Vì mẹ chủ quan không tiêm vắc xin cho con, không nghĩ con bị viêm não nên đưa đến viện muộn, hậu quả có thể khiến trẻ bị liệt nửa người.
TS Nguyễn Văn Lâm - Giám đốc Trung tâm Y học Lâm sàng các bệnh nhiệt đới trẻ em, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, hiện đang là mua cao điểm viêm não ở trẻ em, kéo dài từ tháng 5 -8.
Từ đầu năm đến nay, trung tâm đã tiếp nhận 100 ca viêm não, trong đó trường hợp bệnh nhi Vũ Thế K. (10 tuổi, ở Nam Sách, Hải Dương) được chuyển lên Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng rất nguy kịch.
Mẹ bệnh nhi cho biết, ban đầu con đi học về kêu sốt, đau đầu, soi họng thấy đỏ nên nghĩ con ốm do viêm họng bình thường. Gia đình sau đó tự mua thuốc cho uống và thấy con đỡ đau họng, đau đầu nên chủ quan. Nhưng sau đó bé có các biểu hiện như: đau đầu, co giật, nôn, yếu nửa người bên trái.
Bệnh nhân nhi 10 tuổi mắc bệnh viêm não Nhật Bản đang điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương.
Bệnh nhi được chuyển tới Bệnh viện tại Hải Dương sau đó chuyển lên Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng thở ôxy, li bì, phải điều trị tăng áp lực sọ não. Bệnh nhân được chẩn đoán viêm não trong tình trạng yếu nửa người bên trái.
Hai ngày đầu, tình trạng bé không tốt, hôn mê, phải thở máy, điều trị tăng áp lực nội sọ. Tăng áp lực nội sọ là hội chứng có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như phù não, thiếu máu não thậm chí tụt não, gây tử vong nhanh nếu không được điều trị.
"Chúng tôi phải đặt máy đo áp lực sọ não liên tục trong suốt 2 ngày, giúp tránh tổn thương não cho cháu bé. Rất may, áp lực nội sọ của cháu bé đã ổn định, về mức bình thường", bác sĩ Lâm nói.
Hôm nay (28/5), sau 10 ngày điều trị tích cực, bé đã phục hồi tốt, tự thở, tỉnh táo, tự ăn được, hết sốt. Tuy nhiên, chân trái và tay trái vẫn còn yếu. Dự kiến sau xuất viện, bé sẽ chuyển sang Bệnh viện Châm cứu Trung ương để phục hồi chức năng.
Không chủ quan với cơn đau đầu, nôn, sốt
Theo bác sĩ Lâm, các nghiên cứu số liệu cho thấy, viêm não Nhật Bản có tỷ lệ ca mắc đứng hàng đầu tại Việt Nam trong số các ca viêm não, tình trạng bệnh lý đều nặng nề. Hầu hết các trẻ mắc viêm não đều chưa được tiêm phòng hoặc tiêm phòng không đầy đủ.
Thông thường, sau khi tiêm đủ 3 mũi phòng viêm não Nhật Bản, trẻ phải tiêm nhắc lại 3-5 năm cho đến khi 15 tuổi. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp đã lớn lại bỏ qua mũi tiêm nhắc lại này.
Lứa tuổi thường mắc viêm não Nhật Bản là 2-4 tuổi. Thời gian qua nhiều trẻ lớn hơn 10 tuổi, thậm chí 15 tuổi, mắc viêm não Nhật Bản, do không tiêm chủng nhắc lại theo lịch. Một số trường hợp nhập viện muộn do cha mẹ nghĩ con bị sốt virus, viêm họng mà không nghĩ đến viêm não.
Các triệu chứng viêm não rất dễ nhận biết, ít bị nhầm lẫn với các bệnh khác. Điển hình là các chứng sốt cao, đau đầu, nôn không liên quan đến ăn uống. Trẻ kèm rối loạn ý thức ngủ gà gật, lơ mơ, li bì, rối loạn tri giác, thậm chí hôn mê, co giật...
Do viêm não có tỷ lệ tử vong và di chứng rất lớn nên TS Lâm đặc biệt lưu ý các bậc cha mẹ nhận biết sớm các dấu hiệu, đưa con đến cơ sở y tế kịp thời trong 1-2 ngày đầu khởi phát bệnh.
Do đó, các bậc phụ huynh cần chú ý trong việc chăm sóc cho trẻ để phát hiện sớm và đưa trẻ đến các cơ sở y tế kịp thời.
Với viêm não herpes, hiện đã có thuốc điều trị, nên nếu bệnh nhi đến sớm sẽ được điều trị tốt nhất, hạn chế tối đa di chứng. Với bệnh viêm não Nhật Bản gặp ở trẻ nhỏ từ 2-8 tuổi, người lớn ít khi mắc do đã có miễn dịch tự nhiên. Bệnh viêm não Nhật Bản hiện chưa có thuốc đặc trị đặc hiệu nhưng đã có vắc xin phòng bệnh, vì thế các bậc phụ huynh cần cho trẻ đi tiêm chủng đúng và đủ thời gian.