Sau những ngày dài lên đênh trên biển, hải sản đầy hầm, ngư dân trên nhiều tàu lớn ở Hải Thanh, Hải Bình (Nghi Sơn, Thanh Hóa) hồ hởi trở về nhà. Thế nhưng, ngoài kia biển rộng, sóng lớn lại không “sợ” bằng đoạn đường trở vào Cảng Lạch Bạng. Nếu không phải tay lái kỳ cựu hiểu con nước, luồng đá ngầm thì dễ mắc cạn như chơi. Lúc đó, mọi công sức đổ sông, đổ bể.
Chúng tôi trở lại Lạch Bạng vào đầu tháng 8, sau một tuần mưa tầm tã, cảng cá có vẻ sạch hơn, đỡ nặng mùi. Khung cảnh chung vẫn là sự hoang vắng, nhiều dãy nhà cửa đóng im ỉm. Chỉ có 1 chút khu vực ngoài bến là còn xì xèo người bán, kẻ mua.
Sà vào quán nước của bà Nguyễn Thị Si (68 tuổi, xã Hải Bình) để hỏi chuyện nghề cá. Nhà bà Si có 4 chiếc tàu đánh bắt thu mua hải sản do 4 người con trai chỉ huy. Chồng bà mất cách đây chưa lâu. Được khách gợi chuyện, bà Si chỉ lắc đầu ngao ngán: “Năm nay đói lắm cháu ạ, đánh bắt kém lắm, giá cả nhiên liệu tăng, lương cho anh em ngư dân cũng phải tăng mà nguồn thu chẳng được là bao. Đấy cháu nhìn cảnh chợ cá là biết. Mấy năm trước phải kín bưng cả khu vực này.”
Ông Nguyễn Văn Tám, ngư dân ở phường Hải Bình chỉ tay về phía con tàu TH 91566, nói với giọng buồn rười rượi: "Bao nhiêu năm tôi vươn khơi bám biển trên con tầu này, có những lúc khó khăn vất vả nhưng chưa bao giờ lại khó khăn như lúc này. Hàng tháng nay tàu của chúng tôi phải nằm ì tại cảng vì luồng lạch bị bồi lắng nghiêm trọng chỉ lúc nào triều lên chúng tôi mới tranh thủ cho tàu chạy nhanh mới vào, ra kịp nếu không thì tàu bị mắc cạn sóng đánh vỡ tung.
Trước đây, mỗi tháng chúng tôi ra khơi 5-6 chuyến chi phí cho mỗi chuyến đi chỉ mất 50-70 triệu. Nhưng nay mỗi tháng tàu chạy ra không nỗi một chuyến cộng với giá dầu đắt đỏ, đá lạnh tăng cao, công lao động cũng nâng lên nên chúng tôi không thể nào xoay xở được, hiện nay luồng lạch từ phía cảng ra bị bồi lắng cát tàu chúng tôi đành phải nằm im tại cảng".
Cửa Lạch Bạng bị bồi lắng khiến mọi người rất lo lắng vì mỗi con tàu ra khơi phải đầu tư nhiều tỉ đồng thế nhưng phải nằm bờ phơi mưa, nắng. Không có công ăn việc làm, nợ ngân hàng không trả được nên khó khăn chồng chất khó khăn. Cảng biển bị bồi lắng khiến việc ra, vào vô cùng khó khăn. Khi tàu hư hỏng, muốn đánh vào trong cảng để sửa chữa cũng không thể vào được, hoặc vào được thì cũng khó mà ra.
Theo lời những người tiểu thương ở đây, trước kia mỗi ngày có đến hàng trăm lượt tàu thuyền có công suất lớn về đây bán hải sản. Những con tàu lớn ở các tỉnh ngoài họ đánh bắt hải sản ở vùng biển Vịnh Bắc Bộ nhập cho nhiều nhà máy chế biến thủy sản, giải quyết cho nhân dân 2 xã và các địa phương lân cận hàng ngàn lao động. Nguồn thủy sản dồi dào nên các tiểu thương chọn được hàng tươi để đi bán lẻ. Kiếm sống có phần tươm tất hơn.
