Hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII năm nay có nhiều đổi mới. Tuy nhiên, về thời gian 75 phút dành cho Thủ tướng phát biểu và trả lời chất vấn đang khiến không ít đại biểu băn khoăn.
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm kiến nghị Quốc hội dành thời gian thoả đáng để Thủ tướng Chính phủ trả lời chất vấn
Theo chương trình Kỳ họp thứ 10, phiên chất vấn và trả lời chất vấn sẽ diễn ra trong 2,5 ngày (16-18/11) với cách thức mới, không chốt danh sách các thành viên Chính phủ cũng không theo nhóm vấn đề. Phiên làm việc của Quốc hội sẽ được phát thanh, truyền hình trực tiếp để cử tri cả nước theo dõi. Hoạt động này ở kỳ họp đang diễn ra sẽ rất mới, chưa từng có tiền lệ.
Sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình, Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Hòa Bình báo cáo về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến năm 2015.
Tiếp đó, Chủ nhiệm văn phòng Nguyễn Hạnh Phúc trình bày báo cáo tổng hợp nội dung thẩm tra của của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội. Trưởng ban dân nguyện Nguyễn Đức Hiền trình bày báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 9 và tổng hợp kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII đến năm 2015.
Sau thời gian trình bày các báo cáo, việc thảo luận và chất vấn về các nội dung liên quan được tiến hành kết hợp, không theo nhóm vấn đề. Mỗi đại biểu có 7 phút thảo luận, chất vấn về các báo cáo và có 2 phút nếu chỉ nêu câu hỏi chất vấn mà không thảo luận.
Nội dung chất vấn liên quan đến trách nhiệm người đứng đầu cơ quan nào, người đó trực tiếp trả lời theo điều hành của chủ tọa. Chất vấn liên quan đến trách nhiệm chung của Chính phủ hoặc trách nhiệm thuộc nhiều Bộ, ngành sẽ được Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trực tiếp trả lời.
Cuối phiên chất vấn, theo chương trình chi tiết thì thời gian dành cho Thủ tướng là từ 10h đến 11h15 ngày 18/11. Như vậy, người đứng đầu Chính phủ sẽ có 75 phút để vừa phát biểu, vừa trả lời trực tiếp chất vấn của đại biểu.
Thời gian chất vấn dành cho Thủ tướng là chưa thỏa đáng
Thời gian dành cho Thủ tướng phát biểu và trả lời chất vấn đang là băn khoăn của không ít đại biểu, theo một số vị đại biểu thời gian này là hơi ít. Vì một năm Thủ tướng chỉ đăng đàn một lần vào kỳ họp cuối năm. Và còn vì lần này chất vấn mang ý nghĩa tổng rà soát cả nhiệm kỳ chứ không như những lần trước, chỉ tập trung vào các vấn đề mang tính thời sự cao.
Nhìn lại cả nhiệm kỳ, chưa có lần chất vấn nào Thủ tướng được dành trọn một buổi để trả lời trực tiếp, như các thành viên Chính phủ khác. Cuối năm 2011, thời gian dành cho Thủ tướng trả lời chất vấn trực tiếp là 20 phút cho 22 câu trả lời, đến cuối 2014 thì tăng lên gấp đôi, tức cũng chưa đến một giờ đồng hồ.
Còn nhớ, kết thúc phiên chất vấn của kỳ họp cuối năm ngoái, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Cần Thơ Huỳnh Văn Tiếp nói, khi rút kinh nghiệm kỳ họp này, ông sẽ đề nghị kỳ họp cuối năm sau (tức là kỳ họp này) dành trọn một buổi để chất vấn Thủ tướng. Bởi, có những vấn đề cho dù đã được bộ trưởng trả lời hay thể hiện trong báo cáo, thì khẳng định của Thủ tướng trước Quốc hội và đồng bào cả nước vẫn mang một ý nghĩa khác hẳn.
