Cảnh báo nấm độc kí sinh trên thân ấu trùng ve sầu gây chết người

Thanh Tâm| 16/05/2014 08:07
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Đến mùa ve sầu (từ tháng 2 đến tháng 5 âm lịch), nhiều người dân các tỉnh miền Nam thường tìm ấu trùng ve sầu làm thức ăn hoặc món nhậu.

Bản thân nhộng ve sầu không có độc tố gây chết người. Tuy nhiên, có một loài nấm có tên khoa học là gyrommitrin thường sống kí sinh trên thân ve sầu thì rất độc. Nếu không may ăn phải những con bị nhiễm loại nấm này thì nguy cơ bị ngộ độc rất cao, có thể gây chết người.

Biết chết cũng không sợ

Thông tin mới nhất mà PV nhận được, vào chiều 7/5, bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Phước cho biết sau gần bốn ngày tích cực cấp cứu nhưng đến trưa 7/5, ông Điểu Mỏn (SN 1955, ngụ ấp Cây Me, xã Thanh Lương, thị xã Bình Long, tỉnh Bình Phước) đã tử vong do ăn ấu trùng ve sầu (ve chưa trưởng thành và chưa thoát xác). Hiện các bác sĩ tại bệnh viện vẫn đang điều trị cho Điểu Ba (SN 1973, ngụ ấp Cây Me).

Trước đó, vào khoảng 14h ngày 4/5, các ông Mỏn, Ba và Điểu Khâm (SN 1985, tất cả ngụ chung ấp) liền rủ nhau đi đào tìm ấu trùng ve sầu làm mồi nhậu. Được vài người dân chỉ dẫn, nhóm ông Mỏn liền đi vào một rẫy điều để tìm kiếm. Tại đây, họ phát hiện một ổ ấu trùng ve sầu dưới lòng đất. Sau khi đào tổ ấu trùng ve sầu lên, họ dùng cuốc đập vỡ tổ và bắt được khoảng 30 con ấu trùng ve sầu. Về đến nhà, một người trong nhóm đem vào bếp chế biến món nhậu. Mới ăn được vài miếng, cả ba đều dừng đũa vì nhộng ve có vị đắng. Sau đó, ba người đi hái xoài làm mồi nhậu tiếp.

Khoảng 16h cùng ngày, cả ba người đều có triệu chứng co giật, ói mửa. Ngay sau khi phát hiện, người dân đưa ông Mỏn, Ba và Khâm tới bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Phước để cấp cứu. Sau khi được cấp cứu, hồi sức, đến sáng 6/5, ông Điểu Khâm được xuất viện, ông Điểu Ba đã qua cơn nguy kịch, riêng ông Điểu Mỏn huyết áp vẫn cao, hôn mê sâu.

Cách đây không lâu, bệnh viện Đa khoa Đồng Nai đã tiếp nhận cấp cứu hai bệnh nhân bị ngộ độc nặng do ăn ấu trùng ve sầu (có một người khác cũng ăn và bị ngộ độc nhẹ). Vài ngày sau, tiếp tục có 22 người trong hai gia đình (ở tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và Bình Thuận) bị ngộ độc do ăn ấu trùng ve sầu, nhiều người phải cấp cứu trong tình trạng nôn ói, chân tay co giật và hôn mê sâu.

Cũng ăn ấu trùng ve sầu, ông N.V.L. (63 tuổi), ông P.V.X. (57 tuổi), ông V.V.L (35 tuổi) và ông L.V.C (50 tuổi, cùng ngụ tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) bị ngộ độc và cấp cứu trong tình trạng nguy kịch tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP. HCM). Bác sĩ Phạm Trí Dũng, trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết các bệnh nhân nhập viện trong trạng thái nguy kịch, lơ mơ, không tỉnh táo.

Theo thống kê của cơ quan chức năng, thời gian qua các xã thuộc vùng giáp ranh hai tỉnh Bình Dương và Đồng Nai đã có hàng chục trường hợp bị ngộ độc nặng phải nhập viện sau khi ăn ấu trùng ve sầu. Tất cả các bệnh nhân đều có biểu hiện nôn ói, chân tay co giật, run, mắt dãn đồng tử. Đặc biệt, đã có một trường hợp tử vong là ông Nguyễn Ngọc T. (SN 1943, ngụ tỉnh Đồng Nai), sau gần một tháng điều trị tại bệnh viện.

