Nhật báo hàng đầu Italy "La Repubblica" số ra mới đây đã đăng bài bình luận của nhà báo Andrea Bonanni về những căng thẳng ngày càng gia tăng giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ với tiêu đề: "Cuộc chơi nguy hiểm của hai vị Tổng thống".
Theo tác giả bài báo, những lời tố cáo của ông Putin đối với ông Erdogan, những bức ảnh tố cáo chính Thổ Nhĩ Kỳ mới là bên được hưởng lợi nhiều nhất từ dầu lửa của Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS), những lời bóng gió vào việc buôn lậu dầu mỏ đã được "vận động hành lang" đến tận thượng tầng của Ankara... đã cho thấy sự leo thang trong cuộc đối đầu của hai vị tổng thống này.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và Tổng thống Nga Vladimir Putin
Nga và Thổ Nhĩ Kỳ là hai nước lớn và mới đây cũng áp dụng một mô hình lãnh đạo quốc gia theo hướng dân chủ, dựa trên những giá trị phương Tây ở thời hậu Chiến tranh Lạnh. Tuy nhiên, sự chuyển đổi này mới thành công một nửa. Cả hai nhà lãnh đạo đều nhận được sự ủng hộ lớn lao của công chúng cũng như Quốc hội. Các đối thủ chính trị đều bị loại trong những hoàn cảnh không rõ ràng. Do đó, cả ông Putin và Erdogan có được quyền lực gần như là vô tận trong cuộc chơi quyền lực của họ, dưới chiêu bài chủ nghĩa dân tộc và lợi ích quốc gia, xuất phát từ những tư tưởng muốn khôi phục lại ảnh hưởng của hai đế quốc cũ.
Ông Erdogan, từng có thời nói rằng ông là bạn của ông Assad (ông này cũng từng nói điều tương tự với ông Putin), nhưng bây giờ lại muốn loại bỏ ông ta khỏi Damascus. Ông Erdogan muốn trở thành một lực lượng Hồi giáo Sunni để ngăn cản sự bắt tay giữa các quốc gia Hồi giáo Shi'ite và Alawite. Ông không muốn Syria rơi vào quỹ đạo của Iran, như hoàn cảnh của Iraq bây giờ. Ông muốn tạo ra một vùng đệm an toàn dọc biên giới trong lãnh thổ Syria để ngăn cản sự hình thành của một nhà nước của người Kurd nằm giữa Iraq và Syria. Điều đặc biệt quan trọng là ông Erdogan muốn ngăn chặn sự mở rộng một liên minh chống IS với sự tham dự của Nga và tiếp tục duy trì chế độ Assad ở Syria. Tóm lại, ông ta rất quan tâm đến Syria và đang bảo vệ lợi ích của Thổ Nhĩ Kỳ ở đó bằng mọi giá.
Trong khi đó, ông Putin lại muốn bảo vệ chế độ Assad bằng mọi giá bởi đó là một sự đảm bảo cho việc Nga duy trì được sự hiện diện của mình về quân sự và chính trị ở Địa Trung Hải. Sau thất bại trong cuộc can dự vào Afghanistan, Nga luôn lo ngại các phong trào Hồi giáo Sunni cực đoan có thể lan rộng tới Trung Á sát sườn họ. Moskva cho rằng Hồi giáo Shi'ite ôn hòa hơn, dễ "giật dây" hơn và đặc biệt là dễ thỏa hiệp hơn. Việc mở ra mặt trận Syria mà hiện họ đang đóng một vai trò chủ chốt cũng sẽ cho ông Putin một cơ hội chính trị để đối đầu với phương Tây ở mặt trận Ukraine - nơi lập trường của họ mạnh mẽ và cứng rắn hơn.
Tác giả Bonanni cho rằng với những quan điểm hoàn toàn trái ngược như trên, hai vị Tổng thống đã lao vào nhau trong một cuộc đối đầu thuần túy, với một logic duy nhất là hành động ấy có thể giúp họ duy trì sự ủng hộ của cử tri trong nước. Điều mà cả Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đều quan tâm là thể hiện được vai trò và chủ quyền của mình trước một phương Tây từng là một khối hùng cường, nhưng hiện dường như đã đánh mất khả năng cũng như ham muốn lãnh đạo thế giới của mình.
Cụ thể là gì? Tại Iraq, sự bành trướng của IS đã bị chặn lại trước cửa ngõ Baghdad bởi các lực lượng Hồi giáo Shi'ite do Tehran tài trợ. Ở Syria, IS cũng thất bại trước các lực lượng Hezbollah thân thiết với Iran, cũng như tên lửa và bom đạn từ tàu khu trục và máy bay ném bom Nga trong các chiến dịch quân sự với mục đích bảo vệ chế độ Assad. Trong khi đó, liên minh quân sự chống IS do Mỹ đứng đầu đã không giành được bất cứ kết quả tích cực nào trên thực địa. Các đồng minh châu Âu tham gia trong chiến dịch quân sự này cũng không có một sự phối hợp hiệu quả nào cũng như chiến thuật nào.
Tác giả Bonanni kết luận rằng chính nhờ phong cách lãnh đạo dân chủ của phương Tây nên cả Nga và Thổ Nhĩ Kỳ - những nước nửa dân chủ - mới có điều kiện thể hiện vai trò của mình trong một cuộc khủng hoảng mà những chế độ độc tài như Assad và các tổ chức man rợ như IS đang đóng vai chính.