Trong hàng chục danh sách “những cái tít” ấy, không thấy vấn đề Biển Đông, chống tham nhũng, chỉnh đốn Đảng hay những vấn nạn của ngành giáo dục, y tế...
Thời vài chục năm trước, khi mà sách báo còn rất ít, phải mua phân phối như mua thực phẩm thì chẳng thấy ai phàn nàn về văn hoá đọc. Còn giờ đây, khi Internet tràn ngập khắp mọi ngõ ngách, nghĩa là muốn đọc thứ gì chỉ vài chục giây là có ngay tắp lự, khi sách báo đầy chật các sạp, các quầy, thì những lời kêu ca về sự lười đọc của người Việt lại thấy gióng lên ở khắp nơi. Nghe thấy có gì đó vô lý và tức cười. Có thể khẳng định ngay rằng người Việt không hề lười đọc hơn trước đây, nếu xét về dung lượng chữ mà họ lướt qua. Vì vậy nói người Việt lười đọc một cách chung chung là không chính xác. Vấn đề là họ đang đọc gì, đang quan tâm đến những vấn đề nào của cuộc sống?
Tìm hiểu việc này hoá ra còn dễ hơn cả việc tìm một món hàng cần mua trên mạng. Bởi vì nhiều khi chỉ cần đánh tên không món hàng chính xác, Google sẽ cho kết quả sai lệch. Ấy là chưa kể nhiều khi cái ông Gút-gồ cũng lười, cập nhật qua quýt, bỏ mất nhiều thứ. Còn chuyện mà tôi đang quan tâm, chỉ cần dùng vài cú nhấp chuột, với tốc độ vèo vèo, có thể vào ngay những trang báo mạng nổi tiếng nhất. Những trang báo này thuộc hàng “toàn dân”, nên bất cứ ai cũng có quyền và có thể truy cập. Vì tế nhị, xin cho phép tôi không nêu tên những trang báo ấy. Đây là mục đọc nhiều nhất, được rút tít lên trang giao diện và được in ở những vị trí trang trọng nhất của một trong những trang báo mạng vào loại khủng nhất hiện nay-cả về lượng thông tin mà nó cung cấp, lẫn số người đọc. Và tôi có ngay những cái tên bài mà bất cứ ai cũng nhận ra tính câu khách của nó:
• Vợ ăn đòn vì không biết cách làm cho chồng… lên đỉnh
• Kiệt quệ vì chồng 60 vẫn sex như hổ báo
• 4 cây di sản kỳ lạ ở một trường học
• Khó tin: U80 cường tráng như thanh niên
• Clinton và Bush: Kẻ mang phúc lành, người là gánh nặng
• Tã, khăn, giấy vệ sinh: Ổ bệnh tràn ngập thị trường
• Sứ quán Nhật ở Bắc Kinh lại bị bao vây
• Mắc bẫy 'gái giang hồ', đại gia thiệt mạng
• Tủi nhục thiếu nữ lấy chồng ngoại để báo hiếu
• "Chuyện ấy" làm biến đổi cơ thể nàng thế nào?
• Thanh Lam, Nguyên Thảo: Tinh tế đến... khó tin!
• Nóng trong ngày: Cháu đích tôn đốt 11 người
Để khách quan, tôi vào tiếp những trang mạng khác, với cùng một mục đích. Mục đọc nhiều nhất của một trang báo mạng thuộc loại ông lớn khác, chỉ hơn thua nhau một bậc, cũng có cả một danh sách dài ngoằng ngoẵng những vấn đề nóng sau đây:
• 'Đại gia đi BMW' giăng bẫy phái đẹp
• 'Tham nhũng ở Việt Nam vừa tinh vi vừa trắng trợn'
• Ném con mới sinh vào tường vì vợ không 'chiều'
• Hai lần ném con 14 tháng tuổi xuống mương
• Thôn nữ 'hoạn' chồng trong cơn hận tình
• Hơn 1.000 ngày sám hối của Kim Anh
• Truy sát đẫm máu ở Sài Gòn vì nợ tiền đi bar
• Bi kịch của kiều nữ chạy theo người tình
• Người phụ nữ nước ngoài bị giết trong nhà 3 tầng
• Công an phường bị tố đánh người tử vong
• Rủ 7 người rình vợ 'ăn vụng'
• Đặc nhiệm đấu súng với băng giang hồ
• 'Săn' gái trẻ lúc trời tối
• 'Họ đánh nhau loạn xạ, hung khí văng khắp nơi'
Và đây nữa, cũng một trang báo mạng có cái tên rất đẹp và cực kỳ đáng tin, thứ mà người ta “đọc nhiều nhất” hoá ra cũng chẳng khác mấy với các trang kia:
• Say rượu, đánh chết bạn thân
• Án mạng từ lời gạ tình đồng giới
• Kịch bản của kẻ sát nhân
• Học Hà Hồ mặc thanh lịch cả tuần
• Tăng Thanh Hà mặc gì trong ngày vu quy?
