Tiêu điểm

Họp Ban soạn thảo, Tổ biên tập Dự án Pháp lệnh Chi phí tố tụng

Mai Đỉnh 12/07/2023 - 15:08

Sáng 12/7, tại Hà Nội, TANDTC tổ chức phiên họp Ban soạn thảo, Tổ biên tập xin ý kiến đối với các nội dung dự thảo Dự án Pháp lệnh Chi phí tố tụng. Đồng chí Nguyễn Văn Tiến, Bí thư Đảng ủy, Phó Chánh án TANDTC - Phó Trưởng ban soạn thảo chủ trì phiên họp.

Dự phiên họp có đồng chí Nguyễn Thị Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội; đồng chí Trần Hồng Hà, Thẩm phán TANDTC.

Cùng dự có các thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập Dự án Pháp lệnh Chi phí tố tụng (đại diện các các cơ quan: Văn phòng Quốc hội, Bộ Tài Chính, VKSNDTC, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam và một số đơn vị trực thuộc TANDTC, TAND TP. Hà Nội).

phap-lenh-chi-phi-to-tung1.jpg
Đồng chí Nguyễn Văn Tiến, Bí thư Đảng ủy, Phó Chánh án TANDTC - Phó Trưởng ban soạn chủ trì phiên họp.

Ngày 07/6/2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 793/NQ-UBTVQH15 về việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.

Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bổ sung dự án Pháp lệnh Chi phí tố tụng vào Chương trình xây dựng luật năm 2023, trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023), thông qua tháng 11/2023.

Dự án Pháp lệnh Chi phí tố tụng được xây dựng sẽ tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất cho việc thi hành các quy định pháp luật về chi phí tố tụng; khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn; bảo đảm trình tự, thủ tục thu, nộp, thanh toán chi phí tố tụng đơn giản; đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân; góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xét xử của Tòa án.

Tại phiên họp, đồng chí Lê Thế Phúc, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học TANDTC báo cáo một số vấn đề lớn của dự thảo Pháp lệnh. Theo đó, dự kiến dự thảo Pháp lệnh gồm 13 chương, 72 điều.

Phạm vi điều chỉnh gồm các chi phí: Đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc và áp dụng các biện pháp xử lý hành chính; Hội thẩm; sao chụp tài liệu; phát sinh trong quá trình tổ chức phiên tòa trực tuyến theo Nghị quyết số 33/2021/QH15; thông tin trên phương tiện thông đại chúng; cho người đại diện; thuê luật sư trong vụ kiện xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Về miễn, giảm chi phí tố tụng bao gồm: miễn, giảm tiền tạm ứng chi phí giám định, chi phí giám định và miễn, giảm chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ.

phap-lenh-chi-phi-to-tung2.jpg
Đồng chí Nguyễn Thị Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội phát biểu tại phiên họp.

Tham gia ý kiến tại phiên họp, các đại biểu cơ bản đồng tình, nhất trí với các nội dung dự thảo Dự án Pháp lệnh Chi phí tố tụng. Đồng thời, các đại biểu cũng tập trung phân tích và đề xuất bổ sung một số vấn đề nhằm hoàn thiện hơn đối với dự thảo Pháp lệnh.

Ngoài ra, các quy định về chi phí ủy thác tư pháp ra nước ngoài, chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ, chi phí cho người dịch thuật, người chứng kiến… cũng là những nội dung được các đại biểu phân tích, đánh giá nhằm tháo gỡ vướng mắc để các cơ quan áp dụng phù hợp với thực tế.

Đối với chi phí cho Hội thẩm, nhiều đại biểu cho rằng, phụ cấp của Hội thẩm được quy định trong Luật Tổ chức TAND, hiện nay TANDTC đang xây dựng Dự án Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) nên chế độ (phụ cấp và các chi phí khác) cho Hội thẩm sẽ được quy định trong Luật Tổ chức (sửa đổi) và các văn bản quy định chi tiết nên không nên đưa vào phạm vi điều chỉnh của Pháp lệnh.

Cùng với nhiều đề xuất bổ sung vào Pháp lệnh, các đại biểu cho rằng phiên họp này còn là dịp để Ban soạn thảo, Tổ biên tập tổng hợp rà soát lại các Pháp lệnh, Nghị định của Chính phủ hay một số nhiệm vụ mới liên quan chưa được quy định để đưa vào Pháp lệnh.

Đánh giá nội dung của phiên họp, đồng chí Nguyễn Thị Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc cho biết, với các ý kiến kỹ lưỡng của các thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập là đại diện từ các cơ quan nghiên cứu bộ, ngành thì đến thời gian trình sang Quốc hội sẽ có dự thảo Pháp lệnh chi phí tố tụng đầy đủ và chất lượng.

Nhằm hoàn thiện hơn đối với dự thảo Pháp lệnh, đồng chí Nguyễn Thị Thủy đề xuất cần khai thác thêm những vấn đề chi phí thực tế tại Tòa án để cụ thể hóa tối đa Pháp lệnh.

phap-lenh-chi-phi-to-tung3.jpg
Các đị biểu tham gia đóng góp ý kiến.

Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Tiến cảm ơn, đánh giá cao tinh thần nghiêm túc, nghiên cứu tài liệu kỹ lưỡng và ý kiến đóng góp có chất lượng của các thành viên, đồng thời nhấn mạnh, việc xây dựng Dự án Pháp lệnh Chi phí tố tụng không chỉ đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân mà còn khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn.

Để tiếp tục hoàn thiện Dự án Pháp lệnh Chi phí tố tụng, Phó Chánh án Nguyễn Văn Tiến đề nghị, trên cơ sở ý kiến tham gia của các đại biểu, Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học TANDTC chủ trì chủ động phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Tài Chính, Bộ Công an và VKSNDTC nghiên cứu, rà soát và cùng nhau thống nhất những quy định trong dự thảo Pháp lệnh. Để làm sao khi Pháp lệnh được ban hành, các cơ quan thực thi dễ thực hiện.

Đối với các đại biểu tham gia ý kiến bằng văn bản Phó Chánh án đề nghị sớm gửi về để Ban soạn thảo, Tổ biên tập kịp thời tiếp thu, tập hợp, giải trình và xây dựng hoàn thiện, trình cơ quan có thẩm quyền ban hành Pháp lệnh đúng tiến độ đề ra góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xét xử của Tòa án.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Họp Ban soạn thảo, Tổ biên tập Dự án Pháp lệnh Chi phí tố tụng