ruột già. Ban đêm khi giun cái chui ra ở hậu môn của trẻ để đẻ trứng ở các nếp nhăn hậu môn, sẽ làm cho trẻ cảm thấy ngứa ngáy khó chịu. Tại các nếp nhăn hậu môn, trứng giun kim có đủ điều kiện thuận lợi để phát triển thành ấu trùng cử động được. Do vậy, người nhiễm giun kim dễ bị tự tái nhiễm nếu dùng tay gãi hậu môn có trứng giun sau đó cầm thức ăn, uống, hoặc mút tay ở trẻ nhỏ. Trứng giun kim có thể dính vào quần áo, giường chiếu, bám vào các vật dụng trong nhà… và dễ lây nhiễm cho người khác.

Cần nâng cao ý thức vệ sinh, bảo vệ môi trường không bị nhiễm phân, đặc biệt là nền nhà, giường chiếu, quần áo của trẻ em. Xây dựng nếp sống vệ sinh cá nhân tốt như cắt ngắn móng tay, rửa tay trước khi ăn hoặc chuẩn bị thức ăn, không để trẻ mặc quần hở đũng, rửa hậu môn cho trẻ hằng ngày bằng xà phòng vào các buổi sáng sớm.

Hậu quả nhiễm giun có nghiêm trọng không thưa ông?

Một ngày, 20 con giun đũa sử dụng hết 2,8g chất bột, 0,7mg thịt. Chúng có thể gây nên tắc ruột, lồng ruột, thủng ruột. Ngoài ra, giun đũa hay có di chuyển bất thường như chui vào ống mật, chui lên miệng, mũi. Còn giun móc, một con ăn 0,04 đến 0,16ml máu/ngày, gây thiếu máu, suy tim, phù nề, gầy mòn, suy kiệt. Hơn nữa giun móc còn tiết ra các chất làm giảm quá trình đông máu tại vị trí tổn thương và dẫn tới lượng máu càng mất nhiều hơn.

Hoặc giun tóc thường gây tổn thương niêm mạc ruột, rối loạn tiêu hóa, sa trực tràng, nhiễm trùng thứ phát, thiếu máu... Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới, hàng năm, người dân ta mất khoảng 1,5 triệu lít máu, 15 tấn lương thực để nuôi giun. Phụ nữ mang thai mà nhiễm giun nặng có thể bị thiếu máu, thiếu chất, dẫn đến nguy cơ sẩy thai. Trẻ em nhiễm giun nặng thường gầy ốm, suy dinh dưỡng, rối loạn thần kinh; chậm phát triển trí tuệ.

Như vậy, theo ông, chúng ta phải làm gì để phòng ngừa việc nhiễm giun một cách hiệu quả nhất?

Để phòng ngừa nhiễm giun, chúng ta cần phải giữ gìn vệ sinh cá nhân: Ăn chín, uống sôi; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn, sau khi tiếp xúc với đất và sau khi đi vệ sinh; cắt móng tay, đi dép thường xuyên, dùng bảo hộ lao động khi tiếp xúc với đất. Ngoài ra, cần phải tập thói quen tẩy giun định kỳ 6 tháng/lần cho cả gia đình vào cùng một thời điểm để đạt hiệu quả cao nhất. Sau 6 tháng, chúng ta đã có thể bị tái nhiễm giun, do đó, sau khoảng thời gian này, mọi người nên tẩy giun trở lại. Đối với trẻ em, từ 2 tuổi trở lên, phụ huynh đã có thể tẩy giun cho trẻ và nên sử dụng các loại thuốc có mùi vị thơm để cho trẻ dễ uống.

Xin chân thành cảm ơn những chia sẻ của ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cảnh giác với những nguy cơ gây nhiễm giun