• Hot girl Tâm Tít đã nhiễm "virut sexy"
• Khởi tố kẻ sát hại con ruột 2 tuần tuổi
Toàn chuyện giật gân, không tình ái thì cũng bạo lực, không giết vợ thì cũng bóp cổ con; hay sự ăn chơi cháy trời của các sao, sự õng ẹo của “ranh hài” “ranh thủ” “ranh ca” nào đó. Bạn đọc nhớ cho, tôi đang lướt mạng trong cùng một ngày và mới chỉ trên vài trang trong tổng số hàng ngàn trang báo có phép hẳn hoi. Thậm chí có báo, cũng cùng vấn đề nóng thể hiện trong mấy chục cái tên vừa nêu, nhưng hình như rút tít như vậy chưa đủ nóng, họ muốn gây bỏng cho độc giả ngay từ cái liếc mắt, bằng cái tít mà tôi không nỡ nêu ra đây. Nêu ra đây sợ bạn đọc lại tưởng nhầm là rác! Nếu chịu khó mò mẫm tiếp, sẽ còn nhặt được hàng trăm những thứ tương tự. Điều đáng nói hơn là chúng, những thứ ấy, đang được coi là thu hút mối quan tâm của nhiều người đọc nhất. Nói văn hoa hơn, bác học hơn thì những thứ đó đang trở thành món chính trong thực đơn tinh thần của người Việt (không phải tất cả, nhưng là bộ phận lớn).
Trong hàng chục danh sách “những cái tít” ấy, không thấy vấn đề Biển Đông, chống tham nhũng, chỉnh đốn Đảng hay những vấn nạn của ngành giáo dục, y tế, giao thông… Càng hiếm hoi với những vấn đề mang tính học thuật, lịch sử, mỹ học có tác dụng nâng cao học vấn, kiến thức theo kiểu khai trí. Hay là người Việt đã quá no đủ những thứ cao cấp ấy? Bằng chứng là sách thuộc hàng quý hiếm về mọi phương diện, của các tác giả lớn về mọi kích cỡ, được bầy bán như bán khoai trên các loại vỉa hè, với giá còn thua xa giá một cân khoai, mà có thấy mấy ai ngó ngàng, ỏ ê gì đâu? Nếu ai đó cúi xuống mua làm phúc, thì cũng chỉ để làm dáng là chính. Nó được bầy cho ra vẻ trí thức chứ không phải vì nhu cầu đọc. Hoặc như xét tình trạng xuất bản hiện nay, cũng cho câu trả lời tương tự, rằng có thể người Việt đã no kiến thức, no thẩm mỹ, no triết học, no giáo dục: Dân gần một trăm triệu, mà sách cao cấp nói về các lĩnh vực ấy, in ra chỉ ngàn bản vẫn ế trầy ế trật?
Nhưng nếu xét cả về hình thức và nội dung của lối sống, phép ứng xử phổ biến hiện nay, được xem là kết quả của sự đọc, thì không thể tin vào lập luận ấy. Bởi nếu đọc sách nhiều như vậy, no nê kiến thức như vậy thì người ta đã không cướp, hiếp, giết, tham nhũng, đua xe, ăn cắp, chạy chức chạy quyền, tranh giành nhau từng phân đất…như thực trạng xã hội hiện nay; người ta không ăn nói đằng đằng sát khí khi cãi nhau chỉ vì một chuyện cỏn con; không chen ngã cả cụ già, em nhỏ khi lên xe bus; không chửi cả người bằng tuổi bố, tuổi ông mình; không đang tâm châm lửa thiêu chồng, vợ, con, hàng xóm; không bỏ đói bố mẹ già, ném trẻ sơ sinh vào thùng rác, nặn bóp học sinh chí tử…như ngày nào cũng nghe rác cả tai, đến nỗi có người đã nghĩ đến một thứ rác vô hình. Vậy là đọc đấy mà vẫn không phải là đọc; bội thực thông tin mà vẫn đói văn hoá, đói học vấn, đói kỹ năng sống; thừa mứa chữ mà vẫn viết chẳng thành câu…
Ngạn ngữ có câu: “Hãy xem anh đọc gì, tôi sẽ biết anh là ai?” Suy rộng ra thì cũng có thể nói: “Hãy xem mọi người đọc gì, sẽ biết dân trí ở đó thế nào?” Nếu đúng vậy thì chả biết chúng ta thuộc hạng nào về mặt dân trí? Việc phán xét đó xin để giành cho bạn đọc. Trước khi thống nhất cách gọi tên của loại bệnh trên, tôi mạo muội đề xuất vài cách gọi như sau: Đó là hội chứng càng ăn càng đói, càng nhiều càng thiếu, càng giầu càng nghèo; càng văn minh càng man rợ …
Nguy cấp thay!