Chính trị

Cần thiết ban hành văn bản về các chi phí tố tụng

Duy Tuấn 13/12/2023 14:52

Tiếp tục chương trình làm việc phiên họp thứ 28 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chiều nay (13/12), Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Tiến đã trình bày Tờ trình về dự án Pháp lệnh Chi phí tố tụng.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì phiên họp; Cùng dự phiên họp có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC Nguyễn Hoà Bình.

Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Tiến khẳng định, nội dung dự thảo Pháp lệnh đảm bảo phù hợp với quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, cải cách tư pháp, cải cách chính sách tiền lương.

pca-nvtien.jpeg
Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Tiến trình bày Tờ trình Pháp lệnh Chi phí tố tụng.

“TANDTC đã tiến hành rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và nhận thấy, nội dung dự thảo Pháp lệnh đảm bảo phù hợp với các văn bản pháp luật liên quan”, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Tiến nói.

Về cơ sở pháp lý, Phó Chánh án Nguyễn Văn Tiến cho biết, Điều 169 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, Điều 370 Luật Tố tụng hành chính năm 2015 đều quy định: “Căn cứ vào quy định của Bộ luật này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định cụ thể về chi phí ủy thác tư pháp ra nước ngoài, chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ, chi phí giám định, định giá tài sản; chi phí cho người làm chứng, người phiên dịch; chi phí tố tụng khác do luật khác quy định và việc miễn, giảm chi phí tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án”. Tuy nhiên, đến nay văn bản quy định cụ thể về chi phí tố tụng; về việc miễn, giảm các loại chi phí tố tụng nêu trên vẫn chưa được ban hành.

Trong khi đó, Điều 135 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định về các chi phí tố tụng trong tố tụng hình sự, nhưng chưa cụ thể.

Ngoài ra, Điều 7 Pháp lệnh số 01/2022/UBTVQH15 , Điều 7 Pháp lệnh số 03/2022/UBTVQH15 quy định về chi phí trong việc xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính. Đây là những chi phí phát sinh trong quá trình tố tụng tại Tòa án, nhưng chưa có quy định cụ thể.

Do vậy, theo Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Tiến, việc ban hành văn bản quy định cụ thể về các chi phí tố tụng nêu trên là phù hợp và cần thiết.

Tạo cơ sở pháp lý đồng bộ

Dự án Pháp lệnh Chi phí tố tụng bao gồm 13 chương, 92 Điều. Pháp lệnh này quy định về xác định chi phí tố tụng; nộp tiền tạm ứng chi phí tố tụng; trách nhiệm chi trả, nghĩa vụ chịu, việc xử lý tiền tạm ứng chi phí tố tụng; miễn, giảm tiền tạm ứng, miễn, giảm chi phí tố tụng; kinh phí chi trả chi phí tố tụng theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính.

Việc xác định chi phí; nộp tiền tạm ứng chi phí; trách nhiệm chi trả, nghĩa vụ chịu; kinh phí chi trả chi phí trong quá trình TAND xem xét, quyết định đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc và xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính được thực hiện theo quy định của Pháp lệnh này.

toancanhc13.jpeg
Toàn cảnh phiên họp.

Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Tiến khẳng định, việc xây dựng dự án Pháp lệnh Chi phí tố tụng sẽ tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất cho việc thi hành pháp luật về chi phí tố tụng. Khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn; bảo đảm trình tự, thủ tục thu, nộp chi phí tố tụng đơn giản, thuận lợi; phục vụ việc giải quyết vụ án, vụ việc kịp thời, hiệu quả; đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết vụ án, vụ việc của Tòa án và các cơ quan tiến hành tố tụng.

Về quan điểm chỉ đạo, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Tiến nhấn mạnh, việc xây dựng Pháp lệnh nhằm thể chế hoá đầy đủ, kịp thời các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng về cải cách tư pháp, hoàn thiện pháp luật về chi phí tố tụng; Bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật; bảo đảm tính khả thi, phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội;

Đặc biệt, kế thừa những quy định còn phù hợp, sửa đổi những quy định không còn phù hợp; bổ sung những vấn đề mới nhằm khắc phục những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn; phù hợp với cam kết trong các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên.

“Bảo đảm xác định đầy đủ, rõ ràng chi phí tố tụng, trình tự, thủ tục thu, nộp chi phí tố tụng đơn giản, thuận lợi cho cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình”, Phó Chánh án nói.