Thế nhưng, vài năm gần đây cát biển bồi lắng luồng lạch, trong khi đó chỉ riêng tàu có công suất từ 400 đến 1000 CV không thể vào cửa Lạch Bạng được. Nếu hôm nào triều cường thì tàu gầm máy mãi, mất từ 10 đến 12 tiếng đồng hồ thì loại tàu lớn mới vào cập bến.
Hiện nay do cát bồi lắng có rất nhiều tàu không vào được cảng đã làm thủy sản tươi sống bị hư hỏng, thời gian vận hành lâu mới đưa tàu vào cảng đã làm tăng chi phí xăng, dầu. Theo đó, người dân trên bờ cũng mất công ăn việc làm do nhà máy chế biến cá không có nguyên liệu. Vì tàu đánh cá các tỉnh đã không vào Cảng cá Lạch Bạng được nên phải tìm đến các cảng khác.
Anh Nguyễn Văn Đức sinh năm 1991, quê Hải Bình, chủ tàu cá TH93788 tâm sự: Để đánh bắt trên biển, tàu của gia đình mình phải thuê từ 10 đến 15 ngư dân. Do đánh bắt dài ngày nên chủ tàu phải cho ngư dân ứng tiền lương trước từ 3 đến 5 triệu đồng/người/ chuyến để họ đưa cho người thân ở nhà chi tiêu.
Ngoài ra còn chuẩn bị đá để ướp cá; chuẩn bị từ 3.500 đến 4000 lít dầu và thực phẩm, nước sinh hoạt…cho thủy thủ đủ dùng trong cả chuyến ra khơi (tổng chi phí từ 120 đến 150 triệu/chuyến). Hiện nay, giá xăng dầu lại lên cao, sản lượng không ổn định, bên cạnh đó tàu vào, ra bến khó khăn, vì vậy nhiều tàu không dám ra khơi nữa.
Đánh bắt kém, lại khó ra vào cảng dẫn tới thu không bù được chi phí khiến các chủ tàu lao đao. Từ cuối năm 2021 đến nay, gần chục phương tiện đánh bắt của 6 hộ gia đình đã bị ngân hàng tổ chức cưỡng chế vì vay vốn Chương trình đánh bắt xa khơi theo Nghị quyết 67/CP đã hết thời hạn nhưng vẫn chưa có tiền trả cho dự án.
Trao đổi với PV, ông Đinh Tiến Đạt, cán bộ phụ trách Cảng cá Lạch Bạng cho biết: “Trong mấy năm trở lại đây tình hình hoạt động buôn bán, giao thương bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, giá nhiên liệu leo thang khiến ngư dân khó cân đối được thu chi. Hiện nay, ngư dân kiến nghị nhiều nhất là đường vào Cảng bị bồi lắng. Nhiều tàu có công suất lớn không thể cập bến. Việc ra vào phải chờ thủy triều tới 2-3 hôm.
Cảng Lạch Bạng chủ yếu tàu dịch vụ, thu mua. Hiện mỗi ngày, số lượng tàu thuyền ra vào 3-5 chiếc công suất trên 400 CV- 600 CV. Nếu nạo vét được thì số tàu lớn vào cảng có thể tiếp nhận hàng chục chiếc. “Trên địa bàn có 25- 30 cơ sở thu mua, chế biến hải sản đã tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động. Nhưng do tàu lớn không vào được phải trung chuyển hoặc thiếu hụt nguồn nguyên liệu nên các nhà máy phải cắt giảm công suất, công nhân”, ông Đạt nói.
Lao động trên biển và ăn theo nghề biển cứ thế mai một dần. Những cột mốc trên biển khơi mênh mông ngày một vắng bóng nếu như không có các chính sách kịp thời để hỗ trợ ngư dân.
Kỳ 2: Nghề đi biển ngày càng mai một