Tại dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi), đề xuất của Bộ Tư pháp về việc thay thế tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng bằng những tội danh cụ thể trong các lĩnh vực kinh tế.
Cụ thể hóa hành vi phạm tội
Bộ luật Hình sự (BLHS) hiện hành quy định tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 165). Dự thảo BLHS (sửa đổi) dự kiến cụ thể hóa hành vi phạm tội có tính chất cố ý làm trái trong các lĩnh vực kinh tế và quy định thành các tội danh cụ thể trong từng lĩnh vực để thay thế cho tội danh này.
Một số ý kiến chuyên gia cho rằng, trong khi Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi cơ chế quản lý kinh tế từ cơ chế tập trung sang cơ chế thị trường và hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, nhiều chính sách kinh tế vừa làm vừa thử nghiệm thì việc duy trì một tội danh với dấu hiệu cấu thành là “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” được coi như là một “trở ngại”, làm nản lòng các nhà đầu tư, nhà quản lý. Do đó, dự thảo BLHS (sửa đổi) dự kiến chuyển dấu hiệu tội phạm của tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (từ cấu thành tội phạm chung) bằng cách rà soát, quy định trong các cấu thành tội phạm cụ thể.
Dự thảo BLHS (sửa đổi) không đặt vấn đề bãi bỏ tội Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng mà chỉ cụ thể hóa hành vi phạm tội này thành các tội danh cụ thể trong từng lĩnh vực để bảo đảm tính công khai, minh bạch của BLHS, tránh sự tùy tiện trong việc áp dụng BLHS để xử lý tội phạm, qua đó góp phần bảo vệ quyền con người, quyền công dân theo tinh thần Hiến pháp mới năm 2013.
Một phiên tòa xét xử vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”
Theo đó, tội Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng được cụ thể hóa trong 45 tội danh xâm phạm trật tự quản lý kinh tế thuộc 3 nhóm lĩnh vực: Sản xuất, kinh doanh, thương mại; Thuế, tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm; Lĩnh vực kinh tế khác. Bên cạnh đó, BLHS cũng có một số điều khoản quy định các tội phạm mang tính chất “cố ý làm trái” trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Ngoài ra, trong chương các tội phạm về chức vụ cũng đã quy định một số tội danh liên quan đến hành vi “cố ý làm trái” của người có chức vụ, quyền hạn như: tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ. Vì vậy, dự thảo Bộ luật không tiếp tục duy trì tội danh Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng trong BLHS.
Bảo đảm tính minh bạch, góp phần bảo vệ quyền con người
Nhiều ý kiến cho rằng, tội Cố ý làm trái… là cái túi để xử lý tất cả trường hợp mà cơ quan tố tụng không thể hoặc không muốn xử lý người phạm tội về những tội phạm khác. Điều này đã làm cho mọi cá nhân, tổ chức không dám đi đầu, phát huy sáng kiến thúc đẩy sản xuất kinh doanh vì sợ vướng vào tội này. Điều này càng nghiêm trọng hơn khi hệ thống pháp luật về quản lý kinh tế của ta đang trong quá trình hoàn thiện, tính ổn định không cao. Do đó, việc tiếp tục duy trì tội này là một rào cản rất lớn cho quá trình phát triển kinh tế, là cơ sở để cơ quan tố tụng áp dụng nguyên tắc tương tự trong tố tụng hình sự, vốn là điều cấm kỵ trong một nền tư pháp hiện đại.
Xét dưới góc độ khoa học luật hình sự, một người chỉ có thể phải chịu trách nhiệm hình sự khi họ vi phạm một hoặc một số tội đã được quy định trong BLHS. Tuy nhiên, nhìn vào Điều 165 BLHS hiện hành, có thể thấy chủ thể của tội phạm rất rộng và khách thể thì rất chung chung. Thực tiễn đã cho thấy, rất nhiều tội phạm về chức vụ cũng được đưa sang áp dụng ở nhóm tội phạm xâm phạm trật tự, trong đó có tội Cố ý làm trái vì khó hoặc không thể chứng minh được dấu hiệu về mặt chủ quan của tội phạm (động cơ, mục đích).
Điều này tạo ra một tiền lệ xấu là cơ quan áp dụng pháp luật có thể đã quá linh động, “sáng tạo” dẫn đến vi phạm quyền con người của người bị nghi là tội phạm, thậm chí làm oan cho họ. Bên cạnh đó, vì là điều luật có phạm vi điều chỉnh rộng nên nó có thể được suy diễn một cách tùy tiện theo hướng bất lợi để làm phương hại cho bị can, bị cáo - trái với nguyên tắc suy đoán vô tội đã và đang được cả thế giới văn minh áp dụng.
Ông Trần Tiến Dũng, Chánh Văn phòng, người Phát ngôn Bộ Tư pháp cho biết, tội Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng là một tội danh rất chung chung, có phạm vi rộng lại không cụ thể, không rõ ràng để có thể vận dụng xử lý bất cứ hành vi vi phạm nào. Điều này không đảm bảo tính minh bạch, dễ dẫn đến tình trạng lạm dụng. Do đó, cần cụ thế hóa các hành vi phạm tội trong từng lĩnh vực kinh tế để thay thế tội danh này trong Bộ luật Hình sự hiện hành nhằm đảm bảo tính minh bạch, góp phần bảo vệ quyền con người, quyền công dân theo Hiến pháp 2013.
Cũng có ý kiến cho rằng, nếu bỏ tội danh này thì sẽ không còn điều luật nào để truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp có cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng nhưng lại không có việc chiếm đoạt tài sản, không có động cơ vụ lợi cá nhân khác. Mà nếu không xử lý hình sự thì chẳng khác nào dung túng cho cán bộ làm sai, không thu hồi được tài sản hay khắc phục hậu quả. Bởi vậy, nếu bỏ tội Cố ý làm trái… thì dự thảo BLHS (sửa đổi) cần phải cụ thể hóa hành vi khách quan của tội phạm này thành các tội phạm khác nhau, trước hết là những hành vi cố ý làm trái phổ biến (ví dụ, tội cố ý làm trái quy định về mua sắm tài sản công…). Không cụ thể hóa như vậy thì sẽ tạo khoảng trống rất lớn mà người có chức vụ, quyền hạn sẽ lợi dụng.