Về phạm vi điều chỉnh của dự thảo Pháp lệnh, theo Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Tiến, Pháp lệnh quy định một số chi phí tố tụng xuất phát từ căn cứ pháp lý và cơ sở thực tiễn như sau: Một số chi phí tố tụng trong thực tiễn đang được chi trả theo quy định của pháp luật hiện hành, nhưng chưa được xác định là chi phí tố tụng nên khó khăn khi dự toán, thanh quyết toán, ví dụ: chi phí bảo quản tài liệu, chứng cứ, vật chứng, chi phí xác minh sự có mặt hoặc vắng mặt của đương sự tại nơi cư trú, xác minh tài liệu chứng cứ.

Việc bổ sung một số chi phí tố tụng trong Pháp lệnh là để bảo đảm sự bình đẳng giữa các chủ thể tham gia tố tụng. Chi phí cho người đại diện do Tòa án chỉ định trong tố tụng dân sự, tố tụng hành chính hiện nay không được chi trả, trong khi những đối tượng khác đại diện cho đương sự, bị can, bị cáo... tham gia tố tụng như: trợ giúp viên pháp lý, bào chữa viên nhân dân, luật sư do cơ quan tiến hành chỉ định tham gia tố tụng,... lại đang được chi trả chi phí.

Việc bổ sung một số chi phí tố tụng trong Pháp lệnh là để bảo đảm giải quyết vướng mắc trong thực tiễn, khắc phục khiếm khuyết của pháp luật tố tụng hiện hành về nghĩa vụ chịu chi phí tố tụng, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự.

Ngoài ra, dự thảo Pháp lệnh về cơ bản kế thừa quy định về miễn, giảm chi phí giám định của Pháp lệnh số 02/2012/UBTVQH13, đồng thời bổ sung việc miễn, giảm chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ tương tự như đối với chi phí giám định; bổ sung một số đối tượng được miễn; sửa đổi trường hợp được giảm.

Tháo gỡ vướng mắc trong thực tiễn

Nêu thực trạng pháp luật về chi phí tố tụng, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Tiến cho biết, Pháp lệnh số 02/2012/UBTVQH13 về chi phí giám định, định giá; chi phí cho người làm chứng, người phiên dịch trong tố tụng, được ban hành để cụ thể hóa Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003, Luật Tố tụng hành chính năm 2010.

“Một số quy định của Pháp lệnh này chưa đồng bộ, thống nhất với quy định của pháp luật hiện hành; một số quy định chưa chi tiết, không còn phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội hiện nay. Đối với chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ trong tố tụng dân sự, tố tụng hành chính; chi phí cho người chứng kiến, người dịch thuật trong tố tụng hình sự hiện nay chưa có văn bản quy định chi tiết”, Phó Chánh án nêu.

toan-canh-2.jpeg
Toàn cảnh phiên họp.

Đặc biệt, đối với các chi phí trong việc xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, áp dụng biện pháp xử lý hành chính; chi phí cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng; chi phí xác minh sự có mặt hoặc vắng mặt của đương sự tại nơi cư trú, xác minh tài liệu, chứng cứ; chi phí cho người đại diện do Tòa án chỉ định; chi phí sao chụp tài liệu trong tố tụng hình sự hiện nay chưa có văn bản quy định cụ thể.

Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Tiến khẳng định, các loại chi phí tố tụng này cần phải được quy định cụ thể trong dự thảo Pháp lệnh để tạo cơ sở pháp lý, nhằm tháo gỡ vướng mắc cho thực tiễn.

Đáng chú ý, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Tiến nêu rõ, thực tiễn áp dụng pháp luật về chi phí tố tụng đang gặp 7 khó khăn, vướng mắc gồm:

Mức chi cho Hội thẩm còn thấp, không khuyến khích được Hội thẩm tham gia thực hiện nhiệm vụ xét xử;

Định mức chi phí cũ không còn phù hợp với những thay đổi của giá cả thị trường;

Việc tính tiền tạm ứng, trình tự, thủ tục thu, mức thu, mức chi chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ còn chưa thống nhất;

Một số chi phí phát sinh trong hoạt động giám định chưa được pháp luật điều chỉnh;

Việc thanh toán chi phí cho người làm chứng, người phiên dịch còn chậm;

Chi phí cho người phiên dịch, người bào chữa trong trường hợp chỉ định người bào chữa phát sinh một số chi phí (chi phí xét nghiệm Covid-19) pháp luật chưa quy định;

Một số chi phí thực tế phát sinh nhưng pháp luật chưa quy định như: chi phí cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng; chi phí xác minh sự có mặt hoặc vắng mặt của đương sự tại nơi cư trú, xác minh tài liệu, chứng cứ; chi phí bảo quản tài liệu, chứng cứ, vật chứng; chi phí cho người đại diện do Tòa án chỉ định… gây nhiều khó khăn trong thực tiễn áp dụng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần thiết ban hành văn bản về các chi phí tố tụng