Đối với các đoàn làm phim, sự kiện một tác phẩm được Liên hoan Cannes xướng tên trao giải là một niềm vinh dự lớn lao, song liệu giải thưởng này có mang về doanh thu khủng cho phim hay không?
Khiến phim "vô danh" đổi đời
Câu trả lời có thể là có. Trong đó, các nhà sản xuất cũng như giới đầu tư chịu bỏ vốn ra để tài trợ bộ phim là những người hưởng lợi đầu tiên. “Cành cọ vàng” chẳng những tạo thêm sức cuốn hút cho một tác phẩm để lôi kéo khán giả vào rạp, mà còn giúp cho bộ phim dễ bán chạy trên thị trường. Nói cách khác, Cành cọ vàng giống như là một “thương hiệu”, một khi được đóng dấu, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho bộ phim xuất khẩu ra nước ngoài.
Có thể kể đến trường hợp của bộ phim Thổ Nhĩ Kỳ Winter Sleep (Ngủ đông) của đạo diễn Nuri Bilge Ceylan (Cành cọ vàng 2014) và bộ phim Pháp La vie d’Adèle (tựa tiếng Anh là Blue is the warmest colour) của đạo diễn Abdellatif Kechiche (Cành cọ vàng 2013). Dù nổi tiếng là phim nghệ thuật hơi kén chọn khán giả, thời lượng khá dài nên không dễ khai thác, song cả hai bộ phim này đều đã nhân gấp đôi số lượng người xem ở rạp (gần 300 nghìn khán giả cho Winter Sleep, gần một triệu khách cho La vie d’Adèle).
Tuy nhiên, “thương hiệu” Cành cọ vàng đôi khi cũng vấp phải một số rào cản. Theo ông Thierry Frémeaux, Giám đốc điều hành Liên hoan Cannes và cũng là trưởng ban tuyển chọn phim đi tranh giải Cành cọ vàng cho biết: “Giải thưởng Cành cọ vàng cũng như giải Nobel văn học, dù có uy tín cách mấy, cũng có giới hạn của nó. Chẳng hạn, khi giải Nobel được trao cho một nhà thơ Ai Len hay một nhà văn Nam Phi mà ít được ai biết tới, hẳn chắc sẽ có một số độc giả sẽ tìm đọc tác phẩm của các tác giả này nhưng không có gì bảo đảm là tác phẩm của họ sẽ trở thành những quyển sách ăn khách nhất (best seller)”.
Theo tuần báo Télérama, một bộ phim đoạt Cành cọ vàng sẽ thu hút sự quan tâm mạnh của giới truyền thông báo chí. Nhưng sự thành công ở rạp còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố cộng hưởng như nội dung, chủ đề, thể loại của tác phẩm, thời điểm công chiếu cũng như lịch phát hành, uy tín sẵn có của nhà đạo diễn cũng như của thành phần diễn viên, phản hồi của giới phê bình và gần đây hơn nữa là sự lan truyền của các diễn đàn trên mạng.
Nhờ hội tụ đầy đủ các yếu tố trên mà bộ phim Pulp Fiction của đạo diễn người Mỹ Quentin Tarantino đã thành công rực rỡ sau khi đoạt Cành cọ vàng nhân kỳ liên hoan Cannes năm 1994. Chỉ riêng tại Pháp, bộ phim này đã thu hút gần ba triệu lượt người xem. Trong quyển hồi ký (mang tựa đề La vie passera comme un rêve Cuộc đời sẽ trôi qua như giấc mơ), cựu chủ tịch Liên hoan Cannes Gilles Jacob cho biết là nhờ phim này mà sự nghiệp của nam tài tử John Travolta cất cánh trở lại, tiền thù lao cho mỗi lần đóng phim được nhân lên gấp 20 lần, từ khoảng một triệu USD lên tới 20 triệu USD.
Còn phải kể đến một trong những thành công ngoạn mục nhất trong lịch sử Liên hoan Cannes. Đó là bộ phim Entre les murs (Giữa bốn bức tường) của đạo diễn Pháp Laurent Cantet, phóng tác từ quyển tiểu thuyết của François Bégaudeau. Sau khi được chủ tịch ban giám khảo Sean Penn trao tặng Cành cọ vàng năm 2008, bộ phim này đã thu hút hơn một triệu rưỡi khán giả vào rạp. Nếu so sánh mức doanh thu với số tiền vốn bỏ ra ban đầu để tài trợ làm phim, tác phẩm này đã đem về cho các nhà sản xuất một khoản tiền lời đáng kể, cao gấp 25 lần.
Những "thất bại" ê chề
Nhưng thông lệ nào cũng có những trường hợp ngoại lệ : phim đoạt Cành cọ vàng đôi khi lại thất bại ê chề. Bộ phim Les meilleures Intentions (Den Goda viljan) do đạo diễn người Thụy Điển Bille August phóng tác từ kịch bản của Ingmar Bergman chỉ thu hút 91.000 khán giả tại Pháp cho dù phim đã giành lấy hai giải quan trọng : Cành cọ vàng và giải nữ diễn viên nhân kỳ Liên hoan Cannes vào năm 1992. Tác phẩm Uncle Boonmee của đạo diễn Thái Lan Apichatpong Weerasethakul, Cành cọ vàng năm 2010 cũng chỉ thu hút 120.000 khán giả. Tác phẩm L’éternité et un jour (Thiên thu và một ngày) của đạo diễn Hy Lạp Theo Angelopoulos, Cành cọ vàng năm 1998 không vượt qua khỏi ngưỡng 170.000 người xem…
Vào năm 1997, ban giám khảo Cannes đã đồng trao giải Cành cọ vàng cho hai tác phẩm Le Goût de la Cerise (Vị ngọt trái anh đào) của đạo diễn người Iran Abbas Kiarostami và bộ phim L’Anguille (Con lươn) của đạo diễn Nhật Bản Shohei Inamura. Và cả hai tác phẩm này chỉ thu hút gần 200.000 lượt người xem. Bộ phim L’Enfant (Đứa bé) đoạt Cành cọ vàng 2005 là tác phẩm ít ăn khách nhất của hai anh em đạo diễn nổi tiếng người Bỉ Dardenne, chỉ với 370.000 khán giả.
Giới hạn lớn nhất của một bộ phim mang “thương hiệu” Cành cọ vàng là một khi đã thu hút sự chú ý của báo chí truyền thông, phim còn phải qua giai đoạn “thử lửa” chinh phục công chúng, mới có thể hy vọng kiếm được bộn tiền.