Chính trị

Cần thiết thành lập TAND sơ thẩm chuyên biệt

Nam Phương 23/11/2023 - 14:19

Góp ý về dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Văn Huy – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình cho rằng, việc thành lập Tòa án chuyên biệt để giải quyết một số loại vụ việc đặc thù là phù hợp và cần thiết…

Bày tỏ thống nhất với sự cần thiết sửa đổi Luật Tổ chức TAND, đại biểu Nguyễn Văn Huy – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình đề nghị, cơ quan thẩm tra, cơ quan chủ trì soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát, đánh giá kỹ hơn về tính khả thi và nguồn lực thực hiện một số quy định, nhất là nội dung mới, chính sách mới được quy định trong dự thảo Luật để bảo đảm thi hành.

Để hoàn thiện dự thảo luật, đại biểu góp ý vào nhiều nội dung liên quan đến: Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt; Về bổ sung các nhiệm vụ, quyền hạn mới cho Tòa án; Về bảo vệ Thẩm phán. Cụ thể:

Về Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt: Đại biểu cho rằng, việc thành lập Tòa án chuyên biệt để giải quyết một số loại vụ việc đặc thù, có tính chuyên môn sâu đáp ứng yêu cầu của thực tiễn là phù hợp và cần thiết; góp phần giải quyết nhiệm vụ “xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp” được đặt ra trong Nghị quyết số 27 của Trung ương.

nguyen-van-huy.jpg
Đại biểu Nguyễn Văn Huy - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình

Trên thực tế, Thẩm phán cùng một lúc phải xét xử các vụ việc ở nhiều lĩnh vực khác nhau chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến chất lượng xét xử. Thẩm phán cần được chuyên môn hóa càng sâu, càng cụ thể lĩnh vực xét xử thì hiệu quả, chất lượng càng được nâng cao. Việc tổ chức TAND sơ thẩm chuyên biệt đối với một số loại án khó sẽ phát huy trình độ chuyên môn sâu của Thẩm phán, Hội thẩm, từ đó nâng cao chất lượng giải quyết loại án này, đặc biệt là các loại án, như: án về phá sản, án về sở hữu trí tuệ,…

Đại biểu tỉnh Thái Bình cũng nêu ý kiến với việc thành lập TAND sơ thẩm chuyên biệt tại địa hạt pháp lý nào; số lượng bao nhiêu; cơ cấu tổ chức của Tòa án này như thế nào cũng phải được thể hiện rõ trong hồ sơ dự án luật để được xem xét, nghiên cứu một cách thấu đáo.

Về bổ sung các nhiệm vụ, quyền hạn mới cho Tòa án: Dự thảo luật đề xuất bổ sung 02 nhiệm vụ: “Giải quyết, xét xử vi phạm hành chính theo quy định của luật” (điểm b khoản 2 Điều 3 và Điều 26); “Quyết định những vấn đề liên quan đến quyền con người, quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của luật” (điểm c khoản 2 Điều 3 và Điều 27).

Đại biểu thống nhất với việc bổ sung các nhiệm vụ này trong dự thảo Luật để thể chế hóa Nghị quyết 27: “Mở rộng thẩm quyền của Tòa án trong xét xử các vi phạm hành chính, quyết định một số vấn đề liên quan đến quyền con người, quyền công dân”. Điều này, quy định: bên cạnh việc Tòa án tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ đã được luật hiện hành quy định; thì Tòa án sẽ thực hiện nhiệm vụ khác khi được Luật giao thêm, bảo đảm tính khả thi và phù hợp với nguồn lực của các Tòa án.

