Sức Khỏe

Cảnh giác trước chiêu trò quảng cáo "nâng cấp vòng 1 không cần phẫu thuật"

Nguyên Thảo 12/04/2023 - 14:11

Nghe theo quảng cáo nâng ngực không đau, nâng ngực không phẫu thuật, nhiều chị em sập bẫy. Tuy nhiên, xử lý biến chứng sau đó khiến nhiều chị em tốn kém, đau đớn, ám ảnh cả đời.

Mù quáng tin vào những lời quảng cáo có cánh

Do tự ti với vòng một quá nhỏ, lại đọc được thông tin quảng cáo về phương pháp "nâng ngực đệm mô lipid" không cần phẫu thuật, không đau đớn, chị T.H.T. (30 tuổi, ở Thanh Hóa) đã quyết định thực hiện. 

Theo quảng cáo, phương pháp này giúp ngực đẹp nhanh và chi phí rất phải chăng, chỉ 10 triệu đồng.

Nghe theo lời "mật ngọt" của nhân viên spa tư vấn, chị T. đã tới một thẩm mỹ viện tại Hà Nội để thực hiện "nâng ngực đệm mô lipid".

kham4.jpeg
Bác sĩ khám cho bệnh nhân gặp biến chứng sau nâng ngực tại spa. Ảnh: BVCC

Trước khi thực hiện nâng ngực, thẩm mỹ viện này cam kết nâng ngực không xâm lấn, không dùng thủ thuật, không can thiệp dao kéo.

"Tôi thấy họ lấy máu và giải thích sẽ tách mỡ (mỡ tự thân) từ máu để tiêm vào cơ thể. Sau đó, tôi được họ gây tê để tiến hành thủ thuật. Tôi thấy họ có tiêm khoảng 10 xilanh dung dịch có màu trắng vào cơ thể. Khi tôi yêu cầu spa cho biết chất lỏng đã tiêm vào người thì họ từ chối", chị T. kể lại.

Sau 14 ngày thực hiện phương pháp "nâng ngực đệm mô lipid", chị T. cảm thấy ngực có hai khối cứng bất thường nên đã tới Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 khám.

Trường hợp khác phải điều trị là chị B.T.H. (26 tuổi, ở Hà Nội). Trước nhập viện, chị H. đến một spa với mong muốn cải thiện vòng ngực. 

"Tôi đọc được thông tin quảng cáo nâng ngực mà không cần phẫu thuật của cơ sở này. Đến spa, tôi được tư vấn nâng ngực bằng sóng xung kích kích thích nâng ngực; chi phí ban đầu là 100 triệu đồng. Nhưng sau khi gây mê họ nói tôi có bệnh ở ngực nên phải tăng thêm 50 triệu đồng để thực hiện kỹ thuật này. Lúc gây mê tôi không biết họ tiêm thuốc gì cho tôi", chị H. kể.

Vài ngày sau sử dụng dịch vụ, chị H. thấy đau nhức vùng ngực nên đi kiểm tra tại phòng khám gần nhà. Lúc này, kết quả chụp cộng hưởng từ cho thấy xuất hiện các ổ dịch phía sau, bên trong và xung quanh nhu mô tuyến vú hai bên. Lo lắng cho sức khỏe, chị đến Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 khám.

Cẩn trọng khi tiêm chất lạ vào người

TS.BS Phạm Ngọc Minh - Khoa Phẫu thuật tạo hình và vi phẫu cho biết, các bệnh nhân đều đến bệnh viện khám trong tình trạng ngực đau và có hai khối cứng tại ngực.

Kết quả thăm khám lâm sàng và siêu âm cho thấy ngực bệnh nhân T. có nhiều khối hỗn hợp âm bất thường trong tổ chức mô tuyến vú. Bệnh nhân được chẩn đoán viêm cấp tổ chức phần mềm vú lan tỏa. 

Do chưa có dấu hiệu dịch áp-xe nên bệnh nhân được chỉ định uống thuốc kháng viêm kèm theo các liệu pháp lý tiêu viêm. Trong trường hợp xấu khối cứng tại ngực bệnh nhân có thể bị áp-xe, khi đó sẽ phải mổ rạch tháo mủ. Việc này sẽ để lại nhiều sẹo trên bầu ngực.

Theo bác sĩ Minh, hiện tại chưa có bằng chứng y văn nào trên thế giới về nâng ngực bằng huyết tương PRP hoặc bằng mỡ lấy từ máu. Bất cứ chất lỏng nào tiêm vào người cần phải được thực hiện bởi người có chuyên môn. Không chỉ vì đảm bảo vô trùng, mà nguồn gốc sản phẩm mới quan trọng. Nếu bị các spa tiêm các chất đã bị cấm sẽ rất nguy hiểm.

Ngay cả với các chất được cấp phép sử dụng như filler cũng được khuyến cáo không nên tiêm vào ngực. Bởi điều này dễ dẫn đến các tổn thương nghiêm trọng, bao gồm tình trạng đau kéo dài, để lại sẹo, nhiễm trùng, biến dạng vĩnh viễn, thậm chí tử vong.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cảnh giác trước chiêu trò quảng cáo "nâng cấp vòng 1 không cần phẫu thuật"