Sự thật không phải ai cũng biết rõ

Trao đổi với PV, tiến sĩ Lâm Quốc Hùng, trưởng phòng Giám sát ngộ độc thực phẩm (Cục An toàn thực phẩm) cho biết, trước hàng loạt vụ ngộ độc ấu trùng ve sầu, Cục An toàn thực phẩm đã chỉ đạo Chi cục An toàn thực phẩm tỉnh Bình Thuận và Bà Rịa- Vũng Tàu vào cuộc xác minh. Qua đó, cơ quan chức năng đã xác định, nguyên nhân ngộ độc do người dân nơi đây đã sử dụng ấu trùng ve sầu dưới lòng đất, trong những gốc cây có lá mục để chế biến (rang, xào) làm thức ăn.

“Đáng lưu ý, các ấu trùng này không còn hình dáng nguyên bản của ấu trùng ve sầu mà trên đầu xuất hiện từ 1-5 cọng tựa như những cái râu. Ấu trùng khác thường này chính là cấu trúc của một loại nấm cực độc. Độc tố từ nấm gây ngộ độc ngay sau khi ăn từ 2-3 giờ tùy thuộc vào lượng ấu trùng đã ăn (có người chỉ ăn một con đã ngộ độc)”, tiến sĩ Hùng cho hay.

Theo tiến sĩ Ngô Vĩnh Viễn, Viện trưởng Viện Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), các ấu trùng ve sầu có cấu trúc khác thường như vậy là do nấm độc đã ký sinh vào ấu trùng, làm tổ, khiến cho ấu trùng ve sầu chết, chỉ còn lại một “bọc độc tố nấm”. Người dân tuyệt đối không được sử dụng, chế biến làm thức ăn dưới bất cứ hình thức nào.

Thạc sĩ Nguyễn Gia Bình, chuyên gia sinh vật học tại các tỉnh phía Nam, cho biết, thực tế cho thấy, một số người khi ăn ấu trùng ve sầu có thể bị dị ứng như nổi mề đay, mẩn ngứa khắp người nhưng đó là trường hợp nhẹ. Đối với trường hợp nặng, người bị ngộ độc có triệu chứng sốc phản vệ (khó thở, nôn mửa, co giật…), nặng có thể tử vong. Nguyên nhân được cho là do bệnh nhân ăn ấu trùng ve sầu nhiễm nấm ký sinh.

Lý giải rõ hơn về nguyên nhân gây ngộ độc, thạc sĩ Bình cho biết, theo kinh nghiệm dân gian, người dân rất thường hay ăn ấu trùng ve sầu. Tuy nhiên, do sống trong đất nên các con ấu trùng này bị rất nhiều nấm ký sinh, người ăn phải có thể bị ngộ độc nặng. Những độc tố nấm không bị phá hủy bởi nhiệt độ, không bị mất đi khi sơ chế, vệ sinh, tẩy rửa, do đó dù đã chiên, xào kỹ, độc tố nấm từ các ấu trùng vẫn có khả năng gây ngộ độc.

Bác sĩ Hoàng Đại Thắng, trưởng Khoa Hồi sức - Chống độc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, cho biết, bản thân nhộng ve sầu không có độc tố gây chết người. Tuy nhiên có một loài nấm có tên khoa học là Gyrommitrin thường sống ký sinh trên thân ve sầu thì rất độc. Nếu không may ăn phải những con bị nhiễm loại nấm này thì nguy cơ bị ngộ độc rất cao.

Không ăn ấu trùng có màu sắc khác lạ

Thạc sĩ Nguyễn Gia Bình, chuyên gia sinh vật học tại các tỉnh phía Nam, khuyến cáo: “Những ấu trùng ve bị nấm kí sinh thường có hình dáng khác thường: Đầu nhỏ, phần về cuối đuôi hơi phình ra. Do đó, người dân cần phải cảnh giác với những ấu trùng, côn trùng thu lượm được. Không ăn ấu trùng, côn trùng lạ (không biết là con gì), ấu trùng bị chết, ấu trùng có hình dạng, màu sắc khác lạ so với tự nhiên”.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cảnh báo nấm độc kí sinh trên thân ấu trùng ve sầu gây chết người