Đồng thời, riêng về bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn: “Giải thích áp dụng pháp luật trong xét xử” (điểm đ khoản 2 Điều 3 và Điều 30), đại biểu tán thành quy định của dự thảo Luật với 4 lý do sau:

Một là, trong bộ máy nhà nước, chỉ duy nhất Tòa án có quyền ra bản án tuyên một người có tội hay không có tội. Như vậy, phán quyết của Tòa án liên quan trực tiếp đến sinh mệnh chính trị của con người. Do đó, Tòa án phải giải thích rõ trong bản án: (vì sao lại tuyên họ có tội; vì sao lại áp dụng Luật này, mà không phải Luật khác; vì sao lại áp dụng Điều này, mà không phải Điều khác...).

Hai là, hoạt động “giải thích áp dụng pháp luật trong xét xử” là hoạt động lâu nay các Tòa án, các Thẩm phán vẫn đang làm khi xét xử, (không phải là hoạt động mới). Do đó, việc luật hóa hoạt động “giải thích áp dụng pháp luật trong xét xử” vào Dự thảo Luật tổ chức TAND sẽ ràng buộc trách nhiệm cao hơn đối với các Tòa án, các Thẩm phán. Tạo cơ sở pháp lý để xã hội (mà trước hết là bị cáo, đương sự) giám sát hoạt động xét xử, giám sát bản án của Tòa án. Đồng thời, đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết Trung ương 27 về “Bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền công dân trong hoạt động xét xử”.

Ba là, việc bổ sung quy định này không trùng với thẩm quyền “giải thích luật, pháp lệnh” của UBTVQH. Vì UBTVQH giải thích “nội dung quy định của luật, pháp lệnh”; còn Tòa án giải thích “việc áp dụng pháp luật” trong từng vụ án cụ thể khi xét xử.

Bốn là, quy định này sẽ góp phần nâng cao chất lượng bản án của Tòa án, bảo đảm tính logic trong bản án, quyết định của Tòa án, tránh tình trạng bản án, quyết định của Tòa án chỉ có nội dung vụ việc, căn cứ và quyết định của Tòa án, không bảo đảm những lập luận, giải thích thuyết phục đối với người bị điều chỉnh bởi bản án, quyết định đó. Từ đó, tăng niềm tin của người dân vào hệ thống tư pháp.

Về bảo vệ Thẩm phán: Thống nhất với dự thảo Luật đưa ra quy định về việc bảo vệ Thẩm phán khi thi hành công vụ, đại biểu cho biết, trên thực tế, Thẩm phán phải thường xuyên tiếp xúc với tội phạm, những mặt trái của xã hội, tiềm ẩn rủi ro cao, nhiều nguy hiểm. Cần quy định chi tiết hơn về bảo vệ Thẩm phán và thân nhân của Thẩm phán nói riêng, công chức Tòa án nói chung trong trường hợp được phân công giải quyết, xét xử các loại vụ án theo quy định tại Chỉ thị 26-CT/TW. Có như vậy mới đảm bảo hỗ trợ Thẩm phán yên tâm công tác, hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ xét xử.

Ngoài ra, tại Điều 64 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước cũng chỉ đặt ra vấn đề trách nhiệm bồi hoàn của công chức khi có lỗi: “Người thi hành công vụ có lỗi gây thiệt hại có nghĩa vụ hoàn trả cho ngân sách nhà nước một phần hoặc toàn bộ số tiền mà Nhà nước đã bồi thường cho người bị thiệt hại”.

Tuy nhiên, đại biểu cũng đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét, nghiên cứu thêm: Trong khi thi thành công vụ, ngoài Thẩm phán thì các chức danh tư pháp khác, như: Thư ký Tòa án, Thẩm tra viên cũng phải làm việc với đương sự nên nguy cơ bị đe dọa đến sức khỏe, tính mạng cũng rất cao. Đây cũng là những đối tượng cần được bảo vệ khi thi hành công vụ. Do đó, đề nghị bổ sung nội dung “Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án được hưởng chế độ chính sách ưu đãi khi bị tổn hại sức khỏe, tính mạng” như quy định đối với Thẩm phán.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần thiết thành lập TAND sơ thẩm chuyên biệt