Lần này, dù các vị bộ trưởng đều là nhân vật chính, nhưng có lẽ ý kiến của đại biểu Tiếp vẫn còn nguyên tính thời sự. Bởi trên thực tế, báo cáo thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội vẫn chỉ ra nhiều vấn đề Quốc hội đã yêu cầu nhưng không ít báo cáo sau chất vấn các bộ còn chưa đề cập hoặc đề cập sơ sài, chưa đáp ứng được yêu cầu.
Có cùng quan điểm này với đại biểu Huỳnh Văn Tiếp vào kỳ họp năm nay, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (Đoàn TPHCM) cho rằng, thời gian 75 phút Thủ tướng phát biểu và chất vấn là ít, từ đó đại biểu này đề nghị Quốc hội cần dành thời gian thoả đáng cho Thủ tướng trả lời chất vấn.
“Cử tri rất muốn được nghe trả lời của Chính phủ về trách nhiệm cũng như giải pháp của lãnh đạo nền hành chính quốc gia. Theo đó, nên dành cho Thủ tướng ít nhất 1 buổi vì vừa qua chưa thoả đáng, Thủ tướng chuẩn bị nhưng không đủ thời gian đưa ra thông điệp quan trọng” – bà Tâm kiến nghị.
Về kiến nghị này của đại biểu Tâm, tuy không có dịp trả lời trực tiếp, nhưng bên hành lang Quốc hội sáng nay (14/11), ông Nguyễn Hạnh Phúc - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đã có chia sẻ thẳng thắn với báo chí về vấn đề này. Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, trong kỳ này có nhiều vấn đề liên quan đến các bộ, ngành nên cũng cố gắng “quét” hết các ý kiến và dành cho Thủ tướng một khoảng thời gian như đã nói.
“Lần này Thủ tướng trả lời chất vấn thế là dài”- ông ông Nguyễn Hạnh Phúc bày tỏ.
Về nội dung Thủ tướng Chính phủ có dành toàn bộ thời gian 75 phút để trả lời câu hỏi chất vấn trực tiếp hay sẽ dành một phần để đọc báo cáo, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nói: “Trên cơ sở lắng nghe các câu hỏi và những trả lời của các Bộ trưởng, vấn đề liên quan đến các bộ ngành thì Thủ tướng sẽ trả lời, chứ bây giờ cũng chưa biết Thủ tướng sẽ trả lời như thế nào. Nếu vấn đề đã được thành viên Chính phủ trả lời rõ ràng rồi thì đâu cần nhắc lại nữa”.
Quy định thời gian tranh luận để tránh tình trạng đại biểu đọc tham luận
Liên quan đến các phiên thảo luận toàn thể tại Hội trường, đại biểu Nguyễn Đình Quyền - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp cho rằng, hiện nay cơ bản vẫn là tham luận mà chưa chuyển sang tranh luận. Đây là vấn đề lớn nhất trong hoạt động Quốc hội hiện nay. Theo đại biểu Quyền, nội quy cần quy định để khắc phục chuyện này, trong đó có vai trò của người điều hành, để đại biểu có thể thể hiện quan điểm, chính kiến của mình.
“Lâu nay chúng ta điều hành tốt rồi, nhưng vẫn băn khăn về tính không thống nhất của việc điều hành. Cần phải có điều quy định về điều hành phiên họp để khắc phục tính tham luận, đứng lên đọc một bài chuẩn bị sẵn. Có hàng chục bài chuẩn bị sẵn tương đối trùng nhau”, đại biểu Quyền đánh giá.
Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Văn Phúc (Đoàn Hà Tĩnh) đề xuất thiết kế hệ thống phần mềm ưu tiên đăng ký để tranh luận ngay.
Đại biểu Nguyễn Anh Sơn - Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định cho rằng, có những người biết bị trùng đề tài nhưng vẫn nói lại vì muốn thể hiện hình ảnh của mình trước cử tri ở nhà. Do đó họp Quốc hội không sôi nổi. Ông Sơn đồng tình thiết kế hệ thống ưu tiên cho ý kiến tranh luận nhưng cần quy định thời gian tối đa 2 phút, để tránh trường hợp có sử dụng quyền này để trình bày bài tham luận của mình.