Cẩn trọng với tư nhân hóa

Bảo Dân| 19/04/2017 09:24
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Mới đây, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh, mục tiêu hướng tới đa sở hữu doanh nghiệp, theo xu hướng vận hành của thị trường hiện đại.

Theo thông tin từ Công ty CP Bóng đèn Điện Quang, bà Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa là cổ đông lớn thứ 6 của công ty. Đến ngày 30/11/2016, cổ phiếu do bà Thoa nắm giữ đã tăng lên 1.686.415 với giá trị ước tính 102 tỉ đồng, tương đương 4,91% vốn điều lệ. Nhiều thành viên khác trong gia đình bà như mẹ đẻ, em trai, trưởng nữ, thứ nữ đang nắm giữ nhiều cổ phiếu DQC.

Tính ra, gia đình bà Thoa làm chủ 11,78 triệu cổ phiếu DQC với số tiền lên đến 718 tỉ đồng và nhiều chức vụ quan trọng nhất công ty. Nói như anh chị em công nhân Điện Quang, công ty này coi như là của gia đình bà Thoa, nghĩa là nhờ cổ phẩn hóa, doanh nghiệp nhà nước đã trở thành doanh nghiệp tư nhân.

Các chuyên gia pháp lý cho rằng, khi cổ phần hóa, cán bộ công nhân viên Công ty Điện Quang trong đó có bà Giám đốc Kim Thoa được mua theo giá uu đãi. Tuy nhiên không mấy người lao động giữ cổ phần này mà nhanh chóng bán đi và người mua lại là gia đình bà Hồ Thị Kim Thoa. Bà Kim Thoa phải gom rất nhiều cổ phiếu của người lao động bán lại thì mới có mức sở hữu khủng, trở thành chủ công ty với tài sản kếch xù nhưng vẫn được coi là không vi phạm pháp luật.

Thực trạng này khá phổ biến khiến tài sản và quyền lợi Nhà nước bị xâm phạm trong khi dư luận xã hội rất bức xúc về việc định giá tài sản doanh nghiệp nhà nước quá rẻ, nhất là thương hiệu và đất đai đều có “vấn đề”, dẫn tới thất thoát tài sản, vốn của nhà nước.

Câu chuyện này cho thấy một bất cập trong cổ phần hóa rất cần điều chỉnh theo hướng siết chặt quản lý việc định giá thương hiệu và giá trị quyền sử dụng đất.

Mới đây, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh, mục tiêu hướng tới đa sở hữu doanh nghiệp, theo xu hướng vận hành của thị trường hiện đại.

Hai mục tiêu còn lại là phải nâng cao hiệu quả và quản trị doanh nghiệp, đồng thời phải bảo vệ lợi ích Nhà nước trong một số trường hợp quan trọng, ví dụ như giữ thương hiệu quốc gia.

Thực tế cho thấy, hàng loạt DN nhà nước sau khi cổ phần hóa, do bị tư nhân hóa đã hủy bỏ nghề chính, tận dụng lợi thế địa lý, chuyển sang kinh doanh bất động sản, sau đó, đóng cửa luôn doanh nghiêp cũ, người lao động bị đẩy ra đường.

Vấn đề thất thoát tài sản và nhất là giá trị thương hiệu và giá trị đất đai của DN được Nhà nước giao đã bị định giá quá bèo vì lợi ích nhóm và rốt cuộc quyền lợi chỉ dành cho một nhóm người vốn là lãnh đạo doanh nghiệp còn thực chất người lao động vừa mất đi danh nghĩa công nhân viên trong biên chế nhà nước, trở thành người làm thuê cho chủ tư nhân mà thu nhập không tăng.

Vì vậy mới có chuyện Chính phủ đang soạn thảo một Nghị định mới về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Theo đó, Nghị định sẽ ban hành phải khắc phục được những bất cập, sơ hở, khiến doanh nghiêp nhà nước bị tư nhân hóa hoặc trở thành doanh nghiêp gia đình như trường hợp Công ty Điện Quang. Trong các ý kiến chỉ đạo, Phó Thủ tướng Vương Đinh Huệ đã vạch rõ, nhất thiết không được bày đặt thêm thủ tục hành chính vô lý, rắc rối làm cản trở quá trình sắp xếp đổi mới doanh nghiệp Nhà nước.

Hy vọng chỉ đạo mới của Chính phủ sẽ xử lý các bất cập và đưa công tác cổ phần hóa trở về đúng quỹ đạo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cẩn trọng với tư nhân hóa