Thuốc aspirin và ibuprofen có thể gây nguy hiểm cho người bị sốt xuất huyết (SXH), làm cho tình trạng xuất huyết thêm trầm trọng.
PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, theo thống kê của Bộ Y tế, trong 6 tháng đầu năm, trên cả nước đã ghi nhận hơn 45.000 trường hợp mắc bệnh SXH, trong đó có 14 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ của năm 2016, số trường hợp nhập viện tăng 0,3%, số trường hợp tử vong tăng 2 trường hợp.
"Chúng tôi cũng lưu ý rằng từ nay đến cuối năm nếu chúng ta không làm quyết liệt thì tình hình dịch bệnh sẽ diễn ra phức tạp. Hiện nay mới bước vào thời điểm dịch SXH đã bắt đầu và đang gia tăng", ông Phu nhấn mạnh.
Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trần Đắc Phu
Theo ông Phu, người dân bị sốt, nghi ngờ SXH thì cần đến bệnh viện khám, điều trị kịp thời. Nhân viên y tế cũng cần lưu ý đến bệnh để cho bệnh nhân xét nghiệm máu xem tiểu cầu có giảm... Ban đầu người bệnh chỉ có biểu hiện sốt nên dễ nhầm với cúm và một số bệnh khác. Bệnh có thể chuyển từ nhẹ sang nặng rất nhanh, đặc biệt gây sốc.
Khi bị SXH người bệnh sẽ có triệu chứng sốt cao đột ngột, nhiệt độ có thể là 39 - 40 độ C. Sốt cao thường đi kèm các triệu chứng khác như mệt mỏi, chán ăn, đau bụng, đau cơ... Khi bệnh nhân bị SXH, để giảm đau, hạ sốt bác sĩ thường chỉ định cho bệnh nhân dùng paracetamol. Tuy nhiên, do SXH là bệnh do virus gây ra nên thân nhiệt của bệnh nhân luôn ở mức cao. Khi uống thuốc hạ sốt, thân nhiệt chỉ hạ được trong thời gian ngắn rồi tăng trở lại. Trong trường hợp này, bệnh nhân không được tự ý tăng liều hoặc đổi thuốc hạ sốt khác.
PGS.TS Trần Đắc Phu cho biết, trong phác đồ điều trị của Bộ Y tế khuyến cáo rõ ràng, người dân khi bỗng dưng sốt cao chỉ nên dùng paracetamol để hạ sốt (tổng liều không quá 60mg/kg cân nặng/24h); không dùng aspirin (acetyl salicylic acid), analgin, ibuprofen để điều trị cho đến khi khẳng định được không phải do SXH. Vì những thuốc này có thể gây xuất huyết, toan máu.
Bệnh SXH thường gây ra chảy máu bên trong cơ thể. Trong khi đó, thuốc aspirin và ibuprofen cùng có tác dụng tương tự, ngăn sự tập kết tiểu cầu, chống đông máu, tác dụng này sẽ làm tình trạng chảy máu của bệnh nhân nặng thêm, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Điều này có thể làm người bệnh lâm vào hội chứng sốc do SXH. Khi đó, bệnh nhân cần được nhập viện và điều trị ngay.
Đặc biệt, ông Phu cũng đưa ra khuyến cáo, người dân không tự ý truyền dịch tại nhà hay tự đề nghị các cơ sở y tế tư nhân truyền dịch, vì việc bù nước trên bệnh nhân SXH cần được chỉ định và theo dõi nghiêm ngặt theo từng giai đoạn bệnh. Bởi truyền dịch có thể gây sốc, choáng; thậm chí nếu không chỉ định đúng, truyền dịch có thể gây phù phổi khiến bệnh nhân có thể tử vong.
Bên cạnh đó, người dân không nên chủ quan vì SXH, nó có nguy cơ đe dọa sức khỏe, tốn kém tiền điều trị. Đến nay, bệnh SXH chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc xin phòng bệnh. Biện pháp dự phòng chủ yếu là diệt muỗi, diệt loăng quăng (bọ gậy) và phòng chống muỗi đốt.